Ứng dụng giao dịch chứng khoán của Trung Quốc đang âm thầm thu hút người dùng Hoa Kỳ
Những biến động của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ năm 2020 không cần phải giới thiệu nhiều hơn nữa.
Từ mức đáy thị trường hồi tháng 3, và phục hồi trở lại nhờ gói kích thích do liên bang tài trợ, cho đến sự nổi lên như vũ bão của Tesla và các đợt IPO công nghệ gần đây, năm COVID-19 đã chứng kiến một lượng lớn người tiêu dùng tham gia đầu tư cổ phiếu. Và Robinhood là nền tảng giao dịch cổ phiếu thường được những nhà đầu tư mới này lựa chọn.
Robinhood ban đầu phổ biến mô hình giao dịch chứng khoán miễn phí và đã thu hút được hơn 13 triệu người dùng, nhưng gần đây Webull, một ứng dụng cạnh tranh chưa có tên tuổi đang dần dần giành được thị phần từ Robinhood.
Một sự thật ít được biết đến là Công ty đứng sau ứng dụng, Webull Financial LLC, là một Công ty thuộc sở hữu Trung Quốc.
Trang web bóng bẩy của Webull không cung cấp bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc Trung Quốc của nó. Ở hầu hết các khía cạnh, nó có vẻ trông giống như bất kỳ công ty fintech nào khác. Webull cho biết họ hoạt động tại giao điểm của tài chính và công nghệ, do một CEO người Mỹ là Anthony Denier điều hành từ năm 2017. Công ty hợp tác với Apex Clearing Corporation – cũng là nhà cung cấp dịch vụ cho SoFi và Robinhood – để thực hiện thanh toán giao dịch.
Giống như bất kỳ Công ty môi giới nào khác, Webull có những tiết lộ thông thường về rủi ro đầu tư và là thành viên của Công ty cổ phần Bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán Mỹ (SIPC) và Cơ quan quản lý ngành tài chính Hoa Kỳ (FINRA). Thông tin đăng ký của Webull trên trang web FINRA cho biết Công ty có trụ sở chính tại 44 Wall street, Thành phố New York.
Hôm 19/11, Webull thông báo rằng họ sẽ hỗ trợ giao dịch tiền điện tử thông qua Công ty con Webull Crypto LLC, và hôm 9/12, Công ty chính thức ra mắt nền tảng giao dịch chứng khoán của mình tại Hồng Kông, thông qua một Đại lý môi giới chứng khoán đã đăng ký tại địa phương tên là Webull Securities Ltd.
Webull được điều hành bởi Fumi Technology, một Công ty fintech có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Fumi có nhiều đối tác lớn như Ngân hàng đầu tư Đan Mạch Saxo Group, mục tiêu của Công ty là dân chủ hóa phân phối thông tin thị trường và trở thành một giải pháp tương tự như Bloomberg dành cho đại chúng.
Có trụ sở tại Thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, đội ngũ sáng lập của Fumi trước đây từng làm việc cho các Công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba, Xiaomi, Huawei và chi nhánh tại Trung Quốc của Bloomberg. Ông Wang Anquan, người sáng lập chính của Fumi, trước đây từng làm việc cho Alibaba và Xiaomi, một nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn.
Về mặt tài chính, Fumi đã huy động được khoảng 600 triệu nhân dân tệ (92 triệu USD) từ nhiều nhà đầu tư khác nhau thông qua vòng gọi vốn series B. Khoản tài trợ hạt giống (seed funding) được cung cấp bởi Xiaomi, còn vốn ở các vòng Series A và Series B được cung cấp bởi nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Trung Quốc.
Nói cách khác, Webull hoàn toàn là một Công ty Trung Quốc từ trong ra ngoài.
Giao dịch chứng khoán với đặc điểm Trung Quốc?
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Webull che giấu nguồn gốc Trung Quốc của mình.
Chính phủ TT Trump đang tìm cách kiểm soát hoạt động của các công ty Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao đã xem xét đặt ra các hạn chế đối với các ứng dụng thanh toán của Trung Quốc như Alipay của Ant Group và nền tảng thanh toán của WeChat. Hạ viện gần đây cũng đã thông qua một biện pháp cấm tất cả các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm tra và kiểm toán.
Về mặt lý thuyết, Webull đáng lẽ phải được xem xét kỹ lưỡng. Nhưng thật kỳ lạ, nó đã thoát khỏi sự chú ý, ngoại trừ một lần lộ diện hôm 8/12 trên Bloomberg Businessweek, trong đó nói rằng Webull đã thu hút hàng nghìn nhà giao dịch cũ của Robinhood.
Webull rõ ràng đã tự nguyện yêu cầu Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) xem xét lại quyền sở hữu của mình, cơ quan trước đó đã chặn các khoản đầu tư khác của Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Nhưng cuối cùng, CFIUS đã quyết định không xem xét lại công ty, theo báo cáo của Bloomberg.
Webull Financial là một “Đại lý môi giới của Hoa Kỳ; chúng tôi hoạt động theo quy định của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) và Cơ quan Quản lý ngành Tài chính Hoa Kỳ (FINRA) và là một Công ty hoàn toàn độc lập với Công ty mẹ. Công ty mẹ của chúng tôi là một Công ty công nghệ, chịu trách nhiệm phát triển công nghệ và nâng cao ứng dụng. Ở đây tại Hoa Kỳ, chúng tôi chỉ đơn giản là một Đại lý môi giới tiếp nhận khách hàng Hoa Kỳ,” ông Denier phát biểu trên Bloomberg TV hôm 9/12 khi được hỏi về căng thẳng Hoa Kỳ-Trung Quốc và hệ quả rủi ro đối với việc kinh doanh của Webull.
Mặc dù tất cả những điều trên có thể đúng, nhưng trong môi trường chính trị này, các chuyên gia bảo mật và chính phủ Hoa Kỳ nên lo ngại về việc một Công ty do Trung Quốc sở hữu có quyền truy cập trực tiếp vào dữ liệu người dùng Hoa Kỳ. Công ty này tuyên bố lưu trữ dữ liệu người dùng trong nội địa Hoa Kỳ, nhưng một Công ty Tài chính là một cuộc chơi hoàn toàn khác so với một nền tảng truyền thông xã hội như TikTok.
Là một Đại lý môi giới chứng khoán, Webull thu thập thông tin cá nhân bí mật như số an sinh xã hội, địa chỉ nhà riêng và số tài khoản ngân hàng từ khách hàng của mình.
Mọi công ty Trung Quốc, bất kể là tư nhân hay quốc doanh, cuối cùng đều phải báo cáo với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nếu bị yêu cầu. ĐCSTQ đơn phương quyết định mọi luật lệ của Trung Quốc. Cho dù các chính sách bảo mật của Công ty có kín kẽ đến đâu, chúng cũng không thể thay thế các yêu cầu của ĐCSTQ.
Cũng theo báo cáo của Bloomberg, Webull hiện có hơn 2 triệu người dùng, mặc dù không rõ liệu con số này có bao gồm người dùng bên ngoài Hoa Kỳ hay không. Sự phổ biến của giao dịch chứng khoán – đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch – có thể nhanh chóng mở rộng cơ sở người dùng của Webull.
Fan Yu
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: