Vaccine do Trung Quốc sản xuất bị thế giới ngờ vực
Trong khi dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, chính quyền Trung Cộng đã đẩy mạnh nỗ lực xuất cảng vaccine của mình sang các quốc gia khác, không ngừng theo đuổi “ngoại giao vaccine.” Tuy nhiên, vaccine do Trung Quốc sản xuất đã vấp phải sự phản đối trên toàn cầu do thiếu dữ liệu minh bạch về hiệu quả của chúng.
Hôm 20/01, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng có ít nhất 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc giới thiệu vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất. Bà cũng nói rằng một số nhà lãnh đạo nước ngoài đã chích vaccine của Trung Quốc, trong đó có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Chính quyền Trung Cộng liên tục quảng cáo về sự sẵn có và giá cả phải chăng của các vaccine Trung Quốc tại một cuộc họp báo chung do Quốc vụ viện chủ trì hôm 20/10/2020.
Một số quốc gia và khu vực có thu nhập trung bình và thấp cho biết họ sẽ mua các vaccine của Trung Quốc sau khi bị thu hút bởi giá cả của chúng thấp hơn so với các vaccine do các công ty dược phẩm châu Âu và Hoa Kỳ sản xuất.
Hầu hết các loại vaccine của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Cơ quan quản lý y tế của Brazil gần đây đã phát hiện ra loại vaccine do công ty dược phẩm nhà nước Sinovac phát triển chỉ có hiệu quả 50.4%, chỉ vừa vượt qua ngưỡng 50% do WHO đưa ra để chấp thuận theo quy định. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hiệu quả 78% mà nhà sản xuất dược phẩm này tuyên bố ban đầu.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chỉ trích Trung Quốc về hiệu quả của vaccine và nghi ngờ về độ tin cậy của chúng.
Tại Philippines, bà Risa Hontiveros, một nhà lập pháp đối lập, đã chỉ trích chính phủ của TT Duterte vì tiếp tục “ép buộc người dân phải chấp nhận sự ưu tiên của họ đối với vaccine do Trung Quốc sản xuất, mà không có giấy chấp thuận cho việc sử dụng khẩn cấp và có dữ liệu không nhất quán.”
Một báo cáo hôm 10/12/2020 của AFP đã cảnh báo về “cuộc tấn công quyến rũ” của Bắc Kinh, lưu ý rằng chiến dịch quảng bá vaccine của Bắc Kinh phần nào nhằm đánh lạc hướng sự tức giận và chỉ trích về việc Trung Quốc ban đầu đã giải quyết đại dịch một cách yếu kém và để củng cố ảnh hưởng của nước này ở châu Á và hơn thế nữa.
Tại Singapore, ông Bilahari Kausikan, cựu quan chức Bộ Ngoại giao, cho biết: “Hiện tại, tôi sẽ không dùng bất kỳ loại vaccine nào của Trung Quốc, vì không có đủ dữ liệu,” theo báo cáo hôm 25/01 của New York Time.
Hôm 15/01, YouGov, một nhóm phân tích và dữ liệu nghiên cứu có trụ sở tại London, đã công bố kết quả của họ trong một cuộc khảo sát với 19,000 người từ 17 quốc gia về thái độ của họ đối với vaccine ngừa COVID-19 được sản xuất tại 12 quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Úc, Nga, Trung Quốc, Iran, Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ. Những người tham gia được hỏi họ cảm thấy thoải mái như thế nào về vaccine ở mỗi quốc gia. Trung Quốc đạt điểm trung bình -19, xếp hạng áp chót, sau cùng là Iran (-30).
Chích ngừa cho người trước khi hoàn tất các thử nghiệm
Kể từ tháng 7 năm ngoái (2020), chính quyền Trung Cộng đã yêu cầu hàng triệu công dân chích các loại vaccine sản xuất trong nước dùng cho “sử dụng khẩn cấp”, mặc dù thực tế là các công ty dược phẩm vẫn chưa hoàn thành việc thử nghiệm vào thời điểm đó. Cho đến nay, chỉ có một loại vaccine do Sinopharm phát triển đã được các cơ quan quản lý Trung Quốc chấp thuận.
Trong một báo cáo của đài BBC tiếng Trung vào tháng 10/2020, giáo sư hóa sinh Jin Dong-Yan tại trường y của Đại học Hồng Kông nói rằng ông lo lắng về sự an toàn của những vaccine chưa được kiểm chứng của Trung Quốc.
Giáo sư Jin tin rằng Trung Quốc đã không đáp ứng các yêu cầu về đạo đức y tế và cho rằng Trung Quốc đã dùng sai định nghĩa “sử dụng khẩn cấp”.
Ông cũng lưu ý rằng “Trung Quốc đang hủy bỏ hệ thống đánh giá của chính họ đối với thuốc và vaccine; họ đang hủy hoại ngành dược phẩm và vaccine của mình, như Liên Xô cũ đã làm, hay Trung Quốc đã làm trước khi cải cách kinh tế [vào cuối những năm 1970].”
Trong khi đó, chuyên gia này cảnh báo rằng những người khỏe mạnh có thể gặp rủi ro khi sử dụng vaccine chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng, lưu ý rằng họ vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 và thậm chí phát triển thành tình trạng nghiêm trọng.
Nếu họ không chích vaccine, vì họ còn tương đối trẻ và khỏe mạnh, họ có thể sẽ phát triển các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nếu bị nhiễm bệnh.
Frank Yue
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: