Úc chặn Trung Quốc với thương vụ mua lại công ty viễn thông tại Nam Thái Bình Dương trị giá 1.6 tỷ USD
Chính phủ liên bang Úc và đại công ty viễn thông Telstra đã kích hoạt thương vụ mua lại 1.6 tỷ USD (2.1 tỷ AUD) một doanh nghiệp viễn thông di động hàng đầu ở Nam Thái Bình Dương trong bối cảnh lo ngại Bắc Kinh có thể can dự và củng cố chỗ đứng của mình trong khu vực này.
Hôm 25/10, chính phủ Úc và Telstra đã công bố quyết định mua lại Digicel Pacific, công ty cung cấp dịch vụ mạng và di động trên khắp Papua New Guinea, Nauru, Samoa, Vanuatu, Tonga, và Fiji – một số nước láng giềng thân cận nhất của Úc.
Hiện tại, Bắc Kinh có quan hệ bền chặt với nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương.
Thỏa thuận sẽ chứng kiến chính phủ liên bang thực hiện hầu hết các công việc khó khăn ban đầu, tài trợ 1.33 tỷ USD (1.7 tỷ AUD) cho giá chào bán thông qua cơ quan tín dụng xuất cảng của mình, Export Finance Australia. Telstra sẽ bỏ vào 270 triệu USD (361 triệu AUD) và sẽ sở hữu 100% Digicel Pacific sau khi hoàn tất thương vụ.
Trong một tuyên bố chung, Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne, Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Zed Seselja cho biết họ kỳ vọng [thu được] lợi nhuận lâu dài từ thương vụ mua lại.
Họ nói: “Digicel Pacific là một nhà cung cấp viễn thông thành công và đang phát triển ở Thái Bình Dương trong 15 năm qua. Việc mua lại của Telstra gửi đi một tín hiệu quan trọng về tiềm năng của công ty và về lòng tin về hoạt động kinh doanh rộng lớn hơn trong tương lai của khu vực Thái Bình Dương”.
“Việc mua lại cũng phản ánh cam kết của chính phủ, trong khuôn khổ chương trình Bước tiến Thái Bình Dương, nhằm ủng hộ phát triển cơ sở hạ tầng an toàn và đáng tin cậy trong khu vực, vốn rất trọng yếu đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực Thái Bình Dương”.
Ông Andy Penn, Giám đốc Điều hành của Telstra, cho biết đây là một “cơ hội thương mại độc đáo và rất hấp dẫn”.
Ông nói trong một thông cáo báo chí: “Với 1,700 nhân viên và khoảng 2.5 triệu thuê bao từ khách hàng bán lẻ đến các doanh nghiệp lớn, Digicel Pacific là công ty viễn thông số một ở Papua New Guinea, Nauru, Samoa, Tonga và Vanuatu, và số hai ở Fiji”, lưu ý rằng doanh nghiệp đã tạo ra doanh thu 233 triệu USD trong năm tài chính kết thúc hôm 31/03/2021.
Hành động của Úc diễn ra trong bối cảnh lo ngại một doanh nghiệp do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, như China Mobile, có thể xâm nhập và mua lại công ty này, vốn được thành lập vào năm 2006 bởi doanh nhân người Ireland Denis O’Brien.
Các quốc gia như Papua New Guinea chỉ nằm cách đất liền của Úc 150 km về phía bắc, khiến các chuyên gia quốc phòng lo ngại rằng nước này có thể tạo cho Bắc Kinh một trung tâm để thực hiện các hoạt động giám sát nhắm vào các mạng dữ liệu.
Theo ông Rob Nicholls, giáo sư phụ tá về quy định và quản trị tại Đại học New South Wales, việc tiến vào thị trường mạng di động của khu vực sẽ là một bước đi mới đối với Telstra của Úc.
Ông lưu ý rằng thỏa thuận này là “bất thường” vì chính phủ đang trả một phần đáng kể giá mua.
Ông nói với The Epoch Times hôm 25/10, “Chính phủ Úc đang cung cấp một khoản trợ cấp cho khoản tiền này. Hậu quả là người nộp thuế đang trợ cấp cho thương vụ mua lại của Telstra mà không có trách nhiệm pháp lý nào đối với Telstra để hoàn trả khoản chênh lệch đó”.
“Không hẳn đây sẽ là một ‘con voi bạch tạng’ … Trên thực tế, chi phí đi vay cho Telstra sẽ là lãi suất phi rủi ro, và Khối thịnh vượng chung sẽ nhận được lợi tức tương đương với một đợt phát hành trái phiếu”.
Ông Nicholls lưu ý trước đây rằng Telstra được tiếp cận bởi vì nó là một trong những công ty viễn thông thuộc sở hữu của Úc lớn nhất trong nước, với các đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nó, Optus và Vodafone, là sở hữu nước ngoài.
Ông Michael Shoebridge, giám đốc quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết thỏa thuận mua Digicel Pacific có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố ảnh hưởng của Úc trong khu vực này.
Ông nói với The Epoch Times rằng, “Việc mua lại củng cố tất cả các mục tiêu của chương trình ‘Bước tiến Thái Bình Dương’ của chính phủ cũng như chương trình ‘Tái lập Thái Bình Dương’ của chính phủ New Zealand, cũng như trông giống như một nước đi thương mại tốt”, đồng thời lưu ý Digicel cũng kiểm soát các kênh truyền thông chính trong khu vực.
Nam Thái Bình Dương là trung tâm của cuộc chiến giằng co đang diễn ra giữa các đồng minh dân chủ và Bắc Kinh.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã sử dụng một số sáng kiến để giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo các Đảo Thái Bình Dương, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ngoại giao vaccine, và các cơ hội giao thương.
Các quốc gia Thái Bình Dương đã phản ứng khác nhau, với một số quốc gia có quan hệ với Bắc Kinh và các quốc gia khác thẳng thừng phản đối thương vụ này.
Hồi tháng Bảy, Thủ tướng Samoan Fiame Naomi Mata’afa đã đứng ra cam kết loại bỏ một dự án phát triển cảng BRI trị giá 100 triệu USD gần thủ đô của quốc gia này, nói rằng dự án quá lớn so với nhu cầu của hòn đảo.
Trong khi đó, chính phủ Úc cũng đã khởi động sáng kiến Bước tiến Thái Bình Dương nhằm chống lại quyền bá chủ ngày càng tăng của Bắc Kinh, bao gồm tài trợ vaccine, tăng cường can dự thông qua ngoại giao thể thao, ảnh hưởng văn hóa, và hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trong đó có khoản vay 68 triệu AUD gần đây để hỗ trợ nâng cấp cho phi trường quốc tế của Fiji.
Do Daniel Y. Teng thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: