Úc đẩy lùi tuyên truyền từ các nhà báo gián điệp của Bắc Kinh
Chính phủ Úc đang đẩy lùi các hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Peter Dutton đã cảnh báo rằng các nhà báo nước ngoài ở Úc sẽ phải đối mặt với sự giám sát của các cơ quan liên bang nếu họ đưa ra “cái nhìn thiên lệch về một cộng đồng cụ thể”.
“Nếu mọi người ở đây với tư cách là nhà báo và họ đưa tin tức một cách công bằng thì điều đó không sao cả”, ông Dutton nói với chương trình Insiders của ABC vào ngày 13/9.
“Nếu mọi người giả mạo là nhà báo hoặc lãnh đạo doanh nghiệp hoặc bất cứ ai, và có bằng chứng cho thấy họ đang hành động trái với luật pháp Úc, thì ASIO và Cảnh sát Liên bang Úc cùng các cơ quan khác sẽ hành động”, ông nói thêm.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi có những tiết lộ vào ngày 10/9 rằng, 4 công dân Trung Quốc đã bị cấm tái nhập cảnh vào Úc. Động thái này tiếp theo sau các cuộc vây bắt bất ngờ của Cảnh sát Liên bang Úc và Tổ chức An ninh và Tình báo Úc (ASIO) vì những lo ngại về hoạt động can thiệp và gián điệp của nước ngoài.
Bà Tao Shelan, một trong những công dân Trung Quốc dính líu đến các cuộc vây bắt, là giám đốc văn phòng Australia của Dịch vụ Tin tức Trung Quốc (China News Service) — cơ quan truyền thông nhà nước lớn thứ hai của Bắc Kinh sau Tân Hoa xã.
Dịch vụ Tin tức Trung Quốc là một trong 9 tổ chức truyền thông do Bắc Kinh hậu thuẫn mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định là một phái bộ nước ngoài, có nghĩa là họ “thuộc sở hữu phần lớn hoặc được kiểm soát hiệu quả” bởi một quốc gia khác.
Phán quyết của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cuối cùng đã xóa bỏ mọi quan điểm cho rằng Dịch vụ Tin tức Trung Quốc là một thực thể độc lập.
Dịch vụ này được kiểm soát bởi Phòng Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD), cơ quan xâm nhập nước ngoài hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). UFWD được biết đến rộng rãi khi có liên quan đến sự sụp đổ của cựu Thượng nghị sĩ Đảng Lao động Sam Dastyari.
Dịch vụ Tin tức Trung Quốc là cánh tay truyền thông của UFWD và đóng một vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng quan hệ đối tác với các hãng truyền thông nước ngoài, nhằm mục đích cung cấp nội dung miễn phí, bao gồm tài liệu đã được phê duyệt trước từ Bắc Kinh.
Hiện tại, nó xuất bản hơn 200 ấn phẩm bằng tiếng Trung trên toàn cầu. Tại Úc, nó điều hành Tập đoàn Truyền thông Thái Bình Dương vượt ra khỏi phạm vi thành phố Melbourne.
Các nhà lãnh đạo từ Dịch vụ Tin tức Trung Quốc và UFWD cũng đã chủ trì Diễn đàn Truyền thông tiếng Trung toàn cầu hai năm một lần. The Epoch Times tiết lộ rằng hội nghị này là một sự kiện lớn, với sự tham dự của những quan chức “nặng ký” trong ĐCSTQ. Những quan chức này muốn giao lưu với hàng trăm quản lý cao cấp và chủ sở hữu kênh truyền thông từ khắp nơi trên thế giới.
Bà Tao đã tham dự các diễn đàn hai lần. Vào năm 2019, bà là thành viên của phái đoàn gồm 37 thành viên trình độ cao đến từ Úc.
Hôm 28/8, Quyền Bộ trưởng Nhập cư Alan Tudge đã cảnh báo rằng các thế lực nước ngoài đang tìm cách “gia tăng chia rẽ” ở Úc và “gieo rắc sự ngờ vực” trong chính phủ và các tổ chức.
Ông Tudge đặc biệt lo ngại về phạm vi hoạt động của các yếu tố nước ngoài trong các cộng đồng đa văn hóa và cảnh báo rằng “thông tin hoặc tuyên truyền ác ý” có thể lan truyền thông qua các phương tiện truyền thông thiểu số, bao gồm cả các hãng tin do các công ty nhà nước “kiểm soát hoặc tài trợ”.
Các thành viên trong cộng đồng có trình độ tiếng Anh kém được coi là rất dễ bị tổn thương.
Tác giả: Daniel Y. Teng