Úc công bố báo cáo tiết lộ các chiêu thuật ngoại giao của Bắc Kinh
Trong mười năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sử dụng các chiến thuật ngoại giao “vùng xám” để thao túng các chính phủ và công ty nước ngoài.
Trong báo cáo mới của mình được công bố vào ngày 1/9, có tiêu đề “Chính sách ngoại giao cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Viện Chính sách Chiến lược Úc đã công bố các chiến thuật ngoại giao mà chính quyền Trung Quốc thường sử dụng nhằm buộc các quốc gia thay đổi cách cư xử của họ đối với Bắc Kinh.
Ngoại giao cưỡng bức bao gồm tám biện pháp khác nhau, bao gồm trừng phạt thương mại kinh tế, hạn chế đầu tư, cấm du lịch và tẩy chay. Các biện pháp phi kinh tế bao gồm giam giữ tùy tiện, hành quyết người nước ngoài đến từ quốc gia bị nhắm làm mục tiêu, hạn chế đi lại chính thức và các mối đe dọa do nhà nước ban hành.
Trong mười năm qua, trên thế giới, ĐCSTQ đã triển khai các thủ đoạn ngoại giao cưỡng bức 100 lần đối với 27 quốc gia bao gồm các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand và các nước Đông Á; 52 lần đối với các công ty nước ngoài — với mức tăng mạnh kể từ năm 2018.
Ví như tại Úc, nước này đã chứng kiến sự leo thang của các chiến thuật ngoại giao cưỡng bức trong tám tháng qua kể từ khi chính phủ Úc kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus Vũ Hán. Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra và lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney đã gửi các lời đe dọa và cảnh báo tới chính phủ Úc. Chính quyền Trung Quốc cũng áp các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các ngành công nghiệp lúa mạch, thịt bò, du lịch và giáo dục đại học của Úc.
Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc, những chiến thuật cưỡng bức này chỉ dừng lại khi quốc gia bị nhắm đến nhượng bộ Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế.
Như trường hợp của Na Uy. Sau khi Na Uy trao giải Nobel cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba vào năm 2010, mối quan hệ giữa nước này với ĐCSTQ đã có sự rạn nứt. Bắc Kinh đã thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với cá hồi Na Uy.
Sau sáu năm, mối quan hệ giữa Na Uy và chính quyền Trung Quốc được cải thiện khi Na Uy thay đổi chính sách và thể hiện sự ủng hộ đối với Bắc Kinh như từ chối gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2014, công khai ủng hộ chính sách “Một trẻ em” và ủng hộ Trung Quốc trở thành quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực vào năm 2013.
Tác giả: Victoria Kelly-Clark