USPS đối mặt với tình hình tài chính ‘tồi tệ’
Tại cuộc họp của Hội đồng Thống đốc hôm 7/8, giám đốc Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) cho biết cơ quan này đang phải đối mặt với tình hình tài chính “tồi tệ”. USPS sẽ phải đối mặt với các khó khăn, khủng hoảng tài chính toàn diện, trừ khi có những thay đổi lớn đối với các hoạt động và chiến lược.
Tuy nhiên ngày 7/8, Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành Louis DeJoy nhấn mạnh rằng, bất chấp việc cắt giảm chi phí hoạt động gần đây để giúp cơ quan này củng cố tình hình tài chính, thì Dịch vụ Bưu chính “sẽ không làm chậm Thư bầu cử hay bất kỳ thư nào khác”.
Tháng trước, ông DeJoy đã áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí nhằm giải quyết những vấn đề tài chính lâu năm của Dịch vụ Bưu chính. Trong một chỉ đạo hồi tháng 7, Dịch vụ Bưu chính đã cắt giảm thời gian làm thêm giờ và yêu cầu giữ lại thư cho đến ngày hôm sau nếu như các trung tâm phân phối bị quá tải. Các nhà lập pháp của cả hai đảng đã chỉ trích những thay đổi trên, với 84 thành viên Hạ viện, bao gồm bốn thành viên Đảng Cộng hòa, đã lập luận trong một bức thư hôm 6/8 rằng “điều quan trọng là Dịch vụ Bưu chính không giảm giờ giao thư, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với các cộng đồng nông thôn, người cao niên, doanh nghiệp nhỏ, và hàng triệu người Mỹ dựa vào Dịch vụ Bưu chính cho những bức thư và gói hàng quan trọng”.
Ngày 5/8, TT Donald Trump, người phê bình lớn tiếng đối với Dịch vụ Bưu chính, đã lập luận rằng “Bưu chính không có đủ thời gian” để xử lý việc gia tăng đáng kể số lượng thư bầu cử.
“Ý tôi là chúng ta đang nói về hàng triệu phiếu bầu. Đó là một thảm họa đang chờ đợi xảy ra,” Trump nói.
Ông DeJoy cho biết Dịch vụ Bưu chính vẫn “cam kết hoàn thành vai trò [của mình] trong quá trình bầu cử,” và USPS “sẽ làm mọi thứ có thể để giao nhận Thư Bầu cử một cách kịp thời phù hợp với các tiêu chuẩn hoạt động của chúng tôi”.
Ông nói, “Chúng tôi tiếp tục áp dụng quy trình chặt chẽ và đã được chứng minh để đảm bảo xử lý tất cả các Thư bầu cử đúng cách”.
Trong báo cáo ngày 7/8, USPS cho biết doanh thu cho quý 3 từ tháng 4 đến tháng 6/2020 đã tăng lên mức 17.6 tỷ USD, tăng 547 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc Tài chính Joseph Corbett cho biết, “Sự tăng trưởng mạnh mẽ của số lượng hàng hóa trong quý 3 là điều đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất ổn về việc liệu sự tăng trưởng đó có bền vững hay không”.
Trong khi USPS có sự tăng trưởng đáng kể trong dịch vụ vận chuyển hàng hóa giữa bối cảnh đại dịch xảy ra, cơ quan này dự đoán mức tăng này sẽ giảm dần khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Ông DeJoy cảnh báo rằng “nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ, thì sẽ không có hồi kết, và chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản sắp xảy ra”.
Ông DeJoy nói, “tình hình tài chính của chúng tôi đang rất tồi tệ, bắt nguồn từ sự sụt giảm đáng kể về số lượng thư, mô hình kinh doanh bị phá vỡ và chiến lược quản lý chưa giải quyết được những vấn đề này”. Ông nói thêm rằng USPS đã thua lỗ trong hơn mười năm, cơ quan này đã lỗ 9 tỷ USD vào năm ngoái, và “năm 2020 dự kiến kết thúc với khoản lỗ 11 tỷ USD”.
Đổ lỗi cho đại dịch, và ở mức độ thấp hơn, xu hướng giảm thư tín dẫn đến sự sụt giảm dịch vụ thư tín, vốn là dịch vụ có doanh số bán hàng lớn nhất của cơ quan, USPS cho biết họ đã lỗ ròng 2.2 tỷ USD trong quý 3 từ tháng 4 đến tháng 6/2020. Con số đó ít hơn một chút so với khoản lỗ ròng 2.3 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
“Số lượng thư của chúng tôi sụt giảm đáng kể do hậu quả của đại dịch, được bù đắp bằng sự tăng trưởng tương ứng trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá, nhưng thực tế vẫn là nếu không có sự thay đổi cơ bản đáng kể nào, thì tình hình tài chính không cho phép Dịch vụ Bưu chính tồn tại được”, ông DeJoy cho biết.
Tổng chi phí hoạt động của USPS lên tới 19.8 tỷ USD trong quý 3, tăng 477 triệu đô-la, tương đương tăng 2.5% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ Bưu chính đã vay 10 tỷ USD theo Đạo luật CARES, giúp giải quyết nhu cầu thanh khoản ngắn hạn, việc này trì hoãn điều mà cơ quan này gọi là “cuộc khủng hoảng thanh khoản sắp xảy ra” vì số tiền vay sẽ phải hoàn trả trong giai đoạn mà doanh thu dự kiến ở mức thấp hơn.
“Bất chấp những thách thức rất lớn, tôi vẫn lạc quan về tương lai của Dịch vụ Bưu chính, nhưng chúng tôi cần phải bắt đầu thay đổi ngay lập tức”, ông DeJoy cho biết và nói thêm rằng ông dự định tiếp tục cải thiện hiệu năng hoạt động và thúc đẩy các cải cách khác.
Tác giả: Tom Ozimek