Úc ủng hộ Philippines phản đối các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông
Úc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông hồi tuần trước, khi đó ba tuần duyên hạm của hải cảnh Trung Quốc chặn và sử dụng vòi rồng đối với các tàu tiếp tế của Philippines tại Bãi cạn Thomas thứ Hai (còn gọi là Bãi Cỏ Mây), một bãi cạn do Philippines chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa (tên quốc tế là the Spratly Islands).
Hôm thứ Hai (22/11), Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) cho biết trong một tuyên bố rằng, “Chính phủ Úc đã liên tục bày tỏ lo ngại về việc khai triển các tuần duyên hạm ở Biển Đông một cách nguy hiểm hoặc mang tính cưỡng chế. Những hành động kiểu như vậy đang gây bất ổn.”
Philippines đã lên án các hành động phi pháp của các tàu Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải “rút” khỏi khu vực này.
Ông Teodoro Locsin, Bộ trưởng Ngoại giao của Phillippines viết trong một tuyên bố trên Twitter vào hôm 18/11 rằng, “Bãi cạn Ayungin (tên gọi khác của Bãi cạn Thomas thứ Hai) là một phần của Nhóm Đảo Kalayaan (KIG), vốn là một bộ phận không thể tách rời của Philippines, cũng như nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, và Philippines có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đó.”
Úc ủng hộ tuyên bố của chính phủ Philippines, nhắc lại rằng Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về Biển Đông cho thấy Bãi cạn Thomas thứ Hai nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết, “Tòa Trọng tài nhận thấy ‘không tồn tại cơ sở pháp lý cho bất kỳ quyền nào của Trung Quốc đối với các vùng biển trong khu vực Bãi cạn Thomas thứ Hai. Căn cứ vào Điều 296 và Điều 11 của Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, phán quyết này của Tòa Trọng tài là quyết định cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên, Trung Quốc và Philippines.”
Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye đã ra phán quyết có lợi cho Philippines và các quốc gia khác ở Biển Đông, bác bỏ các yêu sách [về chủ quyền] của Bắc Kinh đối với phần lớn khu vực này.
Tuy nhiên, phán quyết này không mấy ảnh hưởng đến Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi “đường chín đoạn” của mình, vốn chiếm khoảng 85% diện tích 5.6 triệu km vuông (2.2 triệu dặm vuông) của Biển Đông, và đặt quốc gia Á Châu này vào các tranh chấp về lãnh thổ cùng với Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, và Đài Loan.
Hoa Kỳ, quốc gia có thỏa thuận quốc phòng lâu dài với Philippines, cũng ủng hộ quốc gia Á Châu này sau vụ việc trên.
Hôm 19/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố rằng hành động của Trung Quốc “làm leo thang căng thẳng khu vực, xâm phạm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông như được bảo đảm theo luật pháp quốc tế và phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã biện hộ cho các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, khi hôm 22/11, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ mưu cầu quyền bá chủ và chỉ muốn “theo đuổi việc cùng tồn tại lâu dài, hữu nghị với các nước láng giềng.”
Ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ mưu cầu quyền bá chủ hay bắt nạt các quốc gia nhỏ bé hơn.
Mười nước thành viên của ASEAN gồm có Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện (còn gọi là Myanmar), Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam.
Do nhân viên Epoch Times tại Sydney, Úc thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: