Úc viện trợ cho Sri Lanka giữa cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 70 năm
Úc sẽ cung cấp cho Sri Lanka khoản hỗ trợ phát triển trị giá 50 triệu AUD (34.5 triệu USD) để giúp đáp ứng các nhu cầu cấp bách về lương thực và chăm sóc sức khỏe khi nước này đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 70 năm qua.
Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết Úc sẽ lập tức cung cấp 22 triệu AUD cho Chương trình Lương thực Thế giới để hỗ trợ khẩn cấp — cung cấp lương thực cho 3 triệu người ở Sri Lanka — và thêm 23 triệu AUD nữa để hỗ trợ các dịch vụ y tế và phục hồi kinh tế.
Bà Wong nói: “Sri Lanka hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong bảy mươi năm, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và nhiên liệu.” “Úc có mối quan hệ thân thiết và lâu dài với Sri Lanka. Chúng tôi không chỉ muốn giúp người dân Sri Lanka trong lúc cần thiết, mà còn có những hậu quả sâu sắc hơn cho khu vực nếu cuộc khủng hoảng này tiếp diễn.”
Những khoản đóng góp này nằm ngoài 5 triệu AUD do Úc cung cấp gần đây cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc sau khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu kêu gọi toàn thế giới hôm 09/06. Cho đến nay, Liên Hiệp Quốc đã thu được 47.2 triệu USD tiền viện trợ cho quốc gia Á Châu này.
Nền kinh tế Sri Lanka đối mặt với sự sụp đổ hoàn toàn
Tin tức về khoản hỗ trợ tài chính được đưa ra sau khi Thủ tướng mới của Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nói với Nghị viện hôm 22/06 rằng nước này phải đối mặt với sự sụp đổ.
Ông nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng hơn rất nhiều, không chỉ đơn thuần là thiếu nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực. Nền kinh tế của chúng ta đã đối mặt với một sự sụp đổ hoàn toàn.”
“Không phải là một nhiệm vụ dễ dàng gì để vực dậy một quốc gia có nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn, đặc biệt là một quốc gia có dự trữ ngoại hối thấp một cách nguy hiểm.”
Sri Lanka hiện đang thảo luận với Ấn Độ, Trung Quốc, và Nhật Bản về các gói cho vay để giúp tăng dự trữ ngoại hối của nước này nhưng ông Wickremesinghe cho biết có những thách thức vì mỗi quốc gia có hệ thống cấp khoản vay riêng.
Ông nói: “Chúng tôi đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị một lần nữa.”
Chính phủ này cũng sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ, với các đại diện từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ đến thăm Sri Lanka vào tuần tới.
Hàng ngàn người Sri Lanka đã xuống đường để phản đối việc chính phủ giải quyết sai lầm cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước, dẫn đến việc Thủ tướng đương thời Mahinda Rajapaksa phải từ chức hôm 09/05.
Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có của nước này đã khiến hàng triệu người dân của họ cần viện trợ để cứu sống, với tình trạng thiếu thuốc men thiết yếu trầm trọng và việc cắt điện thường xuyên gây nguy hiểm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước.
Sri Lanka là một bài học cho thế giới về nguy cơ thiếu lương thực
Sự sụp đổ của nền kinh tế Sri Lanka diễn ra khi thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu ngũ cốc và phân bón, cũng như giá nhiên liệu tăng cao do cuộc xung đột Ukraine-Nga.
Trước đây, ông Matt Dalgliesh từ Thomas Elder Markets đã nói với The Epoch Times rằng các quốc gia như Sri Lanka đang ở trong tình thế bấp bênh.
Ông cảnh báo rằng các nước đang phát triển có thể dễ dàng chứng kiến tình trạng bất ổn trên diện rộng và bất tuân dân sự bùng phát, đặc biệt là các nền kinh tế như Sri Lanka, nơi phụ thuộc nhiều vào thực phẩm và hàng hóa nhập cảng.
“Những quốc gia đang ở gần [Úc], như Indonesia, nơi có dân số lớn đang cố gắng để tự cung tự cấp về an ninh lương thực mà họ có thể gặp vấn đề, nhưng chúng ta có những quốc gia có thể ở xa hơn ở các khu vực Trung Đông và Bắc Phi … dễ bị rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực,” ông nói.
“Một số trong những quốc gia đang phát triển đó kém an ninh về lương thực, dựa vào rất nhiều lượng nhập cảng thịt, nơi người tiêu dùng có thể phải chi từ 50 đến 60% thu nhập của họ cho những thứ liên quan đến thực phẩm, thì nguy cơ mất an ninh lương thực còn lớn hơn nhiều và những gì nó dẫn đến là mô hình giống như những gì chúng ta đang thấy ở Sri Lanka.”
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.