Ukraine cấm xuất cảng nhiên liệu lỏng, khí đốt và than đá
Chính phủ Ukraine đã cấm xuất cảng các nhiên liệu quan trọng, theo một nghị quyết được công bố trên trang web của Nội các Bộ trưởng.
Các mặt hàng bị cấm bao gồm nhiên liệu lỏng và khí đốt tự nhiên có nguồn gốc từ Ukraine cũng như than đá, than anthracite, than đóng bánh, viên nén, và các nhiên liệu rắn tương tự có nguồn gốc từ than đá, ngoại trừ than luyện cốc. Lệnh cấm được ban hành do “hành động gây hấn có vũ trang của Liên bang Nga đối với Ukraine và việc áp đặt thiết quân luật ở Ukraine,” nghị quyết ngày 10/06 nêu rõ.
Trên thực tế lệnh này đã sửa đổi nghị quyết được thông qua hôm 29/12/2021, trong đó xác định các loại hàng hóa phải chịu hạn ngạch và cấp phép cho năm 2022. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó đã cảnh báo về lệnh cấm xuất cảng than và khí đốt.
Theo hãng thông tấn TASS, ông Zelensky đã cho biết trong một video đăng trên kênh Telegram của mình như sau: “Do chiến tranh, đây thực sự sẽ là mùa đông khó khăn nhất trong suốt những năm độc lập… Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ không bán khí đốt và than đá ra ngoại quốc. Tất cả hoạt động sản xuất trong nước sẽ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu nội bộ.”
Theo Thủ tướng Denis Shmyhal, sản lượng than tại các mỏ quốc doanh của Ukraine đã giảm ⅓ kể từ khi nước này bị Nga xâm lược vào cuối tháng Hai. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho công ty quốc doanh Naftogaz tích lũy ít nhất 19 tỷ mét khối khí đốt trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất.
Ukraine đã dự trữ 9 tỷ mét khối khí đốt sau mùa sưởi ấm trước đó. Tính đến hôm 01/06, tổng lượng khí trong kho chỉ ở mức 10 tỷ mét khối. Theo TASS, ông Shmyhal đã thỉnh cầu người dân “chuẩn bị cho mùa sưởi ấm khó khăn nhất từ trước đến nay của Ukraine.”
Mùa sưởi ấm sắp tới bắt đầu từ ngày 15/10. Các kho dự trữ khí đốt hiện tại cao hơn 7.5% so với mức trung bình 2014–2018 dựa trên dữ liệu từ S&P Global. Năm ngoái (2021), Ukraine bước vào mùa sưởi ấm với 18.87 tỷ mét khối khí dự trữ hôm 05/10.
Lệnh cấm của Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Liên minh Âu Châu không tạo đủ áp lực lên Nga thông qua việc hạn chế xuất cảng năng lượng của Moscow, một nguồn thu chính của nước này. Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), Liên minh Âu Châu là nơi mua năng lượng nhiều nhất từ Nga.
“EU đã mua 61% lượng nhiên liệu hóa thạch xuất cảng của Nga, trị giá khoảng 57 tỷ EUR. Thị phần của EU là khoảng 30% đối với than, 50% đối với dầu thô, 75% đối với LNG, 75% đối với các sản phẩm dầu, và 85% đối với khí đốt đường ống,” báo cáo đó cho biết. Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã xuất cảng nhiên liệu hóa thạch trị giá 93 tỷ EUR.
Hà Lan, Đức và Ý nằm trong số các nước nhập cảng dầu lớn nhất. Các nước nhập cảng khí đốt đường ống lớn nhất bao gồm Đức và Ý. Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha là những nước nhập cảng LNG của Nga nhiều nhất. Khi nói đến than, Hà Lan là một trong những nước nhập cảng lớn nhất.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.