Úc tham gia vào trò chơi ‘có tổng bằng không’ giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương
Thượng nghị sĩ James Paterson của Liên minh trung hữu đã cảnh báo rằng Úc đang tham gia vào một trò chơi “có tổng bằng không” (zero sum game)* để giành ảnh hưởng với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Thái Bình Dương.
Ông Paterson, chủ tịch Liên Ủy ban về Tình báo và An ninh Úc, cho biết chính phủ liên bang đã biết từ lâu rằng Bắc Kinh có “tham vọng bành trướng” đối với khu vực Thái Bình Dương.
Ông nói: “Họ đã và đang muốn thiết lập một sự hiện diện quân sự cố thủ ở Thái Bình Dương trong một thời gian, và chính phủ của Quần đảo Solomon không phải là bên đầu tiên nhận được lời đề nghị như thế này, và họ cũng sẽ không phải là người cuối cùng [nhận được lời đề nghị đó],” ông nói với đài Sky News Australia hôm 05/05. “Chúng tôi phải đề phòng mối đe dọa này. Đó là một việc rất nghiêm trọng.”
Ông Paterson cho biết những người am tường Đệ nhị Thế chiến sẽ biết tầm quan trọng chiến lược của khu vực Nam Thái Bình Dương, và đó là một trong những lý do tại sao chiến lược can dự Bước tiến Thái Bình Dương (Pacific Step-up strategy) được đưa ra.
“Lợi ích của chúng tôi ở Thái Bình Dương là rất rõ ràng, và đó là lý do tại sao chúng tôi xoay trục chương trình viện trợ quốc tế của mình tập trung vào khu vực Thái Bình Dương,” ông nói. “Chúng tôi đang tham gia vào một trò chơi có tổng bằng không để giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.”
Liên minh cầm quyền này đã nhận được chỉ trích từ Đảng Lao Động đối lập về việc để cho Quần đảo Solomon và Bắc Kinh ký kết hiệp ước an ninh gần đây.
Một thỏa thuận có thể dẫn đến việc quân sự hóa hoàn toàn trong khu vực này tương tự như Biển Đông và trong một khu vực chỉ cách thành phố Cairns, phía bắc nước Úc 1,700 km (1,050 dặm).
Bà Penny Wong, phát ngôn viên ngoại giao của phe đối lập, đã gọi tình huống này là “sai lầm lớn nhất trong chính sách ngoại giao” kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Mặc dù phát ngôn viên của Kho bạc thuộc phe đối lập Jim Chalmers tuyên bố chính phủ Úc đã cắt viện trợ ngoại quốc cho các quốc gia Thái Bình Dương, nhưng điều này đã mở ra cánh cửa cho Bắc Kinh xây dựng tầm ảnh hưởng của mình.
“Họ đã khinh thị những bằng hữu ở Thái Bình Dương của chúng tôi khi nói đến biến đổi khí hậu, và họ đã bỏ qua khi nói đến an ninh quốc gia của chúng tôi, và đó là những gì chúng ta đang thấy vào lúc này,” ông nói với Tập đoàn Truyền thông Úc (Australian Broadcasting Corporation, ABC).
Trong khi đó, ông Paterson đã đưa ra ý kiến cho rằng việc can dự nhiều hơn vào Thái Bình Dương có thể ngăn cản hiệp ước an ninh giữa Bắc Kinh và Quần đảo Solomon được tiến hành.
“Tôi nghĩ điều đó nhấn mạnh rằng chỉ cần có thêm một cuộc điện thoại được thực hiện, là đã có thêm một chuyến thăm, đã có thêm một khoản viện trợ dollar được chi ra, thì điều này sẽ không xảy ra — nó đang làm nổi bật sự phi lý của điều đó,” ông nói.
Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon đã đứng về phía hiệp ước an ninh này bất chấp lời kêu gọi của các nhà chức trách Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.
Ông Sogavare không được ái mộ ở trong nước — nơi có một cuộc nội chiến lớn — và có những lo ngại rằng ông có thể sẽ cố gắng ngăn chặn cuộc bầu cử quốc gia năm 2023 diễn ra bằng cách dựng lên một sự kiện cờ giả nếu ông mất quyền lực.
Chuyên gia Nam Thái Bình Dương Cleo Paskal đã kêu gọi các quốc gia dân chủ ngừng giao thiệp với vị thủ tướng này với hy vọng thay đổi ý định của ông ấy mà thay vào đó, phải buộc ông ta có trách nhiệm với việc thực hiện Hiệp định Hòa bình Townsville năm 2000 – giao ước giúp mở ra một kỷ nguyên ổn định và xây dựng một chính phủ quốc gia cho đất nước này.
Trong khi đó, Đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu Grant Newsham đã kêu gọi các đồng minh dân chủ chú ý đến các cáo buộc hối lộ do ĐCSTQ thực hiện.
“Mọi thỏa thuận ký kết với một công ty Trung Quốc hoặc ngoại quốc khác ở Solomon nên được công chúng giám sát kỹ lưỡng,” thành viên cao cấp tại Viện Yorktown viết trên The Epoch Times. “Bên cạnh việc cắt giảm các nỗ lực lật đổ của Bắc Kinh, sự minh bạch và tiết lộ các hoạt động tham nhũng còn giúp hỗ trợ cho các chính trị gia và tổ chức địa phương nào muốn có chính phủ trung thực và đồng lòng cũng như phản đối sự thống trị của ĐCSTQ.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].
Chú thích của dịch giả: (*) zero-sum game: trò chơi có tổng bằng không nghĩa là lợi ích mà một nước thu được chính bằng thiệt hại mà nước khác mất đi, tức là cái mà họ được chính là cái mà mình phải mất.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: