Úc, Nhật Bản có khả năng ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc gia nhập Hiệp ước Thương mại Thái Bình Dương
Úc và Nhật Bản có thể sẽ phản đối nỗ lực tham gia của Trung Quốc vào một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới trừ khi nước này tạm dừng chiến dịch cưỡng bức kinh tế nhắm vào hàng xuất cảng của Úc và tái lập lại quan hệ ngoại giao.
Hôm 16/09, Bắc Kinh thông báo đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong một bức thư gửi Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O’Connor.
CPTPP đã được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018 và chiếm 13.4% GDP toàn cầu.
Các thành viên tiềm năng (bao gồm Vương quốc Anh và Thái Lan) chỉ có thể được gia nhập với sự ủng hộ nhất trí của tất cả các thành viên hiệp ước, bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam.
Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cho biết Trung Quốc không thể tham gia CPTPP cho đến khi các thành viên thấy thuyết phục về “hồ sơ tuân thủ” đối với các hiệp định thương mại hiện có và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông nói với Weekend Australian của Newscorp, điều đó cũng đòi hỏi Bắc Kinh tái lập đối thoại cấp cao với Úc.
Ông Tehan nói: “Các bên CPTPP cũng muốn tự tin rằng một ứng viên gia nhập sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết theo hiệp định này một cách thiện chí.”
“Như chúng tôi đã bày tỏ với Trung Quốc, đây là những vấn đề quan trọng đòi hỏi sự tham gia của cấp bộ trưởng.”
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura lặp lại những bình luận của ông Tehan.
Ông nói với các phóng viên hôm 17/09 rằng, “Nhật Bản tin rằng cần phải xác định xem liệu Trung Quốc, quốc gia đã đệ trình yêu cầu tham gia TPP-11, đã sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cực kỳ cao của tổ chức này hay chưa.”
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Kenji Nakanishi đã gợi ý trên Twitter cùng ngày rằng các công ty con của Bắc Kinh trong các doanh nghiệp nhà nước và việc áp dụng luật tùy tiện của nước này sẽ cản trở nỗ lực gia nhập CPTPP.
Ông viết trong một bài đăng trên Twitter: “Trung Quốc… đang rời xa thế giới tự do, công bằng và minh bạch cao của TPP, cơ hội gia nhập gần bằng 0. Hành động này có thể được coi là một động thái ngăn cản Đài Loan gia nhập.”
Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết bộ này không thể bình luận trực tiếp về nỗ lực này của Trung Quốc nhưng lưu ý: “Chúng tôi mong đợi các hành vi thương mại phi thị trường của Trung Quốc và việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế đối với các nước khác sẽ được các bên của CPTPP tính đến trong việc đánh giá Trung Quốc như một ứng cử viên tiềm năng gia nhập [tổ chức này].”
Kể từ tháng 04/2020, Úc đã vượt qua một chiến dịch cưỡng bức thương mại đang diễn ra từ Bắc Kinh sau khi Ngoại trưởng Marise Payne kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Đại sứ Trung Quốc tại Canberra Cheng Jingye, người đã cảnh báo về hành động có khả năng chống lại mối quan hệ thương mại của Úc với Trung Quốc.
Trong những tháng tiếp theo, Trung Cộng đã thực hiện một loạt lệnh cấm, đình chỉ và các rào cản pháp lý đối với xuất cảng than, rượu vang, thịt bò, lúa mạch, tôm hùm, gỗ, thịt cừu và bông của Úc sang nước này.
Bộ trưởng Bộ Ngân khố Úc Josh Frydenberg đã chia sẻ rằng kết quả là xuất cảng thương mại giảm 5.4 tỷ USD trong năm tính đến quý của tháng Sáu. Tuy nhiên, ông nói với Diễn đàn Lãnh đạo Crawford của Đại học Quốc gia Úc hôm 06/09 rằng: trong cùng thời gian, “xuất cảng những mặt hàng đó sang phần còn lại của thế giới đã tăng 4.4 tỷ USD.”
Bên cạnh việc đa dạng hóa thương mại sang các quốc gia khác, Úc đã đưa ra hai hành động thông qua WTO đối với việc áp thuế quan lên rượu vang và lúa mạch.
Bắc Kinh đã đáp trả bằng một loạt các hành động của WTO đối với thuế quan của Úc được áp dụng vài năm trước đối với hàng hóa Trung Quốc gồm thuế nhập cảng tháp gió vào năm 2014 (trị giá 10.9%), bánh xe đường sắt vào năm 2015 (17.4%) và bồn rửa bằng thép không gỉ vào năm 2019 (60.2%).
Bộ trưởng Tài chính Úc Simon Birmingham gọi động thái đáp trả của Bắc Kinh là “đê tiện”.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: