Vai trò của dinh dưỡng và bệnh Parkinson

Dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị và ngăn ngừa bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson đã được truyền thông đặc biệt quan tâm trong những năm qua. Mặc dù đã có những nỗ lực nhằm nâng cao kiến thức cộng đồng, công chúng vẫn chưa có nhiều hiểu biết về vai trò của dinh dưỡng trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh và kiểm soát các triệu chứng.

Nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc với các triệu chứng của bệnh Parkinson, chẳng hạn như chứng run rẩy, cử động chậm, xơ cứng cơ, tư thế sai biệt và các vấn đề về giữ thăng bằng. Các loại thuốc điều trị Parkinson cụ thể được kê đơn nhằm kiểm soát các triệu chứng liên quan đến vận động, trong khi một số khác có thể được sử dụng cho các triệu chứng không liên quan đến vận động, chẳng hạn như chứng trầm cảm, lo lắng, ảo giác, mất ngủ, đau đớn, và nhiều triệu chứng khác.

Acid folic, vitamin B6 và vitamin B12

Trong khi các loại thuốc có thể kiểm soát hiệu quả các triệu chứng về vận động, những thay đổi về lối sống và dinh dưỡng sẽ giúp giải quyết những triệu chứng không liên đến vận động. Một phát hiện liên quan đến dinh dưỡng cho thấy rằng việc thiếu hụt các nhóm vitamin B như B-6, B-12 và acid folic (B9) có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

Chuyên gia dinh dưỡng Patrick Holford đã viết trong cuốn sách của mình “Dinh dưỡng tối ưu mới dành cho trí não – New Optimum Nutrition for the Mind” rằng việc thiếu hụt acid folic có thể khiến các tế bào não sản xuất dopamine dễ bị tổn thương hơn. Một trong những vai trò của dopamine là điều hòa vận động và những phản ứng liên quan đến cảm xúc. Sự suy giảm nồng độ dopamine được cho là một yếu tố góp phần gây ra bệnh Parkinson.

Trong bệnh Parkinson, mỗi khi tế bào bị tổn thương sẽ tạo ra các gốc tự do. Một cách để đối phó với các chứng viêm do tác hại của các gốc tự do là dùng thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như trái cây và rau không chứa tinh bột. Những loại thực phẩm này cũng giàu chất xơ và có thể giúp chữa táo bón, một triệu chứng khác của bệnh Parkinson.

Việc bổ sung với hàm lượng cao các chất chống oxy hóa vitamin C và E cũng có thể chống lại tác hại của các gốc tự do. Và theo ông Holford, những vitamin này giúp trì hoãn nhu cầu dùng thuốc trong quá trình điều trị Parkinson. Việc bổ sung CoQ10 cũng đã được xác định có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. CoQ10 giúp cơ thể chúng ta sản xuất năng lượng và mức độ CoQ10 sẽ giảm đi theo quá trình lão hóa. Tuy nhiên, việc bổ sung các chất nêu trên cũng nên được theo dõi dưới sự giám sát của bác sĩ có chuyên môn.

Cùng với sự hình thành các gốc tự do, còn có một mối liên quan giữa sự thiếu hụt acid folic, vitamin B6 và vitamin B12, với sự gia tăng mức homocysteine​​ trong bệnh Parkinson. Homocysteine ​​là một acid amin hình thành từ quá trình phân hủy protein. Nồng độ cao homocysteine có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Việc bổ sung acid folic, vitamin B6 và vitamin B12 được sử dụng để làm giảm mức homocysteine​, từ đó giúp kiểm soát các triệu chứng Parkinson. Đối với những ai mắc bệnh Parkinson, tốt nhất nên kiểm tra nồng độ homocysteine ​​và cân nhắc việc bổ sung các chất nêu trên dưới sự giám sát của bác sĩ có chuyên môn.

Vai trò của dinh dưỡng và bệnh Parkinson
Vitamin B12 giữ vai trò thiết yếu trong nhiều hoạt động chức năng, từ việc tạo ra các tế bào máu cho đến việc duy trì các tế bào thần kinh được khỏe mạnh. (Ảnh: Rawpixel.com/Shutterstock)

Các vấn đề về đào thải độc tố và bệnh Parkinson.

Người ta đã phát hiện ra một số acid amin cụ thể có chứa lưu huỳnh giúp loại bỏ các độc tố trong cơ thể người bệnh Parkinson. Ông Holford cho biết rằng việc bổ sung cysteine, methionine và molybdenum, và tất cả các acid amin có chứa lưu huỳnh sẽ giúp cải thiện khả năng đào thải độc tố. Tuy nhiên, xin nhắc lại, bất kỳ sự bổ sung nào cũng nên được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ.

Thực phẩm hàng ngày có thể hỗ trợ hoặc ức chế khả năng loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể. Tập trung vào việc đào thải độc tố là tối quan trọng đối với bệnh Parkinson, vì nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tỉ lệ mắc bệnh parkinson thường cao hơn ở những vùng phun thuốc trừ sâu trong các mùa vụ.

Các loại thực phẩm ức chế quá trình giải độc trong cơ thể bệnh nhân Parkinson bao gồm rượu vang, cà phê, một số loại pho mát và chocolate.

Các loại thực phẩm hỗ trợ giải độc trong cơ thể bệnh nhân Parkinson bao gồm bông cải xanh, cải brussels, bắp cải, súp lơ trắng và cải xoăn.

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa nhiều acid béo omega-3

Trong cuốn sách có tên “Y học tương tác – Interactive Medicine”, Tiến sĩ David Rakel đã đề cập đến một báo cáo về một công trình nghiên cứu liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson khi dùng nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa nhiều acid béo omega-3, chẳng hạn như hạt lanh, quả óc chó, hạt lý chua đỏ và đen, và trứng giàu omega-3.

Trà xanh

Tiến sĩ Rakel cũng cho biết lợi ích của việc dùng ba tách trà xanh mỗi ngày trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Vai trò của dinh dưỡng và bệnh Parkinson
Chất dinh dưỡng thực vật trong chiết xuất trà xanh (Ảnh: KMNPhoto/ Shutterstock)

Acid dạ dày và các enzym tiêu hóa

Ngoài các loại thực phẩm có thể giúp kiểm soát bệnh Parkinson, ông Holford còn viết về những sự thiếu hụt dinh dưỡng đặc hiệu liên quan đến tình trạng này, bao gồm thiếu acid dạ dày và các enzym, dẫn đến tiêu hóa kém và làm tăng tính thấm của ruột. Khi màng ruột tăng tính thấm, thức ăn chưa tiêu hóa có thể đi vào máu và gây nên bệnh dị ứng thức ăn. Các bác sĩ cần kiểm tra kỹ lưỡng nồng độ acid và enzyme trong dạ dày cũng như tính thấm của ruột để đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những tình trạng trên.

Thời điểm uống thuốc điều trị Parkinson và thực phẩm

Cùng với các khuyến nghị cụ thể về thực phẩm, ông Holford cũng nhấn mạnh thời điểm bổ sung thực phẩm và thời điểm dùng thuốc rất quan trọng đối với việc điều trị bệnh Parkinson.

Có những loại thực phẩm chứa một số acid amin nhất định có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về vận động nếu được sử dụng gần với thời gian dùng thuốc L-dopa. Những thực phẩm này bao gồm trứng, cá, thịt, thịt gia cầm, sản phẩm làm từ sữa (trừ bơ), các loại đậu, đậu xanh, rau bina, đậu nành, món couscous, tấm lúa mì, dừa, bơ, măng tây và ngũ cốc chứa gluten.

Chúng ta nên uống thuốc L-dopa trước bữa ăn một giờ, và sau ăn hai giờ. L-dopa có tác động không tốt đến sự hấp thụ của các protein khác nên điều đặc biệt quan trọng là phải để ý đến thời gian uống thuốc và thời gian dùng bữa.

Quỹ Parkinson Quốc gia – The National Parkinson Foundation cũng đề xuất những thay đổi trong chế độ ăn uống cho những người dùng thuốc ức chế MAO-B để điều trị Parkinson. Thuốc ức chế MAO giúp ngăn chặn sự phân hủy dopamine, từ đó làm giảm một số triệu chứng liên quan vận động.

Khi dùng thuốc ức chế MAO, nên tránh các thực phẩm có nồng độ tyramine cao, bao gồm thịt hoặc cá đã qua xử lý, được lên men hoặc sấy khô, pho mát lâu năm, bắp cải lên men, các sản phẩm từ đậu tương, rượu vang đỏ và bia tươi.

Thay đổi lối sống và vận động

Về lối sống, tập thể dục nhịp điệu có thể giúp gia tăng năng lượng, kiểm soát âu lo, trầm cảm, và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Ông Rakel đưa ra một nghiên cứu cho thấy rằng việc luyện tập thái cực quyền và yoga có thể giúp duy trì và cải thiện thăng bằng cơ thể. Thêm vào đó, có một số nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp châm cứu có thể giúp giảm các triệu chứng đau và không liên quan đến vận động. Ngoài ra, nên hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu và kim loại nặng, vì những chất này thực sự có thể góp phần vào sự tiến triển của bệnh Parkinson.

Như ông tổ ngành y học Hippocrates đã từng nói: “Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn.”

Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn