Vài ảnh hưởng của Viêm phổi Trung Cộng lần 2 đến kinh tế Việt Nam
Dịch viêm phổi Trung Cộng tái phát ở Việt Nam vào cuối tháng 7; đến nay mới 3 tuần nên chưa đủ thời gian để có thể đánh giá hết những tác động của nó. Chỉ bằng cảm quan cũng thấy nó đã và sẽ ảnh hưởng ghê gớm thế nào. Dạo qua những tuyến phố kinh doanh sầm uất ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều đô thị khác sẽ thấy cảnh vắng lặng khác thường, nhiều cửa hàng đóng cửa, những cửa hàng cố trụ lại thì khách thưa thớt, với đầy những tấm biển quảng cáo cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Du lịch đang ngưng trệ
Ngày 7/8 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã họp để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. Tổng cục Du lịch cho biết hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước một lần nữa lại bị ngưng trệ do diễn biến phức tạp của dịch virus Trung Cộng tái phát tại một số địa phương. Do tâm lý lo ngại, thời gian qua nhiều khách du lịch đã hủy chương trình du lịch, và yêu cầu hoàn tiền lại 100%; các chương trình du lịch đặt trước bị hoán lại hoặc hủy gần tới 95%.
Do dịch bệnh nên nhiều tỉnh đã ra lệnh đóng cửa các điểm tham quan, du lịch, tắm biển, cấm tụ tập đông người, khuyến cáo người dân không đi đến các vùng đang có dịch… Làm cho hoạt động du lịch vốn đã khó khăn nay thực sự rơi vào thảm họa.
Hậu quả của ngưng trệ du lịch đã tác động đến rất nhiều lĩnh vực, như doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không, các doanh nghiệp vận tải, các khách sạn nhà hàng, các khu nghỉ mát, khu vui chơi.
Có thể thấy các bãi biển nổi tiếng như Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… cũng như các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Huế, Hội An, Đà Nẵng…trở nên vắng vẻ đìu hiu đang trong mùa hè, là mùa cao điểm của du lịch.
Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng mạnh
Dịch bệnh quay trở lại lần này làm cho kinh doanh bán lẻ tại các thành phố lớn bị ảnh hưởng đáng kể. Những tít bài giật gân như “làn sóng trả mặt bằng lần 2 ở Hà Nội: khi đất vàng cũng bật khóc” hoặc “mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống hàng loạt”… tràn ngập trên các báo đã cho thấy tình hình kinh doanh tại các đô thị lớn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào bởi virus Trung Cộng lần 2.
Ở Sài Gòn, những tuyến đường thương mại đắc địa ở Quận 1 như đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, xung quanh chợ Bến Thành… không còn cảnh san sát khách sạn nhà hàng, cửa hàng sang trọng sầm uất, người người chen chân, dòng xe cao cấp nườm nượp như trước. Thay vào đó là một Sài Gòn chầm chậm hơn, thưa thớt người xe hơn, các cửa hàng san sát nay đóng cửa khá nhiều. Rất nhiều tờ quảng cáo đủ các loại rao bán, cho thuê mặt bằng, sang lại cửa hàng giá “0” đồng, hoặc cửa hàng đã di chuyển về địa chỉ mới, nơi có giá thuê thấp hơn… Cũng do lệnh cấm tụ tập đông người, nên những địa điểm vui chơi quen thuộc như phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện, công viên xung quanh Nhà Thờ Đức Bà rất vắng vẻ, tĩnh lặng… giống như 40 năm trước vậy.
Ở Hà Nội cũng vậy, không chỉ những tuyến phố “đất vàng” như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Bạc, Đồng Xuân… mà làn sóng trả mặt bằng còn lan đến cả các quận khác. Cũng một Hà Nội sống chậm hơn, xe cộ thưa thớt hơn, hàng quán ít hơn vì rất nhiều cửa hàng đóng cửa cài then. Cũng rất nhiều bảng hiệu, bảng quảng cáo cho thuê, sang nhượng lại cửa hàng…
Theo thống kê của một công ty tư vấn bất động sản có uy tín thì có đến 50% khách thuê nhà mặt phố để kinh doanh ở Hà Nội, Sài Gòn đã trả lại nhà, chịu bị phạt để tạm ngừng kinh doanh chấp nhận lỗ.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê vừa công bố, trong 7 tháng đầu năm 2020 có 32,722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh ở tất cả 17 lĩnh vực kinh doanh. Con số này tăng 41.5 % so cùng thời kỳ 2019, thời điểm trước khi có dịch; đây là một tỷ lệ lớn chưa từng thấy.
Doanh nghiệp kêu cứu
Bị ảnh trực tiếp là các doanh nghiệp du lịch; việc phải hoàn tiền 100% cho khách đã đặt trước, làm không ít doanh nghiệp khốn đốn; thậm chí không ít công ty du lịch nhỏ đã phải xin tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể.
Tác động tiếp theo là các hãng hàng không. Như chúng ta đã biết, Vietnam Airlines là hãng lớn nhất, với tiềm lực tài chính vững mạnh là thế, nhưng đã bị rơi vào khủng hoảng tài chính: trong 6 tháng đầu năm 2020 đã lỗ hàng chục triệu USD. Vietnam Airlines đã có công văn kêu cứu gửi lên chính phủ, các bộ ngành và ngân hàng đề nghị cần có hỗ trợ tài chính khẩn cấp; nếu không nhận được hỗ trợ từ nhà nước thì khoảng 3 tháng tới Vietnam Airlines sẽ rơi vào cảnh cạn kiệt ngân quỹ. Công ty này cho biết dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ lỗ 650 triệu USD; tức là sẽ lỗ vượt qua cả vốn điều lệ – vốn điều lệ Vietnam Airlines là 340 triệu USD.
Các khách sạn nhà hàng cũng đang phải chịu hậu quả nặng nề; đặc biệt là các khách sạn 4 sao, 5 sao ở Hà Nội, Sài Gòn với 65% là khách quốc tế trước đây, thì nay lượng khách này không còn. Để duy trì hoạt động, họ phải hạ giá phòng xuống đến 90%, vậy mà lượng phòng sử dụng cũng chỉ dưới 10%. Còn những khách sạn nhỏ ở các bãi biển, các khu du lịch thì cũng không có khách. Khó có thể tính hết được những thiệt hại xảy ra ở lĩnh vực khách sạn này.
Thất nghiệp tăng cao
Theo công bố của Tổng Cục Thống kê ngày 10/7, trong Quý 2 năm 2020, có 30.8 triệu người trên 15 tuổi trong tổng số 51.8 triệu người lao động có việc làm bị ảnh hưởng do dịch bệnh; trong đó có 2.4 triệu người mất việc làm. Theo thông tin từ Cục Việc Làm, Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, trong 6 tháng đầu năm có 7.8 triệu lao động mất việc.
Thời điểm công bố thất nghiệp nói trên là trước khi xảy ra dịch bệnh lần 2; khi đó rất nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng đã hết dịch, kinh tế sẽ phục hồi, nên vẫn cố duy trì hoạt động, chưa cho người lao động nghỉ việc. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, dịch bệnh đã xuất hiện ở Đà Nẵng, mọi kỳ vọng về phục hồi kinh tế đã tan biến. Dịch bệnh đã làm ngành du lịch gần như ngưng trệ hoàn toàn, đã phá vỡ toàn bộ các chuỗi kinh doanh liên quan, kéo theo hiện tượng các khu du lịch đìu hiu, các thành phố thì trả mặt bằng kinh doanh, đóng cửa, doanh nghiệp nhỏ không chịu được thì tạm ngừng kinh doanh.
Vậy thì khả năng người lao động bị mất việc làm sẽ còn gia tăng; cần phải sớm gióng lên hồi chuông cảnh báo để giúp người lao động chủ động tìm kiếm kế sinh nhai.