Úc tăng cường các mối bang giao tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc có vị thế thống trị
Canberra đang tăng cường đối thoại trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua các khoản đầu tư mới và các thỏa thuận ngoại giao. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục hiện diện trong khu vực và nơi trọng tâm của nó – Biển Đông.
Lần đầu tiên kể từ khi tổ chức này thành lập vào năm 1976, hôm 27/10, Úc đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong cuộc họp, nước này đã công bố một liên kết đối tác chiến lược mới với gói hợp tác trị giá 154 triệu AUD (115 triệu USD) – xây dựng dựa trên khoản đầu tư hiện có trị giá 500 triệu AUD (370 triệu USD) được công bố vào năm ngoái.
Không lâu sau, trong hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 31/10, Úc tiếp tục tham gia vào một liên kết đối tác chiến lược tương tự với quốc gia nổi bật nhất của ASEAN – Indonesia.
Thủ tướng Scott Morrison đã nhấn mạnh rằng điều này sẽ có nghĩa là có sự cam kết song phương đáng kể, từ việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đến phát triển, tài trợ, và khai triển các công nghệ phát thải thấp.
Trong một tuyên bố chung cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne, ông Morrison cho rằng khối Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với Úc trong việc bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định.
“Một ASEAN mạnh mẽ, thống nhất, và kiên cường là rất quan trọng đối với thành công của khu vực chúng ta và hỗ trợ cho an ninh cũng như sự thịnh vượng của chính nước Úc,” ông Morrison khẳng định.
Tuy nhiên, ông Joseph Siracusa, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Curtin, cho biết Úc đã hỗ trợ Hoa Kỳ đương đầu với mối đe dọa ngày càng tăng từ quyền lực mềm của Trung Quốc bằng cách gia tăng sự cạnh tranh trong khối.
Ông Siracusa nói với The Epoch Times, “Tôi nghĩ rằng Úc đang đầu tư gấp đôi vào khu vực này vì họ muốn tăng cường uy tín của mình, và họ muốn làm những gì có thể để kiềm chế Trung Quốc – tức là chặn Trung Quốc khỏi các khoản đầu tư.”
Sự hợp tác mật thiết này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với nhiều khu vực tài phán trên toàn thế giới và khắp Đông Nam Á, khu vực đang ngày càng trở nên mệt mỏi trước sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh vào Biển Đông.
Lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ đã khiến công ty viễn thông lớn nhất của Úc, Telstra, mua lại Digicel, một công ty viễn thông hàng đầu ở Nam Thái Bình Dương với 2.1 tỷ AUD (1.6 tỷ USD) – trong đó có 1.7 tỷ AUD (1.3 tỷ USD) tiền tài trợ từ chính phủ liên bang.
Ngoài hỗ trợ về tài chính, Úc đã cùng Bộ Tứ Quad chống lại “chính sách ngoại giao vaccine” của Trung Quốc sau khi chế độ cộng sản này tận dụng các lô hàng vaccine của họ để thu hút ảnh hưởng quyền lực mềm trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới – mặc dù là nguyên nhân cố hữu của đại dịch virus Trung Cộng.
Úc cũng đã cam kết cung cấp cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hơn 60 triệu liều vaccine vào cuối năm 2022.
Vị thế thống trị của Trung Quốc ở Đông Nam Á
Tuy nhiên ông Siracusa nói rằng mặc dù sự can dự của Canberra là không thể tránh khỏi, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vị thế hiện hữu của Bắc Kinh trong khối ASEAN.
Đặc biệt, Trung Quốc đã tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Đông Nam Á trong hai thập niên vừa qua, bao gồm cả thông qua việc bán vũ khí với giá cả cạnh tranh.
Hơn nữa, thương mại song phương đã tăng lên 922 tỷ AUD (685 tỷ USD) giữa đại dịch trong năm 2020, phần lớn là do sự chuyển dời của các ngành sản xuất của Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Ông Siracusa cho biết cách tiếp cận quyền lực mềm hoạt động chủ yếu để buộc các thành viên ASEAN phải chấp nhận những bước tiến của Trung Quốc vào Biển Đông.
“Chính sách của Bắc Kinh đối với ASEAN hiện nay rất điều độ, rất phối hợp. Và họ đang cố gắng tích hợp lợi ích chính sách ngoại giao của họ với những lợi ích của Trung Quốc – ít nhất là họ không muốn điều ngược lại,” ông Siracusa nói.
Ông Siracusa đưa ra một số lý do chính khiến Bắc Kinh muốn giành quyền kiểm soát Biển Đông – nơi hiện có trữ lượng lớn về dầu và khí đốt trong khi cung cấp tuyến đường cho các chuyến hàng thương mại quốc tế trị giá hàng ngàn tỷ dollar qua lại.
“Họ đang trông đợi vào khí đốt, dầu và cá,” ông Siracusa nói. “Và những gì họ muốn xung quanh quốc gia của họ là những láng giềng biết vâng lời. Họ không muốn nô lệ; họ chỉ muốn những láng giềng này không công khai phản đối họ hoặc hợp tác với ai khác mà sẽ làm điều đó.”
“Đơn giản là họ muốn khu vực này, và họ phải kiểm soát khu vực này. Quý vị biết đấy, Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc toàn cầu. Nhưng trước khi trở thành một cường quốc toàn cầu, quý vị phải kiểm soát các vùng biển xung quanh các cường quốc trong khu vực – Hoa Kỳ đã không trở thành cường quốc của thế giới cho đến khi kiểm soát được vùng Caribe và Vịnh Mexico.”
Nhưng nỗ lực kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc vẫn hình thành nên những rạn nứt giữa các mối bang giao của Trung Quốc và một số thành viên ASEAN, trong đó có Indonesia, Malaysia, và Philippines.
Một cách gây tranh cãi, chế độ cộng sản này đã tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông, xây dựng các đảo nhân tạo cho các căn cứ bán quân sự, và xâm phạm lãnh hải của một số quốc gia. Những hành động này là bất chấp việc luật pháp quốc tế từ chối công nhận “đường chín đoạn” của Bắc Kinh.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: