Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật giúp Đài Loan trở lại WHO
Vào ngày 28/7, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật, theo đó yêu cầu Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia hỗ trợ Đài Loan lấy lại tư cách là quan sát viên của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA). Thượng nghị sĩ Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là một trong những người đề xuất dự luật, đã chỉ trích cách tiếp cận “hẹp hòi” của Trung Cộng trong việc ngăn chặn Đài Loan có được vị trí quan sát viên tại WHA.
“Khi tất cả mọi người đang cố gắng phục hồi sau đại dịch COVID-19, thì những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Đài Loan giành được tư cách là quan sát viên của WHA là rất hẹp hòi và gây nguy hiểm cho cộng đồng quốc tế”, ông Robert Menendez cho biết tại cuộc họp xem xét dự luật vào hôm thứ Tư. Theo ông, “Hoa Kỳ phải có nhiều hành động hơn nữa để hỗ trợ Đài Loan tham gia vào các cộng đồng quốc tế, đặc biệt là tại thời điểm này, trong việc tham gia vào tổ chức WHO”.
Đây là dự luật nhằm hỗ trợ Đài Loan giành lại tư cách là quan sát viên tại WHA, do hai Thượng nghị sĩ của Ủy ban về Đài Loan đề xuất, đó là ông Menendez và ông Jim Inhofe. Dự luật đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhất trí thông qua vào hôm thứ Tư (28/07).
Theo nội dung của dự luật, dự luật quy định rằng sau khi luật có hiệu lực, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia phải xây dựng các chiến lược nhằm hỗ trợ Đài Loan lấy lại tư cách là quan sát viên của WHA, và sau bất kỳ cuộc họp thường niên nào của WHA mà Đài Loan không có được tư cách là quan sát viên, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia sẽ thay đổi và cải thiện những kế hoạch của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Đài Loan giành lại tư cách quan sát.
“Việc Trung Quốc cố gắng cô lập và ngăn cản nỗ lực của Đài Loan để tham gia vào các tổ chức và thể chế quốc tế dưới mọi hình thức, không chỉ làm suy yếu sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch virus COVID-19, mà còn đe dọa đến an ninh kinh tế và chính trị thế giới”, ông Menendez cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản. Ông cũng đề cập rằng việc Ủy ban thông qua dự luật này đã thể hiện cho cam kết thúc đẩy sức khỏe toàn cầu của Hoa Kỳ, và nhắc lại rằng với các hành động ngày càng gây hấn của Bắc Kinh, “Hoa Kỳ phải bảo vệ cam kết giúp Đài Loan có một vị trí trong bàn đàm phán”.
“Việc Trung Quốc tiếp tục ức hiếp Đài Loan là không thể chấp nhận được”, Thượng nghị sĩ Inhofe của Đảng Cộng Hòa kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện cho biết trong một tuyên bố. “Người Đài Loan dẫn đầu toàn cầu về công nghệ y tế và hỗ trợ nhân đạo, nhưng Trung Quốc đã cố gắng hết sức để ngăn cản Đài Loan tham gia WHA. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã có bước đi đúng đắn khi thông qua dự luật này, yêu cầu phát triển các chiến lược để hỗ trợ những người bạn của chúng ta ở Đài Loan đạt được tư cách là quan sát viên trong WHA, tôi hy vọng dự luật này có thể được cả Thượng viện thông qua càng sớm càng tốt”.
Một phiên bản tương tự của dự luật này tại Hạ viện đã được đề xuất bởi Dân biểu Đảng Dân Chủ Brad Sherman và Dân biểu Đảng Cộng Hòa Young Kim vào tháng Hai năm nay, và đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua vào tháng Ba. Tiếp theo dự luật còn phải được đưa ra biểu quyết, sau khi được cả hai viện thông qua, nó mới có thể được gửi đến Tòa Bạch Ốc để Tổng thống ký thành luật.
Dự luật đã chỉ ra rằng WHA không hề yêu cầu tư cách phải là quốc gia có chủ quyền, Đài Loan đã tìm cách tham gia WHA với tư cách là quan sát viên ngay từ năm 1997. Vào năm 2009, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các chính phủ Hoa Kỳ, Quốc hội và các thành viên của WHO, cùng sự cải thiện của mối quan hệ xuyên eo biển, Đài Loan đã nhận được lời mời tham gia WHA với tư cách là quan sát viên với tên gọi “Đài Bắc Trung Hoa”. Kể từ đó, Đài Loan đã luôn nhận được lời mời cho đến khi bà Thái Anh Văn của Đảng Tiến bộ Dân chủ được bầu làm tổng thống vào năm 2016, “Các mối liên hệ của Đài Loan với cộng đồng quốc tế đã bắt đầu vấp phải sự phản đối ngày càng tăng từ phía Trung Quốc”.
Dự luật nói rõ rằng vào năm đó, Đài Loan đã nhận được lời mời muộn kèm theo một văn bản, trong đó gắn sự tham gia của Đài Loan với các điều kiện của “nguyên tắc một Trung Quốc” của Trung Cộng. WHO đã không mời Đài Loan tham gia WHA vào các năm 2017, 2018, 2019 và 2020. Vào tháng 5 năm nay, Đài Loan tiếp tục không nhận được lời mời từ WHO.
Dự luật còn đề cập rằng, “hỗ trợ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế để đối phó với các thách thức xuyên quốc gia là một chính sách do Quốc hội, đặc biệt là WHO thiết lập”. Quốc hội lần thứ 106, 107 và 108 đều có những dự luật yêu cầu Quốc vụ khanh phát triển một bộ chiến lược về cách hỗ trợ Đài Loan đạt được tư cách là quan sát viên tại WHA, và đệ trình báo cáo hàng năm lên Quốc hội.
Với tư cách là cơ quan ra quyết định của WHO, WHA sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt từ ngày 29/11 đến ngày 1/12 năm nay.
Do Chung Nguyên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: