Úc cần tách rời khỏi Trung Quốc trước bóng mờ của “chiến tranh lạnh lần thứ 2”
Một chiến lược gia quốc tế đã nói trong cuộc điều tra của quốc hội rằng Úc sẽ cần phải xây dựng khả năng “phục hồi” mạnh mẽ hơn và ít “phụ thuộc” hơn vào Trung Quốc, vì trong tương lai gần, thế giới có thể sẽ chia thành hai khối chính trị lớn giống như thời Chiến tranh Lạnh, một khối sẽ lấy Hoa Thịnh Đốn và các quốc gia dân chủ làm trọng điểm. Khối còn lại là các quốc gia lấy Bắc Kinh và tham vọng của Tập Cận Bình làm trọng tâm.
Phát biểu với Ủy ban Thường vụ Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại vào ngày 2/7, ông Alan Dupont, Giám đốc điều hành Tập đoàn Cognoscenti, cho biết căng thẳng kinh tế và chính trị gia tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh liên quan đến chiến tranh thương mại, Đài Loan và Biển Đông sẽ đẩy nhanh sự tách rời các nền kinh tế thế giới và chứng kiến sự hình thành của hai khối chính trị.
Ông Dupont, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế, cho biết Bắc Kinh có thể sẽ lãnh đạo một nhóm người “độc đoán”, bao gồm các nước như Nga, Iran, Bắc Hàn và các nước đến từ Trung Á, Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay với Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong cuộc gặp song phương tại Thượng Hải vào ngày 21/5/2014. (Ảnh: Alexey Druzhinin/AFP/Getty Images)
Khối còn lại sẽ bao gồm các nền dân chủ đến từ Bắc Mỹ, Châu Âu và một phần của Châu Mỹ La tinh và Châu Phi. Ông lưu ý rằng Úc chắc chắn nên đứng về phía Hoa Kỳ.
Ông Dupont thừa nhận rằng các mối quan hệ thương mại hiện nay sẽ dẫn đến điều mà ông gọi là “Chiến tranh Lạnh II, chính là hướng chúng ta đang tiến tới”. Sẽ có “rất nhiều sự dịch chuyển trong quá trình phân nhóm” như chiến tranh lạnh thời đầu (1947 – 1991), mà thời đó cho thấy thương mại chỉ giới hạn trong từng khối chính trị.
Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra sự chia rẽ, ông Dupont lưu ý rằng các quốc gia không có khả năng “đi nước đôi” với cả hai khối; Việc chọn một bên là điều không thể tránh khỏi.
Ủy ban Quốc hội Úc đang xem xét những hệ lụy do dịch virus Trung Cộng gây ra đối với các vấn đề đối ngoại, quốc phòng, và thương mại của Úc. Đồng thời xem xét các vấn đề liên quan đến những kẽ hở trong chuỗi cung ứng và các mối quan hệ thương mại quốc tế.
Úc cần khắc phục ‘những kẽ hở’ trong lúc tách rời khỏi Bắc Kinh
Ông Dupont kêu gọi Úc nên kiểm tra lại những kẽ hở trong chuỗi cung ứng của mình. Ông cho biết: “Theo quan điểm của tôi, sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc đối với một loạt các công nghệ và hàng hóa quan trọng đã khiến trách nhiệm an toàn bảo mật trở nên trọng yếu, và điều đó cần phải được xem xét lại”.
Kể từ tháng 4 năm nay, Úc đã bị cô lập trong một tranh chấp thương mại do Bắc Kinh khởi xướng, trong đó Trung Quốc áp thuế 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc, cấm nhập khẩu thịt bò từ bốn lò mổ, và khuyên các nhà máy điện địa phương Trung Quốc không mua than Úc.
Các chính trị gia Úc cũng kêu gọi nước này nên tách rời nhiều hơn và ít phụ thuộc hơn vào thị trường Trung Quốc.
Theo bản báo cáo đệ trình của ông Dupont nêu: “Trung Quốc đã áp dụng phương thức “tách rời” trong nhiều năm nay, bằng cách cẩn thận tránh sự phụ thuộc, tạo ra các rào cản bảo hộ thương mại, và tự định vị để kiểm soát các khu vực chiến lược của nền kinh tế – từ đất hiếm và dược phẩm tới quy trình sản xuất tiên tiến.”
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất động cơ vi mô tại một nhà máy ở Hồ Bắc vào ngày 23/6/2018. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Hơn nữa, ông Dupont nói với Ủy ban này rằng Trung Quốc đã không nhận được “phản ứng đủ mạnh” để phản đối những hành động của họ, để tình hình không tiếp tục diễn biến tệ hơn.
“Cần đầu tư đáng kể. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ mất đi những hiệu quả nhất định, và chúng ta sẽ phải đánh đổi sự mất mát đó để phục hồi khả năng của chúng ta,” ông Dupont nói.
Theo báo cáo: “Một số mức độ tách rời kinh tế sẽ không thể tránh khỏi và thực sự cần thiết để duy trì tính toàn vẹn của một hệ thống thương mại mở, mạnh mẽ, các giá trị dân chủ, tự do, và các thể chế.”
“Đây không phải là một sự đóng cửa giao thương, mà là sự xét lại cơ cấu tổ chức và các quy tắc cũng như những sự phụ thuộc lẫn nhau. Điều đó phải được thực hiện với dao mổ của một chuyên gia phẫu thuật, chứ không phải bằng chiếc búa của người thợ rèn.
An Nam
———————————————————————————————————————