Úc ra dự luật buộc Google, Facebook trả lệ phí cho các hãng truyền thông
Bộ trưởng Ngân sách Úc cho biết Úc Đại Lợi là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố “Bộ quy tắc ứng xử bắt buộc”, hay còn gọi là “thỏa thuận giá” (bargaining model), buộc Google và Facebook đàm phán với các hãng thông tấn, báo chí ở Úc để trả lệ phí cho việc sử dụng nội dung tin tức. Nếu không đạt được thỏa thuận, thì buộc các bên phải đàm phán thông qua cơ quan trọng tài.
Đây là thông báo mới nhất trong suốt quá trình làm việc kéo dài 18 tháng vừa qua, cho thấy chính phủ Úc đã thúc đẩy các công ty công nghệ lớn phải hoàn tất đàm phán với các công ty truyền thông. Bộ quy tắc này cũng buộc các tập đoàn công nghệ cung cấp dữ liệu một cách minh bạch hơn và giám sát các công ty truyền thông sử dụng dịch vụ của họ.
“Công nghệ rất phát triển; quyền lực, sự thịnh vượng cũng như tầm ảnh hưởng của những nền tảng kỹ thuật số như Google và Facebook đã có những bước tiến vượt bậc; thực tế là khung pháp lý của chúng tôi đã không theo kịp”, Bộ trưởng Ngân sách Josh Frydenberg cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 31/7.
“Và thực tế là trong quá trình đàm phán, các công ty truyền thông của Úc lại đang ở vị thế bất bình đẳng hơn so với các công ty nền tảng kỹ thuật số”, ông Frydenberg nói thêm khi nhận định rằng môi trường truyền thông “bị đe dọa” nếu những thay đổi không được thực hiện.
“Một vài tháng trước, chúng tôi đã thấy không có sự tiến triển nào đối với vấn đề then chốt, đó là yêu cầu trả lệ phí cho nội dung. Vì vậy, chúng tôi tiến đến bước ban hành Bộ quy tắc bắt buộc”, ông Frydenber cho biết.
Ngày 20/4, Bộ trưởng Ngân khố và Bộ trưởng Truyền thông Úc tuyên bố rằng ACCC (Australian Consumer and Competition Commission) tiến hành xây dựng Bộ quy tắc bắt buộc, được công bố vào ngày 31/7. Bộ quy tắc này sẽ được lấy ý kiến đại chúng trước khi hoàn thiện.
Bộ quy tắc này hiện mới áp dụng cho Facebook và Google. Tuy nhiên, các công ty nền tảng kỹ thuật số khác cũng có thể sẽ được bổ sung thêm nếu như, trong tương lai, “sự bất cân xứng về năng lực đàm phán” thuộc về phía các hãng tin tức của Úc. Các cơ quan truyền thông công cộng, gồm ABC và SBS, sẽ không được các công ty công nghệ chia sẻ lợi nhuận, vì đây là hai cơ quan được chính phủ cấp vốn hoạt động từ ngân sách.
Trước đó vào tháng 12/2019, chính phủ liên bang Úc đã giao nhiệm vụ cho ACCC làm việc với Google, Facebook và các công ty truyền thông để thiết lập Bộ quy tắc tự nguyện. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm nay, ACCC báo cáo với chính phủ rằng các cuộc đàm phán không mang lại kết quả.
Bộ quy tắc vận hành như thế nào?
Các tổ chức truyền thông có thể thông báo cho Google và Facebook biết rằng họ sẽ chính thức thực hiện đàm phán về phương thức trả lệ phí cho nội dung tin tức.
Bộ quy tắc yêu cầu cả hai bên phải thương lượng một cách “thiện chí” và dành một khoảng thời gian là ba tháng để thương thảo.
Các công ty truyền thông có quy mô nhỏ hơn cũng có thể kết hợp cùng nhau để thương lượng với các tập đoàn kỹ thuật số này. Chủ tịch ACCC, ông Rod Sims, lưu ý rằng sự bất cân xứng về năng lực đàm phán giữa các công ty công nghệ và các công ty truyền thông nhỏ (chẳng hạn như các công ty tin tức địa phương) là “rất rõ ràng”.
Trên thực tế, Bộ quy tắc này thậm chí còn cho phép các công ty truyền thông có doanh thu hàng năm tương đối thấp, ở mức 150,000 USD/năm có thể đàm phán để yêu cầu được trả lệ phí.
Nếu sau khi đàm phán mà các bên vẫn không đạt được thỏa thuận thì sẽ trình đến trọng tài viên xem xét. Quá trình phân xử phải được hoàn tất trong vòng 45 ngày. Cả hai bên sẽ được phép gửi bản đề nghị cho trọng tài và bên còn lại có trách nhiệm phản hồi đề nghị đó.
Trọng tài buộc phải lựa chọn một bản đề nghị trước khi hết hạn 45 ngày. Trong suốt giai đoạn tranh chấp, cả hai bên vẫn có thể linh hoạt đàm phán để đạt được những thỏa thuận riêng.
Ông Rod Sims cho biết việc xây dựng Bộ quy tắc dự thảo đã xem xét đến mô hình và các phương pháp tiếp cận của “các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách quốc tế”.
“Chúng tôi mong muốn có được một mô hình giải quyết sự bất cân xứng năng lực đàm phán, đưa đến việc thanh toán lệ phí nội dung một cách công bằng, tránh các cuộc đàm phán kéo dài và không hiệu quả, nhưng vẫn không làm giảm tính khả dụng tin tức của Úc trên Google và Facebook”, ông Sims nói thêm.
“Chúng tôi tin rằng Bộ quy tắc dự thảo đạt được những mục tiêu này”, ông Sims cho biết.
Bộ Quy tắc giúp minh bạch hóa và kiểm soát truyền thông xã hội
Bộ quy tắc có thể giúp bù đắp chi phí về nội dung cho các công ty truyền thông, đồng thời giải quyết được các vấn đề liên quan đến dữ liệu và tính minh bạch.
Các tập đoàn công nghệ lớn phải thông báo cho các công ty cung cấp tin gốc về việc thay đổi các thuật toán có thể ảnh hưởng đến lưu lượng truy cập, thứ tự xếp hạng tin tức và bất kỳ thay đổi nào liên quan đến cách trình bày tin tức và quảng cáo.
Các công ty truyền thông cũng được quyền truy cập thông tin về dữ liệu mà các tập đoàn công nghệ thu thập, chẳng hạn như một độc giả đọc bao nhiêu bài báo và dành bao nhiêu thời gian để đọc một bài.
Google và Facebook cũng sẽ được yêu cầu công bố các đề xuất về cách họ sẽ xác nhận nội dung tin tức gốc tự sản xuất và phải cung cấp quyền kiểm duyệt cho các công ty truyền thông hoặc “tắt” các bình luận đối với những bài viết mang tính cá nhân.
Bộ trưởng Ngân khố sẽ áp dụng hình phạt nặng nếu những tập đoàn công nghệ vi phạm Bộ quy tắc, cụ thể như phạt “10 triệu USD cho mỗi lần vi phạm hoặc phạt gấp ba lần lợi ích thu được, hoặc 10% doanh thu hàng năm, tùy theo số tiền phạt nào lớn hơn”.
“Chúng tôi muốn các công ty công nghệ tuân theo các điều khoản. Chúng tôi muốn các công ty này phải phù hợp với luật pháp của chúng tôi. Chúng tôi muốn có sự công bằng. Và đó là những gì thúc đẩy chúng tôi tiến tới Bộ quy tắc bắt buộc này”, ông Frydenberg nói.
Tác giả: Daniel Y.Teng