Ủy ban Đối ngoại của Âu Châu thông qua một chiến lược mới, chú ý đến nhân quyền ở Trung Quốc
Vào hôm thứ Năm (15/7), Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Âu Châu đã thông qua một báo cáo, trong đó đề xuất tầm nhìn cho chiến lược mới của EU đối với Trung Quốc, bao gồm các lo ngại về hành vi vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống của Trung Cộng, hỗ trợ đàm phán một thỏa thuận đầu tư song phương giữa EU với Đài Loan, đầu tư thêm nguồn lực để theo dõi và giải quyết các thông tin sai lệch do Trung Cộng phát tán.
Báo cáo đã được phê chuẩn này cũng khuyến nghị Âu Châu và Trung Quốc tiếp tục hợp tác giải quyết các thách thức trên phạm vi toàn cầu, ví dụ như nhân quyền, biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân, ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và cải cách các tổ chức đa phương.
Theo tin tức đăng trên trang web của Nghị viện Âu Châu, Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Âu Châu đã thông qua báo cáo này với 58 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 4 phiếu trắng. Báo cáo nêu rõ rằng trong chiến lược mới đối với Trung Quốc, EU sẽ chú trọng vào sáu điểm lớn: Hợp tác để ứng phó với các thách thức toàn cầu, tham gia vào các chuẩn mực quốc tế và nhân quyền, xác định các rủi ro và điểm yếu, xây dựng quan hệ hợp tác với các đối tác cùng chí hướng, thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược và bảo vệ các lợi ích cùng giá trị của Âu Châu.
Các thành viên của Nghị viện Âu Châu nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ EU-Trung Quốc, nhưng cũng chỉ ra minh xác rằng chừng nào Trung Quốc còn chưa dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các thành viên của Nghị viện Âu Châu và các tổ chức của EU, quá trình phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) sẽ không thể bắt đầu.
Các thành viên của Nghị viện Âu Châu cũng lần nữa kêu gọi Ủy ban và Hội đồng Âu Châu xúc tiến thỏa thuận đầu tư giữa EU và Đài Loan.
Kêu gọi đối thoại thường xuyên về các vấn đề nhân quyền giữa Âu Châu và Trung Quốc
Các thành viên của Nghị viện Âu Châu đã lên án những hành vi vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống của Trung Cộng, họ kêu gọi Âu Châu và Trung Quốc tiến hành đối thoại thường xuyên về các vấn đề nhân quyền và đưa ra các tiêu chuẩn để đo lường tiến triển. Các cuộc đối thoại sẽ tập trung vào giải quyết hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Cộng ở Tân Cương, Nội Mông, Tây Tạng, Hồng Kông, v.v.
Ngoài ra, các công ty Âu Châu đã cắt đứt chuỗi cung ứng với Tân Cương vì lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức đã bị Trung Cộng tiến hành chèn ép, các thành viên của Nghị viện Âu Châu bày tỏ sự tiếc nuối đối với việc này. Họ kêu gọi EU hỗ trợ các công ty này và bảo đảm rằng luật hiện hành của EU sẽ nghiêm cấm các công ty có liên quan đến hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương không được kinh doanh hoạt động tại EU.
Vào tháng 3 năm nay, các nước Âu Châu và Mỹ đã trừng phạt các quan chức Trung Cộng vì hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Các kênh truyền thông của Trung Cộng đã kích động một cuộc tẩy chay hàng hóa nước ngoài theo kiểu “Nghĩa hòa đoàn”, công ty Thụy Điển H&M là công ty đầu tiên bị tẩy chay. H&M tuyên bố rằng sau khi BCI chấm dứt liên hệ với Tân Cương vào tháng 10/2020, họ không còn mua bông từ Tân Cương nữa.
5G và cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch từ Trung Cộng
Các thành viên của Nghị viện Âu Châu nhấn mạnh sự cần thiết phải làm việc với các đối tác cùng chí hướng để phát triển tiêu chuẩn toàn cầu cho các thế hệ công nghệ tiếp theo như mạng 5G và 6G. Họ nói rằng các công ty không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn phải bị loại trừ.
Báo cáo cũng yêu cầu sự cho phép của Cơ quan Hành động Đối ngoại Âu Châu (EEAS) và các nguồn lực cần thiết để giải quyết chiến dịch tung tin sai lệch do Trung Cộng phát động, bao gồm cả việc thành lập một nhóm Công tác Truyền thông Chiến lược Viễn Đông chuyên môn.
Ứng phó với những thách thức chung, bao gồm cả các bệnh dịch mới xuất hiện
Các thành viên của Nghị viện Âu Châu cũng kêu gọi EU hợp tác với Trung Quốc để cải thiện khả năng ứng phó sớm với các bệnh truyền nhiễm có thể tiến triển thành dịch bệnh hoặc đại dịch, chẳng hạn như thông qua bản đồ nguy cơ và hệ thống cảnh báo sớm. Họ cũng yêu cầu Bắc Kinh cho phép các cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và sự phát tán của COVID-19.
Bà Hilde Vautmans, Thành viên Nghị viện Âu Châu của Bỉ phụ trách báo cáo này, đã cho biết sau khi cuộc bỏ phiếu được thông qua rằng, “Trung Quốc là đối tác mà chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cuộc đối thoại và hợp tác, nhưng dù cho là một liên minh địa chính trị như vậy, chúng tôi sẽ không bỏ qua các chính sách đối ngoại cứng rắn của Trung Quốc và lực ảnh hưởng của nó trên phạm vi toàn cầu, cũng sẽ không coi nhẹ sự khinh thường của Trung Quốc đối với nhân quyền và cam kết của nước này đối với các thỏa thuận song phương và đa phương”.
“Đã đến lúc EU phải đoàn kết cho một chính sách đối phó với Trung Quốc toàn diện và tự tin hơn, chính sách này sẽ cho phép EU bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình bằng cách giành quyền tự chủ trong các lĩnh vực thương mại, kỹ thuật số, an ninh, quốc phòng, vân vân”. Bà nói.
Sau khi báo cáo này được Ủy ban Đối ngoại thông qua, bước tiếp theo sẽ là trình lên Nghị viện Âu Châu để tiến hành thảo luận và biểu quyết.
Do Hứa Trinh Kỳ, Lí Duyên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: