Úc – Hoa Kỳ hợp tác phát triển vũ khí siêu thanh trong cuộc chạy đua vũ trang với Nga, Trung Quốc
Tên lửa hành trình siêu thanh di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh đang tiến thêm một bước nữa để trở thành một phần trong kho vũ khí của Úc.
Tuần trước, Úc và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận mới để hợp tác phát triển và thử nghiệm các nguyên mẫu tên lửa hành trình siêu thanh. Khi hoàn thành, tên lửa sẽ có thể di chuyển quãng đường từ Sydney đến Melbourne chỉ trong bảy phút.
Tên lửa khó bị ngăn chặn không chỉ vì tốc độ của chúng mà còn vì khả năng vượt qua các hệ thống radar bằng cách lướt dọc theo rìa khí quyển. Vũ khí siêu thanh này cũng có thể thay đổi lộ trình giữa chuyến bay. Các vũ khí này dự kiến sẽ được trang bị cho các máy bay chiến đấu của Úc.
Các cam kết phát triển vũ khí được đưa ra sau khi Thủ tướng Scott Morrison công bố bản Cập nhật Chiến lược cải tiến vào tháng 7 để chuẩn bị cho đất nước đối phó với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “nghèo hơn, nguy hiểm hơn và mất trật tự hơn”. Sự phát triển sẽ được thực hiện bởi trung tâm Southern Cross Intergrated Flight Research Experience (SCIFiRE).
Bà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Linda Reynolds cho biết việc duy trì lợi thế công nghệ của Úc là chìa khóa cho bản Cập nhật Chiến lược. “Tôi rất vui khi thấy thỏa thuận này có kết quả sau các cuộc thảo luận của tôi với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó là Esper trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 7 năm nay,” bà Reynolds nói.
Bà nói thêm: “Tại AUSMIN, chúng tôi thừa nhận vai trò độc nhất của quan hệ đối tác quốc phòng trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh, và khẳng định giá trị của sự hợp tác song phương về [vũ khí] siêu âm.”
Chương trình SCIFiRE dựa trên hơn 15 năm hợp tác giữa Úc và Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ về máy bay siêu thanh, động cơ tên lửa, cảm biến và vật liệu sản xuất tiên tiến.
Bà Reynolds cho biết cuộc thử nghiệm sẽ lên đến đỉnh điểm khi tổ chức các cuộc trình diễn trên máy bay, nhằm cho biết hiệu suất của vũ khí trong các điều kiện hoạt động. Điều này sẽ quyết định bất kỳ thương vụ mua lại nào trong tương lai.
“Chúng tôi vẫn cam kết vì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như vì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở, hòa nhập và thịnh vượng.”
Ông Michael Shoebridge thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc cho rằng các bước đi mới nhất là “đáng khích lệ sâu sắc” và quá trình này đang “chuyển nhanh sang quá trình phát triển và sản xuất tên lửa thực tế”.
“Tên lửa siêu thanh là một vũ khí quân sự mạnh mẽ vì các biện pháp đối phó với vũ khí di chuyển nhanh như vậy là rất khó. Thời gian phản ứng để phòng thủ hoặc điều động ra khỏi tên lửa là rất ngắn”, ông nói với The Epoch Times. “Cùng với điều này, tác động động lực học đơn giản của một tên lửa bắn trúng đích sẽ có sức hủy diệt rất lớn (kết hợp với đầu đạn chỉ tăng thêm tính sát thương).”
“Nên nắm bắt bất kỳ cơ hội nào để rút ngắn thời gian cung cấp những tên lửa mới này cho quân đội Úc và Hoa Kỳ, bởi vì môi trường an ninh đang xấu đi ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đòi hỏi những năng lực như vậy để ngăn chặn xung đột – và chiến thắng xung đột nếu việc ngăn chặn thất bại,” ông nói thêm.
Trung Cộng đã nhanh chóng bắt kịp cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh bằng cách mua đầu đạn từ Nga. Theo ông Mark Lewis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng và kỹ thuật hiện đại hóa tại Ngũ Giác Đài, mặc dù nghiên cứu về siêu thanh bắt nguồn từ Hoa Kỳ, nhưng chính Nga mới là quốc gia phát triển được những vũ khí có đầy đủ chức năng và kho vũ khí.