UCLA: Niềm tin vào các chính phủ và nhân viên y tế ở mức thấp trên toàn cầu
LOS ANGELES—Niềm tin vào các chính phủ và nhân viên y tế đang ở mức thấp trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến các biểu hiện thái độ đối với vaccine, theo một nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu của Đại học California Los Angeles (UCLA) được công bố hôm 11/08.
Tiến sĩ Corrina Moucheraud tại Trường Y tế Công cộng Fielding của UCLA, một giáo sư về chính sách y tế và là tác giả chính của nghiên cứu nói trên, được công bố trước đại dịch virus corona khoảng một năm, cho biết: “Niềm tin là điều cốt yếu cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thực hiện chính sách y tế hiệu quả.”
Được công bố trên ấn bản tháng Tám của tạp chí Health Affairs, nghiên cứu này được tiến hành dựa trên các cuộc khảo sát với hơn 149,000 người ở 144 quốc gia.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, giữa một đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.2 triệu người, các phát hiện nghiên cứu này là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về sự cần thiết của việc truyền đạt thông tin y tế công cộng hiệu quả, bà Moucheraud nói.
Bà nói, “Điều mà chúng tôi khám phá ra được qua nghiên cứu này là niềm tin vào chính phủ có thể vô cùng trọng yếu đối với niềm tin vào các thông điệp sức khỏe, và đối với cảm giác rằng vaccine là quan trọng, hiệu quả và an toàn—nhưng chỉ một phần tư số người được hỏi trên toàn cầu đáp ứng được tiêu chuẩn này.”
“Và chưa đến một nửa số người được hỏi trên toàn cầu nói rằng họ tin tưởng rất nhiều [vào] các bác sĩ và y tá.”
Các phát hiện trên được đưa ra dựa trên phân tích các câu trả lời của cuộc khảo sát Wellcome Global Monitor năm 2018. Đây là một bản đánh giá toàn cầu toàn diện và gần đây nhất (trên tất cả các khu vực địa lý và mức thu nhập) về ý kiến của mọi người về các chủ đề sức khỏe và y tế.
Bà Quách Tuệ Anh (Huiying Guo), một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Fielding và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết, “Niềm tin của người dân vào các thể chế này—các chính phủ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe—tương quan với niềm tin vào lời khuyên sức khỏe hoặc lời khuyên y tế từ họ, và với thái độ tích cực hơn đối với vaccine.”
“Thái độ với vaccine cũng khác nhau đáng kể trên toàn thế giới, trong đó an toàn là mối quan tâm phổ biến nhất.”
Các nhà nghiên cứu phát hiện, chưa đến một phần ba số người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào lời khuyên sức khỏe từ chính phủ của họ và chưa đến một nửa số người được hỏi tin tưởng các bác sĩ và y tá hoặc có cảm nhận tích cực về vaccine.
Có sự khác biệt đáng kể theo khu vực địa lý. Thái độ tích cực đối với vaccine—cảm thấy rằng chúng an toàn, hiệu quả và quan trọng—là rất khác nhau, với hơn 70% người Nam Á, nhưng chưa đến 40% người Âu Châu hoặc Đông Á được hỏi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Ở một số khu vực—Đông Á, Âu Châu và Bắc Mỹ—người được hỏi đặc biệt ít có khả năng đồng ý rằng vaccine là an toàn.
Thái độ tích cực về vaccine phổ biến hơn khoảng 39% ở những người tin vào chính phủ và 59% phổ biến hơn ở những người tin vào lời khuyên sức khỏe từ chính phủ. Những người tin vào bác sĩ và y tá, cũng như những người tin vào lời khuyên sức khỏe từ các nhân viên y tế như bác sĩ và y tá, cũng nhiều khả năng báo cáo thái độ tích cực với vaccine hơn.
Mặc dù cuộc khảo sát diễn ra trước sự bùng phát của SARS-CoV-2 khoảng một năm, nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các yếu tố có thể áp dụng cho đại dịch hiện tại. Niềm tin vào chính phủ có mối tương quan tích cực với việc sinh sống ở nông thôn và có mối tương quan tiêu cực với trình độ học vấn, và ở mức cao nhất trong những người lớn tuổi.
Các nhà nghiên cứu cũng xác định có sự khác biệt về giới tính—phụ nữ bày tỏ niềm tin nhiều hơn vào lời khuyên y tế từ chính phủ và từ các nhân viên y tế so với nam giới.
Phân tích cho thấy ba phát hiện chính đặc biệt liên quan đến việc hoạch định chính sách:
—Trong hoàn cảnh mà niềm tin của công chúng đối với các chính phủ đặc biệt thấp, các quan chức chính phủ có thể không phải là gương mặt tối ưu dành cho các thông điệp y tế công cộng;
—Các bác sĩ gia đình có thể hiệu quả hơn trong việc truyền đạt lời khuyên về sức khỏe và thông điệp về vaccine, hơn là các quan chức y tế công cộng địa phương hoặc quốc gia; và
—Hiểu nguồn gốc của thái độ sử dụng vaccine là điều cốt yếu để tăng tỷ lệ chích ngừa.
“Các nhà hoạch định chính sách nên hiểu rằng công chúng có thể có mức độ tin cậy khác nhau đối với các tổ chức và tác nhân khác nhau,” đồng tác giả, Tiến sĩ James Macinko, cũng thuộc Trường Fielding cho biết.
“Mặc dù việc soạn thảo các thông điệp y tế công cộng được chú trọng nhiều, nhưng điều quan trọng không kém, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch này, là xác định những phát ngôn viên thích hợp, đáng tin cậy để truyền tải những thông điệp đó một cách hiệu quả hơn đến các nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau.”
Do City News Service thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: