Ukraine ra lệnh trừng phạt hàng chục nhân viên đặc vụ Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hàng chục nhân viên của các cơ quan đặc vụ Nga, theo một sắc lệnh được công bố ngày 18/11 trên trang web của tổng thống.
Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin: “[Sau đây tôi ra sắc lệnh] kích hoạt quyết định ngày 20/08/2021 của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine [NSDC] về việc áp dụng các biện pháp về kinh tế và các biện pháp hạn chế khác dành riêng cho cá nhân.”
Theo sắc lệnh, trong vòng 3 năm, các cá nhân gồm 23 công dân Nga và 5 người Ukraine sẽ bị cấm sử dụng các tài sản của họ ở quốc gia Đông Âu này, cũng như cấm chuyển nhượng vốn, quá cảnh hàng hóa, hoặc tham gia các cuộc đấu giá tư nhân hóa.
Theo một phụ lục của sắc lệnh mà TASS thu thập được, trong số những cá nhân có tên trong danh sách có một số người Ukraine đã đăng ký thường trú tại các khu vực của các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk, vốn không nằm dưới sự kiểm soát của Kiev.
Ukraine đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hàng ngàn tổ chức của Nga kể từ khi mối bang giao giữa Kiev và Moscow sụp đổ vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea và hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Những lo ngại về việc điều động quân đội của Nga đã làm gia tăng căng thẳng gần đây.
Vào giữa tháng 11, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo rằng một lượng binh lực lớn của Nga đã lưu lại gần biên giới Ukraine sau khi Nga tổ chức một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn. Tổng thống Ukraine hôm 13/11 cho biết quân số Nga trong khu vực đã lên tới 100,000 người.
Việc ông Zelensky ký sắc lệnh cũng xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh về thương mại với các khu vực do phe ly khai kiểm soát vào hôm 15/11, một hành động bị Bộ Ngoại giao nước này cho là “can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Ukraine”.
TASS đưa tin, đặc phái viên Nga Boris Gryzlov cho biết hôm 18/11 rằng sắc lệnh của ông Putin về thương mại ở các khu vực Donetsk và Lugansk đang góp phần “giúp vượt qua sự phong tỏa hung hăng về mặt kinh tế và nhân đạo đối với Donbass và ổn định tình hình kinh tế xã hội trong khu vực”.
“Đây thuần túy là một phản ứng nhân đạo đối với việc Kiev không thực hiện thỏa thuận Minsk, phong tỏa kinh tế và giao thông đối với các khu vực Donetsk và Lugansk từ năm 2017, và để giải thoát cư dân trong các khu vực này khỏi sự kìm hãm kinh tế do chế độ Kiev,” đặc phái viên này nói.
Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiến đấu kể từ năm 2014 chống lại các lực lượng Ukraine ở Donbass, một cuộc xung đột mà Kiev cho rằng đã khiến 14,000 người thiệt mạng.
Cuộc xung đột này đã bùng phát trong những tháng sau khi Nga chiếm Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Ukraine và các nước phương Tây nói rằng lực lượng ly khai Donbass đã được vũ trang, dẫn dắt, tài trợ, và hỗ trợ bởi người Nga, bao gồm cả quân đội Nga đang hoạt động. Moscow đã phủ nhận việc can thiệp. Trong khi lệnh ngừng bắn đã ngăn chặn chiến tranh toàn diện vào năm 2015, thì các cuộc giao tranh dẫn đến thương vong lẻ tẻ vẫn chưa bao giờ kết thúc.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: