Úc săn lùng ‘các siêu nhân tài toàn cầu’ khi hệ thống pháp quyền ở Hồng Kông sụp đổ
Một lực lượng mới sẽ dẫn đầu một chiến dịch toàn cầu nhằm thu hút các nhân tài và doanh nghiệp hàng đầu đến Úc, tận dụng bối cảnh kinh doanh hậu COVID và bộ khung pháp lý đã hoàn toàn thay đổi của Hồng Kông.
Tỷ lệ nhiễm virus thấp của Úc, hệ thống dân chủ nơi đây, lối sống và khoảng cách địa lý gần với châu Á, tất cả đều được kỳ vọng là những thế mạnh thu hút các công ty và cá nhân ở nước ngoài.
Lực lượng thu hút nhân tài và doanh nghiệp toàn cầu là nỗ lực của toàn chính phủ, áp dụng trên khắp các chính phủ liên bang và tiểu bang, cũng như khu vực tư nhân, nhằm “tăng tốc” quá trình tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, theo một thông cáo báo chí The Epoch Times thu thập được từ văn phòng bộ trưởng bộ Di trú.
Lực lượng này sẽ được trang bị với các chương trình thị thực đã được hệ thống hoá và các ưu đãi kinh doanh, đồng thời sẽ nhắm đến mục tiêu vào ba lĩnh vực: sản xuất nâng cao, dịch vụ tài chính (bao gồm Tài chính công nghệ – FinTech) và y tế.
“Úc luôn là một điểm đến hấp dẫn cho nhân tài và vốn đầu tư, nhưng với sự thành công tương đối của chúng tôi về mặt kinh tế, từ khía cạnh sức khỏe và xã hội, chúng tôi sẽ còn là điểm đến hấp dẫn hơn nữa”, Alan Tudge, quyền Bộ trưởng bộ Di Trú, cho biết trong một tuyên bố.
“Chúng tôi muốn tận dụng điều này và tuyệt đối tập trung vào việc thu hút các doanh nghiệp chủ chốt và siêu nhân tài toàn cầu đến Úc”, ông nói thêm. “Chúng tôi sẽ tận dụng mạng lưới của mình ở nước ngoài, bao gồm cả cộng đồng người Úc hải ngoại, để giúp kiếm tìm các cơ hội.”
Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham cho biết lực lượng này hy vọng sẽ thu hút được những ý tưởng, kỹ năng và công nghệ mới để duy trì bối cảnh kinh tế đang phát triển.
Ông nói thêm: “Trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện đã và đang hỗ trợ một phần mười việc làm, việc thúc đẩy đầu tư và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp toàn cầu đặt chi nhánh tại đây sẽ giúp tăng thêm việc làm và cơ hội cho người Úc”.
Sáng kiến này tiếp nối một thông báo ngày 9 tháng 7 của Thủ tướng Scott Morrison và bộ trưởng bộ Di trú rằng Úc sẽ bắt đầu mời gọi các doanh nghiệp “thiên về xuất khẩu” ở Hồng Kông chuyển về miền Miệt Dưới (Down Under).
Nó cũng xuất phát từ nguyên do khi các chỉ số quốc gia của nước này đăng tải vào ngày 2 tháng 9 cho thấy Úc đang trải qua cuộc suy thoái chính thức đầu tiên trong gần 30 năm.
Kristen Bondietti, giám đốc thương mại của công ty tư vấn Châu Á Thái Bình Dương ITS Global, hoan nghênh thông báo của lực lượng đặc nhiệm, nói với The Epoch Times rằng ngành tài chính của Úc đã có chuyên môn sâu về quản lý quỹ và có mặt trên trường quốc tế sẽ chỉ giúp nó thêm phát triển.
Bà nói: “Đối với các dịch vụ tài chính, tiếp cận với nguồn vốn, kỹ năng và công nghệ nước ngoài có thể giúp đa dạng hóa và đầu tư sâu hơn, đồng thời mở rộng phạm vi sản phẩm tại thị trường Úc.”
Các câu hỏi về khả năng tồn tại của Hồng Kông với tư cách là trung tâm tài chính hàng đầu của khu vực đã xuất hiện sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia, làm xói mòn một cách hoàn hảo khung pháp lý “Một quốc gia, hai chế độ”.
Úc phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các trung tâm tài chính ở Singapore, Đài Bắc và Tokyo, những nơi đã và đang lôi kéo các doanh nghiệp Hồng Kông chuyển tới.
Salvatore Baodas, phó giáo sư tại Đại học Sydney, và là một chuyên gia về kinh tế chính trị của Đông Á, tin rằng trong khi Australia là điểm đến đáng mơ ước của các cá nhân tài năng, thì việc thu hút các trụ sở lớn trong khu vực lại là một trò chơi khó nhằn khác.
“Lợi thế chính của Úc là lối sống và điều đó ít thuyết phục đối với các doanh nghiệp hơn là đối với các cá nhân. Khi nói đến việc vận hành như một trung tâm kinh doanh châu Á, Úc đơn giản là quá xa vời”, ông nói với The Epoch Times.
Ông bổ sung: “Nhiều doanh nhân Hồng Kông cảm thấy rằng ngay cả Singapore cũng quá xa vời để có thể thay thế Hồng Kông trở thành một trung tâm kinh doanh châu Á”.
Singapore từ lâu đã được coi là đối thủ số một của Hồng Kông cho ngôi vương dịch vụ tài chính của châu Á. Thành phố đã xoay trục để cạnh tranh mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh toàn châu Á, bao gồm duy trì thuế suất doanh nghiệp thấp và các quy định linh hoạt. Năm 1981, nó thậm chí còn thay đổi múi giờ của mình để phù hợp với Malaysia, Thượng Hải và Hồng Kông.
“Nếu Singapore gặp khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp Hồng Kông mặc dù có môi trường đa ngôn ngữ, pháp quyền và vị thế là một trong những trung tâm hàng không lớn nhất thế giới, thì các thành phố của Úc không thể cạnh tranh trong trò chơi này”, Babones nói thêm. Ông lập luận rằng thay vào đó, Úc nên tập trung nỗ lực vào việc thu hút những cá nhân tài năng để có những “đóng góp đặc biệt” cho đất nước.
Đối với các trung tâm tài chính khác, Tokyo có khả năng thu hút hầu hết các công ty Nhật Bản đang tìm cách chuyển địa điểm hoạt động từ Hồng Kông của họ, trong khi Đài Bắc – ứng cử viên phù hợp nhất để thay thế Hồng Kông – sẽ đối mặt với những thách thức do sự thù địch của Bắc Kinh đối với quốc đảo theo chế độ dân chủ này.
Ông tiếp tục: “Điều nhiều khả năng diễn ra nhất chính là việc các nhân tài hiện đang cư trú tại Hồng Kông sẽ phân tán sang Singapore, Đài Bắc, Thượng Hải, Seoul và Tokyo.”
Mark Simon, một giám đốc điều hành truyền thông cấp cao tại Hồng Kông, cho biết Úc có thể tạo ra một thị trường ngách và trở thành “trung tâm pháp lý khu vực” cho Châu Á Thái Bình Dương.
“Trong thế giới hậu COVID này, chúng ta không cần phải có mặt trong phòng họp cho mọi cuộc họp. Úc có pháp quyền và tự do ngôn luận. Nắm lấy vài trong số các mảng hợp pháp đó mang sang Úc [là điều có thể xảy ra]“, ông trao đổi với Tạp chí Tài chính Úc vào ngày 14 tháng 8.
Ý tưởng này không phải là không có tiền lệ. Trong thập kỷ qua, ba trong nhóm 6 công ty luật sừng sỏ của Úc đã hợp nhất hoặc tham gia vào quan hệ đối tác với các công ty luật quốc tế. Hệ thống pháp luật phương Tây của quốc gia này, sự gần gũi về mặt địa lý với châu Á và kiến thức chuyên môn sâu về pháp lý, được coi là bàn đạp lý tưởng vào thị trường châu Á.
Lực lượng Kinh doanh Toàn cầu của Úc sẽ tận dụng kiến thức chuyên môn từ nhiều bộ ngành, bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Thương mại, Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên, Quốc phòng và Bộ Giáo dục, Kỹ năng và Việc làm.