Ukraine, Nga tiến gần hơn đến thỏa thuận kết thúc chiến tranh nhưng vẫn còn khác biệt về vấn đề lãnh thổ
Hôm thứ Năm (24/03), Tổng thống (TT) Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết rằng Kyiv và Moscow đang tiến gần hơn đến việc chấm dứt xung đột vũ trang của họ, với việc “gần như đạt được sự đồng thuận” về các chủ đề như tư cách thành viên NATO của Ukraine và các thỏa thuận an ninh nhưng vẫn còn những khác biệt đáng kể để tạo cầu nối về các thỏa hiệp trên lãnh thổ.
Trình bày với các phóng viên tại Brussels sau một hội nghị thượng đỉnh NATO đặc biệt, TT Erdogan cho biết mục tiêu chính trong nỗ lực hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ là phải giúp các tổng thống Ukraine và Nga tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.
“Tất cả những nỗ lực của chúng tôi đều nhằm mục đích tạo ra một bầu không khí hòa bình bằng cách kết nối hai nhà lãnh đạo này,” TT Erdogan nói. “Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với cả hai quốc gia nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh này ngay lập tức.”
Thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới trên biển với Ukraine và Nga ở vùng Biển Đen, có quan hệ tốt với cả hai nước, và đã đề nghị làm trung gian hòa giải cuộc xung đột này.
“Chúng tôi cảm thấy lạc quan một cách thận trọng về tiến độ đạt được ở một số điểm nhất định tại các cuộc đàm phán này,” ông Erdogan nói, đồng thời cho biết thêm rằng “gần như có một sự đồng thuận” về các vấn đề như tính trung lập của Ukraine và tư cách thành viên NATO tiềm năng của nước này, điều mà Moscow phản đối quyết liệt.
Tuy nhiên, ông Erdogan nói thêm rằng hai bên vẫn còn mâu thuẫn về tình trạng của các tiểu khu ly khai do phe ly khai kiểm soát ở Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine, cũng như Crimea do Nga sáp nhập.
Moscow đã yêu cầu Kyiv công nhận nền độc lập của hai khu vực mà được gọi là cộng hòa này và thừa nhận quyền sở hữu của Nga đối với Crimea. Cả hai lời đề nghị đều “không được Ukraine đồng ý” nếu không đưa vấn đề này ra một cuộc bỏ phiếu phổ thông, ông Erdogan nói.
Gần đây Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói rằng ông mong muốn được hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mặc dù ông Zelensky cho biết ông đã từ bỏ ý định gia nhập NATO, nhưng ông vẫn khăng khăng đưa các thỏa hiệp khác, bao gồm bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ tiềm năng nào, ra trưng cầu dân ý.
Ông Erdogan đã ca ngợi lời kêu gọi của ông Zelensky về một cuộc trưng cầu dân ý, nói rằng việc làm đó phản ánh “sự lãnh đạo khôn ngoan.”
Tổng thống Joe Biden, người cũng đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO này ở Brussels, đã được hỏi liệu ông có tin rằng Ukraine nên nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để bảo đảm hòa bình hay không.
Mặc dù TT Biden không loại trừ điều đó, nhưng ông đã nói rằng việc đó phụ thuộc vào Ukraine.
“Đó là một phán quyết tổng thể dựa vào Ukraine. Không có vấn đề nào về Ukraine mà không có quyết định của Ukraine,” TT Biden nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông không “tin rằng họ sẽ phải làm điều đó.”
Hôm thứ Năm, trên đường trở về Thổ Nhĩ Kỳ, TT Erdogan đã nói với các phóng viên trên phi cơ rằng ông có kế hoạch gọi cho TT Putin sớm và thúc giục ông “trở thành kiến trúc sư của các hành động vì hòa bình” và tìm “một lối thoát danh dự” khỏi cuộc chiến này, theo phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm thứ Sáu (25/03), TT Zelensky cho biết trong một video trực tuyến rằng Ukraine “phải hướng tới hòa bình,” đồng thời nói thêm rằng với “mỗi ngày chúng ta tự vệ, là chúng ta đang tiến gần hơn tới hòa bình.”
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al-Jazeera vào tuần trước, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, cũng đã đưa ra nhận xét tương tự với ông Erdogan về các lĩnh vực có thể thỏa hiệp giữa hai phía.
Ông Kalin nói với hãng thông tấn này rằng Nga và Ukraine đang tiến gần hơn về 4 vấn đề chính: Nga yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, giải trừ quân bị, bảo vệ ngôn ngữ Nga ở Ukraine, và những gì mà Nga gọi là “phi phát xít hóa.” Vấn đề cuối cùng này, cùng với việc ông Putin gán cho giới lãnh đạo chính trị ở Kyiv là “chủ nghĩa tân Quốc xã,” thường được hiểu chung chung là Nga yêu cầu các nhà lãnh đạo Ukraine từ bỏ quyền lực.
Ukraine và phương Tây đã bác bỏ các đề nghị của Nga về “phi phát xít hóa” và “chủ nghĩa tân Quốc xã” trong giới lãnh đạo vốn được bầu một cách dân chủ của Ukraine là tuyên truyền vô căn cứ, đồng thời lên án cuộc xâm lược của Moscow là một cuộc chiến tranh xâm lược phi pháp và phi lý.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: