Ukraine dỡ bỏ yêu cầu thị thực cho công dân ngoại quốc tham chiến chống Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tạm thời dỡ bỏ một yêu cầu thị thực đối với các công dân ngoại quốc muốn gia nhập “Quân đoàn Phòng ngự Quốc tế” của Ukraine để chiến đấu chống lại Nga.
Tờ The Kyiv Independent là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về diễn biến này. Tổng thống Zelensky đã ký một sắc lệnh vào cuối ngày thứ Hai (28/02), bắt đầu có hiệu lực vào thứ Ba (01/03) và vẫn sẽ có hiệu lực chừng nào tình trạng thiết quân luật vẫn còn. Theo sắc lệnh này, các công dân ngoại quốc – ngoại trừ công dân Nga – sẽ không cần thị thực để vào Ukraine nếu họ gia nhập quân đoàn để chiến đấu với quân đội Nga.
New Voice of Ukraine đưa tin, hôm Chủ Nhật (27/02), ông Zelensky đã đưa ra lời kêu gọi người ngoại quốc chiến đấu cùng Ukraine. Sáng sớm hôm thứ Hai (28/02), Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine tuyên bố nước này đã nhận được “hàng ngàn” đơn xin nhập ngũ từ người ngoại quốc.
Cũng trong hôm thứ Hai (28/02), ông Zelensky đã tuyên bố sẽ phóng thích các tù nhân có kinh nghiệm chiến đấu để bảo vệ Ukraine.
Ông cho biết, “Theo thiết quân luật, những người từng tham gia các tình huống xung đột — những người Ukraine có kinh nghiệm chiến đấu thực tế — sẽ được phóng thích khỏi nơi giam giữ và sẽ có thể chuộc tội của họ tại những nơi cam go nhất của cuộc chiến. Mọi hình phạt đều sẽ được dỡ bỏ đối với một số người từng tham gia hoạt động chống khủng bố. Vấn đề mấu chốt giờ đây là phòng thủ.”
Chính phủ Ukraine cũng đã huấn luyện kiến thức quân sự căn bản cho một số công dân của họ.
Trong khi đó, các nhà chức trách ở Kyiv, thủ đô của Ukraine, nơi có khoảng 3 triệu dân, đã giao vũ khí cho bất kỳ ai sẵn sàng bảo vệ thành phố khi quân đội Nga áp sát.
Hôm thứ Hai (28/02), các cuộc đàm phán tại Belarus giữa các quan chức Ukraine và Nga nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, ngoại trừ việc sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán sau đó.
Trong một bài diễn văn qua video vào cuối ngày thứ Hai (28/02), Tổng thống Zelensky cho biết các lực lượng Nga đã tăng cường pháo kích vào Ukraine trong lúc các cuộc đàm phán đang diễn ra. Ông cũng cho biết người Nga đã nã pháo vào thành phố Kharkiv.
Xung đột leo thang giữa Ukraine và Nga xảy ra vào khoảng ngày 24/02, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố một “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Ukraine. Ông Putin cho biết chiến dịch quân sự này là một sự đáp trả trước các mối đe dọa đến từ Ukraine và nhằm bảo vệ thường dân cũng như phi quân sự hóa Ukraine.
Tại thời điểm đó, ông Putin nói rằng Nga không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine và quân đội Ukraine nên “lập tức hạ vũ khí”. Ông Putin không nói rõ chiến dịch này dự kiến sẽ kéo dài bao lâu. Sau thông báo của ông, tin tức cho hay các vụ nổ đã diễn ra tại nhiều thành phố của Ukraine.
Trước khi chiến dịch này được công bố, hôm 21/02 ông Putin đã tuyên bố rằng Nga công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, Donetsk và Luhansk, là các quốc gia độc lập. Ông cũng nói rằng thỏa thuận Minsk giữa Ukraine và Nga “không còn tồn tại”. Đến ngày 23/02, Nga thông báo rằng các thủ lĩnh của Donetsk và Luhansk đã gửi thư cho ông Putin yêu cầu giúp đỡ trong bối cảnh có “các mối đe dọa từ Kyiv.”
Donetsk và Luhansk, nằm trong khu vực khai thác mỏ của Donbas, tuyên bố độc lập khỏi Ukraine hồi tháng 04/2014. Hành động này nhằm đáp lại một cuộc đảo chính hồi tháng 02/2014, khi các phe phái chống Moscow, ủng hộ EU lật đổ chính phủ đương thời của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Sau khi ly khai, quân đội Ukraine đã được khai triển để chống lại các phiến quân ở Donbas, dẫn đến các cuộc pháo kích và giao tranh dữ dội. Hơn 10,000 thường dân đã thiệt mạng kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu. Ukraine cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm về sự leo thang của xung đột này, nhưng Moscow đã bác bỏ bất kỳ sự liên đới nào.
Tháng 09/2014, Ukraine và các khu vực ly khai đã tổ chức các cuộc đàm phán sâu rộng ở Minsk, Belarus, và đồng ý với Minsk I, một thỏa thuận ngừng bắn gồm 12 điều khoản. Nhưng thỏa thuận này đã đổ vỡ do những vi phạm của cả hai bên.
Tháng 02/2015, Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu (OSCE), và các thủ lĩnh của các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk đã ký kết Minsk II, một thỏa thuận ngừng bắn gồm 13 điều khoản. Mặc dù tình trạng giao tranh nghiêm trọng đã lắng xuống, nhưng chưa bao giờ chấm dứt hoàn toàn.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: