Úc tài trợ tín dụng 68 triệu AUD cho phi trường Fiji
Úc sẽ cung cấp 68 triệu AUD cho Fiji để hỗ trợ nâng cấp phi trường trong bối cảnh tăng cường ảnh hưởng rộng lớn hơn tại khu vực Nam Thái Bình Dương nhằm chống lại chủ nghĩa bá quyền đang xâm lấn của Bắc Kinh.
Quỹ Tài trợ Cơ sở hạ tầng của Úc cho Thái Bình Dương (AIFFP) do chính phủ hậu thuẫn sẽ hợp tác với Ngân hàng ANZ để hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm tăng sức chứa hành khách tại Phi trường Quốc tế Nadi nhằm giúp quốc gia này phục hồi sau đại dịch COVID.
Ông Zed Seselja, Bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương, cho biết Úc cam kết hỗ trợ Nam Thái Bình Dương với các dự án cơ sở hạ tầng “chất lượng cao, giá cả phải chăng.”
Ông Seselja nói trong một tuyên bố với The Epoch Times rằng, “Dự án này là một ví dụ tuyệt vời về lý do tại sao Úc thành lập AIFFP.”
“Gói bảo lãnh và cho vay của Úc sẽ cho phép các Phi trường của Fiji tiếp tục phát triển trong đại dịch COVID-19, chuẩn bị cho việc mở lại biên giới quốc tế của Fiji.”
Giám đốc điều hành Ngân hàng ANZ Shayne Elliott cho biết, “ANZ đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối khách hàng với các cơ hội thương mại và đầu tư ngày càng tăng trong khu vực.”
Ông nói trong một tuyên bố (pdf) rằng, “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng đặt Fiji vào một vị thế nhanh chóng tăng sức chứa một khi du lịch quốc tế tái khởi động là điều then chốt để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.”
Tài trợ cho phi trường sẽ là dự án thứ tư được hỗ trợ bởi AIFFP, cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại. Cho đến nay, cơ quan này đã tài trợ cho 5 dự án trong khu vực, bao gồm một trang trại năng lượng mặt trời ở Papua New Guinea, một đường cáp ngầm dưới biển cho Palau và một hệ thống thủy điện ở Quần đảo Solomon.
Được công bố và thành lập vào năm 2018 dưới thời Thủ tướng Scott Morrison, AIFFP là một phần của chương trình “Pacific Step-up” rộng lớn hơn, được thành lập trong bối cảnh có những lo ngại về việc Bắc Kinh đang xây dựng ảnh hưởng ở khu vực Nam Thái Bình Dương thông qua việc cho vay chi phí thấp đối với các quốc đảo.
Thông báo mới nhất được đưa ra sau những tiết lộ vào tháng Bảy nói rằng chính phủ và đại công ty viễn thông Telstra, đang hợp tác cùng nhau trong một nỗ lực tiềm năng để mua các mạng di động của Digicel – một công ty viễn thông toàn cầu với lợi ích chủ yếu nằm ở khu vực Thái Bình Dương và Caribbean.
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng mặc dù thỏa thuận không hiệu quả về mặt thương mại, nhưng chính phủ Úc vẫn quan tâm đến việc tài trợ cho một thương vụ mua lại công ty tiềm năng này để ngăn chặn bất kỳ sự chào mua tiềm năng nào từ phía Bắc Kinh.
Khu vực Nam Thái Bình Dương là trung tâm của một cuộc chiến giằng co giữa các đồng minh dân chủ và Bắc Kinh. Trung Cộng đã sử dụng các sáng kiến như Sáng kiến Vành đai và Con đường, quyên góp vaccine, và ảnh hưởng ngoại giao để giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo của các đảo Thái Bình Dương.
Phản ứng từ các quốc gia Thái Bình Dương là khác nhau, với một số quốc gia có mối liên hệ với Bắc Kinh và những quốc gia khác hoàn toàn từ chối [bang giao với] Trung Cộng.
Cuối tuần qua, tân Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata’afa đã đứng ra cam kết hủy bỏ 100 triệu USD phát triển cảng BRI gần thủ đô của quốc gia này.
Lập trường của bà là một sự thay đổi lớn so với nhà lãnh đạo đương nhiệm của Samoa, ông Tuilaepa Sailele Malielegaoi, người mà trong phần lớn thời gian cầm quyền kéo dài hai thập kỷ của mình đã duy trì mối liên hệ chặt chẽ với Trung Cộng.
Do Daniel Y. Teng thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bàn gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: