Ủy ban Tình báo Hạ viện điều tra khả năng ‘gây ảnh hưởng xấu’ của Trung Quốc qua vụ sáp nhập Forbes
Các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Đặc biệt Thường trực của Hạ viện về Tình báo đang điều tra về quyền sở hữu và ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc đối với tạp chí kinh doanh Forbes. Hãng truyền thông này đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu thông qua việc sáp nhập với một công ty đại chúng mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
Dân biểu đương thời Devin Nunes (Cộng Hòa-California) đã bắt đầu cuộc điều tra này hồi cuối năm 2021 sau khi Forbes công bố kế hoạch niêm yết của mình vào tháng Tám.
Trong một bức thư đề ngày 23/11/2021, ông Nunes đã yêu cầu Forbes “hỗ trợ cho cuộc điều tra của chúng tôi liên quan đến các hoạt động gây ảnh hưởng xấu của Trung Quốc nhằm vào các tập đoàn của Hoa Kỳ.”
Lá thư mà The Epoch Times thu được khẳng định, “Sự kiểm soát của CHND Trung Hoa bao trùm ngành công nghiệp và đầu tư của Trung Quốc tạo ra ảnh hưởng phi thị trường đối với nền thương mại toàn cầu”, trong đó đề cập đến từ viết tắt của tên chính thức của nhà cầm quyền này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
“Bằng cách cho phép việc mua lại, chuyển giao, và đánh cắp những cải tiến của Hoa Kỳ, sự kìm kẹp của CHND Trung Hoa vào hoạt động kinh doanh được sử dụng như một nền tảng mạnh mẽ để gây ảnh hưởng xấu,” bức thư viết tiếp.
Vụ sáp nhập của Forbes đang được nói tới là với công ty Magnum Opus Acquisition Limited (Sàn Giao dịch Chứng khoán New York: OPA), một SPAC có trụ sở tại Hồng Kông, tức là một công ty séc trắng không có hoạt động nhưng được lập ra với mục tiêu mua lại công ty khác để niêm yết trên sàn chứng khoán. Thương vụ này được định giá 630 triệu USD, và Forbes sẽ niêm yết trên sàn giao dịch với mã chứng khoán là “FRBS”.
Magnum Opus ban đầu thông báo rằng việc sáp nhập này sẽ được hoàn tất vào quý đầu tiên. Nhưng hôm 22/03, công ty này đã đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) để gia hạn thời hạn đến ngày 31/05.
Dân biểu Mike Turner (Cộng Hòa-Ohio), người kế nhiệm ông Nunes với tư cách là thành viên cao cấp đứng thứ hai trong ủy ban, đã tiếp quản cuộc điều tra này. Văn phòng của ông Turner đã không phúc đáp yêu cầu cập nhật thông tin của Epoch Times trước thời điểm phát hành bài báo này. Tờ Washington Times là nơi đầu tiên đưa tin về cuộc điều tra này.
Trong lá thư phản hồi của Forbes hôm 16/12/2021, mà The Epoch Times đã xem, luật sư của công ty này đã phủ nhận mọi hiểu biết về đầu tư từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc bất kỳ tổ chức nào có trụ sở tại Trung Quốc. Ông ta cũng phủ nhận mọi ảnh hưởng của các tổ chức như vậy đối với hoạt động biên tập và thương mại của Forbes hoặc phủ nhận rằng có người nào đó tại Forbes đã gặp gỡ Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc, một cơ quan trung ương đảm trách tuyên truyền ngoại giao.
Tuy nhiên, lý lịch Trung Quốc hoặc Hồng Kông của nhiều bên tham gia thương vụ sáp nhập này đã làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của ĐCSTQ trong thương vụ này, bao gồm cả tác động của việc này lên quyền tự do ngôn luận trong ấn phẩm kinh doanh này.
Tờ Daily Mail đưa tin rằng Magnum Opus đã nhận được nguồn vốn đầu tư ban đầu từ Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC), một trong những quỹ tài sản có chủ quyền lớn nhất thế giới với tài sản trị giá hơn 1 ngàn tỷ USD và một kế hoạch chiến lược năm năm (2018–2022) đã được Quốc vụ viện Trung Quốc chuẩn thuận. Sau thông báo sáp nhập của Magnum Opus với Forbes, CIC kể từ đó đã từ bỏ cổ phần của mình vào năm 2021.
Để tài trợ cho thương vụ mua lại Forbes này, công ty Magnum Opus được cho là đã huy động được 400 triệu USD thông qua 19 nhà đầu tư tư nhân vào cổ phần đại chúng (PIPE), những người này sẽ mua cổ phiếu FRBS ngay dưới giá thị trường. Theo Daily Mail, phần lớn trong số 19 nhà đầu tư PIPE này đang ở Hồng Kông hoặc Trung Quốc Đại lục. Không rõ liệu có còn ảnh hưởng nào của CIC thông qua bất kỳ nhà đầu tư sống tại Hồng Kông hoặc Trung Quốc nào trong số các nhà đầu tư PIPE này hay không.
Sau đó, Forbes hôm 10/02 đã công bố rằng Binance — sàn giao dịch mã kim lớn nhất thế giới — sẽ thế chỗ một nửa số nhà đầu tư PIPE hiện tại và đầu tư 200 triệu USD trong thương vụ mua lại Forbes của Magnum Opus. Sau khi hoàn tất thành công vụ sáp nhập, thì giám đốc truyền thông của Binance, ông Patrick Hillmann và ông Bill Chin, giám đốc Binance Labs, một chi nhánh của Binance chuyên tài trợ cho các công ty khởi nghiệp, sẽ gia nhập hội đồng quản trị của Forbes.
Forbes hiện đang được sở hữu phần lớn bởi tập đoàn Integrated Whale Media Investments (IWM) có trụ sở tại Hồng Kông. Vào tháng 09/2014, IWM đã mua 95% cổ phần của Forbes trong một thương vụ trị giá 475 triệu USD. 5% còn lại thuộc về nhà Forbes.
Vào tháng 10/2015, gia tộc Forbes đã kiện IWM vì không trả khoản vay đến hạn mà tập đoàn này đã vay họ để chi trả cho vụ mua lại. Các bên đã dàn xếp ổn thỏa vào tháng 01/2017.
Công ty Magnum Opus đã không phúc đáp nghi vấn báo chí của The Epoch Times.
Theo tờ Daily Mail, những người trong cuộc tại Forbes đã bày tỏ mối lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc trong thương vụ này, cũng như lo sợ rằng ấn phẩm này sẽ không thể tự do đưa tin về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc sau vụ sáp nhập.
Đáp lại một câu hỏi từ The Epoch Times, một phát ngôn viên của Forbes cho biết trong một email rằng công ty “đang và sẽ luôn rất độc lập, và bất kỳ lời ám chỉ nào cho rằng chính phủ Trung Quốc hoặc bất kỳ chính phủ nào khác sẽ gây bất kỳ ảnh hưởng nào là hoàn toàn không có cơ sở.”
Vị phát ngôn viên này cũng dẫn chứng về việc tạp chí vẫn tiếp tục đăng các bài báo chỉ trích Trung Quốc, bao gồm cả các bài báo chỉ trích nền kinh tế Trung Quốc, tự do báo chí ở Trung Quốc, và Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Đầu tư Binance
Theo Tech in Asia, công ty Binance ban đầu được thành lập tại Thượng Hải vào năm 2017, và nhà sáng lập Binance Triệu Trường Bằng (Zhao Changpeng), một người Canada gốc Hoa, đã chuyển tất cả các máy chủ và đội ngũ cốt cán của công ty ra khỏi Trung Quốc vào mùa thu cùng năm đó khi Trung Quốc cấm tất cả các đợt chào bán mã kim ban đầu. Kể từ đó, công ty này đã phát triển từ khối lượng giao dịch hàng ngày trị giá 500 triệu USD vào năm 2017 lên đến 76 tỷ USD mỗi ngày vào năm 2021.
Tuy nhiên, những năm gần đây, Binance đã quay trở lại Trung Quốc. Hồi tháng 03/2020, Binance thành lập Binance China Blockchain Institute (BCBI) ở Thượng Hải, một chi nhánh nghiên cứu, để trở thành đối tác cao cấp của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI) của Trung Quốc. BRI là chương trình đầu tư ra nước ngoài trị giá hàng ngàn tỷ Mỹ kim của Bắc Kinh đã thu hút ngày càng nhiều chỉ trích vì vai trò của nó trong việc tạo điều kiện cho nạn tham nhũng, chất gánh nặng lên các quốc gia đang phát triển với những mức nợ không bền vững, và thúc đẩy kế hoạch thống trị kinh tế và công nghệ của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Theo một trang blog của Binance, ba tháng sau đó, cùng với các công ty và tập đoàn quốc doanh khác của Trung Quốc, BCBI đã gia nhập tổ chức Hiệp ước Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (UNGC), một hiệp ước không ràng buộc của Liên Hiệp Quốc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Trong cùng tháng đó, Binance cũng thành lập quan hệ đối tác với một tập đoàn quản lý chuỗi cung ứng thuộc sở hữu nhà nước dưới sự giám sát của Quốc vụ viện Trung Quốc. Trước khi có sự tham dự này của BCBI, Quỹ từ thiện Blockchain của Binance đã cam kết hỗ trợ BRI trong thư cam kết (pdf) với UNGC vào tháng 10/2019.
Vào tháng 05/2020, BCBI đã xuất bản một bạch thư gồm hai phần nêu chi tiết về sự phát triển và lợi ích của đồng nhân dân tệ điện toán, bao gồm cả lợi thế của người đi đầu khi trở thành tiền tệ dẫn đầu trong việc định giá tài sản kỹ thuật số.
Vào tháng 10/2020, Binance đã hủy niêm yết đồng nhân dân tệ của Trung Quốc khỏi nền tảng giao dịch của mình để đáp lại cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với mã kim.
Sàn giao dịch mã kim này coi Forbes là đối tác chiến lược trong việc giáo dục người tiêu dùng. Ông Triệu đã được trích dẫn trong thông cáo báo chí của Forbes hôm 10/02 rằng: “Khi công nghệ Web 3 và công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang tiến tới và thị trường mã kim đã phát triển chín muồi, chúng tôi biết rằng phương tiện truyền thông là một yếu tố cần thiết để xây dựng sự hiểu biết và giáo dục rộng rãi cho người tiêu dùng.”
Giám đốc điều hành của Forbes Mike Federle cũng cho biết trong thông cáo đó rằng công ty [của ông] sẽ trở thành công ty đi đầu trong lĩnh vực này bằng cách khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và công nghệ chuỗi khối của Binance.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 04/03, ông Federle đã nhận định Forbes — bao gồm cả mã kim kể từ năm 2012 — là một nguồn tài nguyên cho những người quan tâm đến tài sản kỹ thuật số.
Ông Federle cũng nói về mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh trực tiếp với khách hàng của công ty thông qua việc đóng vai trò hàng đầu trong tương lai của ngành tài chính và tiền tệ.
Theo ông, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số kéo dài 10 năm của công ty đã xây dựng một lượng 150 triệu người dùng duy nhất hàng tháng — 114 triệu người đến từ Hoa Kỳ, theo trang web của công ty — trên toàn hệ sinh thái Forbes.
Một hồ sơ mà Magnum Opus đệ trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ trong năm 2021 chứa cả những lời của ông Federle nói rằng các cố vấn tài chính là một nhóm có “mối quan tâm sâu sắc đến Forbes”. Ông đã đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 08/2021 với Business Insider. Năm 2019, công ty này đã mua lại phần lớn cổ phần của Q.ai, một ứng dụng tư vấn tài chính dựa trên [công nghệ] trí tuệ nhân tạo.
Kể từ năm 2021, Binance đã phải đối mặt với những thách thức để được cấp phép hoạt động ở Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Canada, Singapore, Na Uy, và Hồng Kông. Công ty này cũng đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) và Sở Thuế vụ (IRS) điều tra về các giao dịch bất hợp pháp tiềm tàng trên nền tảng của họ, và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ liên quan đến việc tiết lộ thông tin cho khách hàng. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận của The Epoch Times. Trạng thái hiện thời của cuộc điều tra DOJ-IRS hiện vẫn chưa được xác định. IRS cho biết họ không thể xác nhận hoặc phủ nhận về một cuộc điều tra riêng lẻ.
Cô Terri Wu là một phóng viên tự do tại Hoa Thịnh Đốn, chuyên viết cho The Epoch Times về giáo dục và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Quý vị có thể gửi lời góp ý đến cô tại [email protected].
Nguyệt Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: