Ủy viên FCC muốn đóng ‘lỗ hổng’ cho phép các công ty viễn thông có trụ sở tại Trung Quốc truy cập các mạng lưới của Hoa Kỳ
Giống y như mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’ đang thất bại ở Hồng Kông, điều này cũng không thể đạt được
Người dân Hoa Kỳ đã hiểu rõ mối đe dọa an ninh quốc gia do các công ty viễn thông có trụ sở tại Trung Quốc gây ra nhưng họ có thể ngạc nhiên khi biết rằng thiết bị của các công ty viễn thông này lại tiếp tục được sử dụng trong các mạng lưới của Hoa Kỳ, ông Brendan Carr, Ủy viên Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communication Commission-FCC) cho biết.
Năm ngoái (2020), FCC đã cấm các nhà mạng ở Hoa Kỳ sử dụng quỹ liên bang trị giá 8.3 tỷ USD để mua thiết bị từ các công ty viễn thông có trụ sở tại Trung Quốc là Huawei và ZTE sau khi thấy rằng các công ty này là những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các nhà mạng lại được phép mua và sử dụng chính xác cùng loại thiết bị đó miễn là họ dùng các quỹ tư nhân.
“Với tôi, đó là một lỗ hổng rành rành không có ý nghĩa gì cả,” ông Carr nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “American Thought Leaders” [tạm dịch: Các nhà lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ] của The Epoch Times.
Vị ủy viên này đã nhấn mạnh nguy cơ gián điệp do các công ty công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc gây ra.
“Theo luật pháp Trung Quốc, các công ty này về cơ bản phải giao nộp bất kỳ thông tin hoặc dữ liệu nào mà đảng cộng sản có thể đang tìm kiếm,” ông cho biết.
Ông Carr nói thêm rằng FCC có bằng chứng về việc một mẫu hạm ẩn danh do Trung Cộng kiểm soát đang chiếm đoạt lưu lượng dữ liệu internet xuất phát từ California và đi đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn, rồi chuyển hướng lưu lượng này qua Quảng Châu, Trung Quốc.
“Quý vị không cần phải là một kỹ sư mạng để hiểu được định tuyến đó không phải là cách hiệu quả nhất để điều hướng lưu lượng dữ liệu nếu điều quý vị quan tâm chỉ đơn giản là phân phối dữ liệu đó một cách hiệu quả,” ông cho biết.
China Telecom, một công ty thuộc sở hữu nhà nước, trước đây đã thu hút sự giám sát vì chuyển hướng lưu lượng dữ liệu internet từ nước ngoài qua Trung Quốc trong một số tình huống, làm dấy lên những lo ngại về việc liệu các dữ liệu này có bị chế độ cộng sản truy cập hay không.
Ông Carr nói rằng không thể tin tưởng các công ty có trụ sở tại Trung Quốc sẽ tuân thủ luật pháp phương Tây.
“Không có thế giới nào mà ở đó quý vị có thể có được một công ty như Huawei tham gia vào hoạt động giám sát dựa trên chủng tộc và tham gia các hoạt động khác ở Trung Quốc, lại còn tạo ra một bức tường mà ở đó họ sẽ tôn trọng các giá trị phương Tây khi họ kinh doanh tại Hoa Kỳ,” ông nói.
Ông Carr cảnh báo rằng, cũng giống y như khái niệm “một quốc gia, hai chế độ” đang thất bại ở Hồng Kông, cái ý tưởng rằng các công ty viễn thông có trụ sở tại Trung Quốc có thể tham gia với Hoa Kỳ dưới biểu ngữ “một công ty, hai hệ thống” là sẽ không thể thực hiện được.
“Một quốc gia, hai chế độ” là khuôn khổ mà theo đó chế độ cộng sản của Trung Quốc đã hứa để cai quản Hồng Kông khi chủ quyền được chuyển giao từ Anh Quốc vào năm 1997. Bắc Kinh đã cam kết cho phép thành phố này tự trị và có được các quyền tự do mà ở đại lục không được hưởng. Nhưng trong những năm qua, đặc biệt là trong 12 tháng qua, chế độ này đã tiến hành tước bỏ trầm trọng các quyền tự do và dân chủ trong thành phố này, phản bội lời hứa một cách hoàn toàn.
FCC đã bắt tay vào một quá trình được gọi là “tách ra và thay thế,” trong đó họ tìm cách thay thế các thiết bị mạng của Huawei và ZTE đã được lắp đặt tại Hoa Kỳ. Quốc hội đã thông qua 1.9 tỷ USD để tài trợ cho việc loại bỏ thiết bị như thế vào tháng 12 năm ngoái.
Năm 2019, FCC cấm China Mobile, một trong những nhà mạng di động lớn nhất trên thế giới, khỏi thị trường Hoa Kỳ. Cơ quan này cũng đã tiến tới việc cấm ba hãng viễn thông khác có trụ sở tại Trung Quốc vì những lo ngại về an ninh quốc gia.
Ông Carr cũng đề nghị FCC yêu cầu những công ty nhập cảng các thiết bị vào trong nước phải chứng minh được rằng không có lao động nô lệ tham gia sản xuất các sản phẩm đó. Trung Cộng cưỡng chế giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc để làm việc trong các nhà máy và trên các cánh đồng như một phần của chiến dịch đàn áp mở rộng.
“Chúng ta không thể để Trung Cộng kiếm lợi từ các hoạt động cưỡng bức lao động của họ,” ông Carr nói.
Do Ryan Bao và Jan Jekielek thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: