Úc cần có biện pháp răn đe nguyên tử trước đe dọa ném bom của Trung Quốc
Gần đây, thông tấn Trung Quốc đã đe dọa một cuộc tấn công quân sự vào nước Úc bằng oanh tạc cơ và hỏa tiễn tầm xa H-6K. Đe dọa này được đưa ra vào đúng ngày thủ tướng Úc bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan và nói rằng, “Chúng tôi luôn ủng hộ tự do ở khu vực Thái Bình Dương.”
Đe dọa mới nhất của Trung Quốc, do Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) đưa ra vào ngày 07/05, tiết lộ Úc có thể bị tấn công quân sự trước một Trung Quốc lớn mạnh về nguyên tử. Thời báo Hoàn cầu được đặt dưới quyền kiểm soát của Trung Cộng.
Lời đe dọa mà ông Hồ đưa ra đồng nhất với cung cách gây hấn của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đồng minh nên ngay lập tức hỗ trợ Úc có được tàu chiến ngầm ngăn chặn nguyên tử, để Úc có thể tham gia cùng các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Anh Quốc, và Ấn Độ với tư cách là những người bảo vệ quyền tự do và dân chủ trên toàn cầu. Sức mạnh độc lập của từng thành viên trong liên minh nâng cao sức mạnh tổng thể của liên minh.
Úc ít có cơ hội để tiến hành vũ khí nguyên tử, và việc Trung Quốc ngày càng mạnh và thể hiện quyền bá chủ khu vực càng khiến cho việc Úc sở hữu [vũ khí] nguyên tử riêng là không khả thi. Điều này cho thấy trong khoảng 5 đến 10 năm nữa, cánh cửa cơ hội sẽ đóng lại, và Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí nguyên tử hiệu quả hơn, kiểm soát các vùng biển Á Châu, kiểm soát ngoại giao, và dùng sức mạnh thương mại kinh tế để tách Úc ra khỏi các đồng minh và đặt Úc dưới sự thống trị của Bắc Kinh.
NATO nên hoan nghênh Úc gia nhập liên minh với tư cách là một thành viên chính thức, trước khi Trung Quốc có cơ hội tạo ra tranh chấp lãnh thổ; lúc đó việc gia nhập của Úc sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu Hoa Thịnh Đốn chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh, Hiệp định an ninh song phương Hoa Kỳ–Úc sẽ không thể giúp gì cho sự phòng thủ của Úc.
NATO không còn là một liên minh quân sự thuần túy ở Đại Tây Dương trước sự toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hiện nay tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn các đồng minh thân cận nhất của chúng ta không phải là địa lý, mà là các giá trị chung ủng hộ nền dân chủ, cũng như việc kêu gọi nhiều đồng minh hơn, bao gồm các nước như Saudi Arabia và Việt Nam; điều đó sẽ củng cố liên minh trong việc chống lại quyền lực ngày càng bành trướng của Bắc Kinh. Ngày nay, Trung Quốc có các đối tác đồng minh mạnh mẽ ở Nga, Iran, và Bắc Hàn. Việc hoan nghênh các nước như Saudi Arabia, Việt Nam, và các cường quốc chuyên quyền khác trở thành đồng minh với các nền dân chủ không chỉ khiến họ không quay lưng chống chúng ta mà còn làm tăng sức mạnh của tất cả chúng ta.
Bài báo của Thời báo Hoàn cầu bao gồm một bức ảnh nổi bật về một phi cơ ném bom nguyên tử H-6K đang bay trong đội hình với hai chiến đấu cơ Su-35 của quân đội Trung Quốc. Chú thích dưới ảnh ghi rằng Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân đã tiến hành “huấn luyện tuần tra trên đảo Đài Loan của Trung Quốc hôm thứ Sáu (07/05).” Các phi cơ này đã bay qua Kênh Bashi (Bashi Chanel) lần đầu tiên, đánh dấu một “bước đột phá mới trong mô hình tuần tra trên đảo.” Trung Quốc gần như đe dọa chủ quyền của Đài Loan hàng ngày bằng các chuyến bay chiến đấu cơ buộc Đài Loan phải đáp trả, và việc phòng thủ này làm phản lực cơ của họ suy yếu. Trung Quốc cũng thường xuyên đẩy ranh giới trên bộ, trên biển và trên không đối với Nhật Bản, Ấn Độ, Bhutan, Myanmar (Miến Điện), Việt Nam, và Philippines. Điều này có thể sớm xảy ra với Úc.
“Cho dù diều hâu Úc tiếp tục cường điệu hoặc ám chỉ rằng Úc sẽ hỗ trợ quân đội Hoa Kỳ và tham gia chiến tranh khi xung đột quân sự nổ ra ở eo biển Đài Loan, và các hãng thông tấn Úc đã tích cực tán dương thiện chí này, tôi đề nghị Trung Quốc nên có kế hoạch áp đặt trừng phạt trả đũa đối với Úc một khi nước này can thiệp quân sự vào tình hình hai bờ eo biển,” ông Hồ viết. Do đó, ông cho rằng Trung Quốc có quyền tấn công Úc, và tin chắc rằng cuộc chiến giành Đài Loan sẽ xảy ra, chỉ có điều là vào lúc nào mà thôi.
Ông Hồ viết: “Kế hoạch [tấn công Úc] sẽ có các vũ khí tấn công tầm xa vào các cơ sở quân sự và các cơ sở quan trọng có liên quan trên đất Úc nếu nước này thực sự gửi quân đội đến các khu vực ngoài khơi của Trung Quốc và chiến đấu chống lại Quân đội giải phóng Nhân dân. Nếu họ [diều hâu Úc] đủ can đảm để phối hợp với Hoa Kỳ can thiệp quân sự vào vấn đề Đài Loan và gửi quân đội đến eo biển Đài Loan để gây chiến với Quân đội giải phóng Nhân dân, họ phải biết họ sẽ gây ra những thảm họa gì cho đất nước của họ.”
Những lời lẽ mang tính sát thương của thời báo Hoàn cầu theo sau việc hạ nhục Úc và toàn bộ Liên minh Ngũ nhãn (Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, và New Zealand) như một “trục của người da trắng tối thượng.” Cách mô tả đặc trưng này rõ ràng là sai do bản chất đa sắc tộc của ban lãnh đạo các nền dân chủ này, bao gồm cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Phó Tổng thống Hoa Kỳ hiện tại Kamala Harris, và Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand hiện tại Nanaia Mahuta. Tuy nhiên, lời cáo buộc này sẽ sáng tỏ dựa trên lịch sử thuộc địa của các quốc gia thuộc Liên minh Ngũ nhãn, với những nỗ lực công khai và đáng khen ngợi hiện nay của họ trong việc chống lại phân biệt chủng tộc trong phạm vi đất nước họ.
Ngược lại, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên đầy quyền lực của Trung Quốc đều là những nam tử hán kiên quyết phủ nhận sự tồn tại của nạn phân biệt chủng tộc ở Trung Quốc, cũng là những người đồng thời tham gia vào cuộc diệt chủng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ của họ. Do đó, “vấn nạn ưu thế chủng tộc” thực sự không nằm giữa Liên minh Ngũ nhãn, mà là giữa Bắc Kinh và Moscow.
Úc không phải là quốc gia duy nhất cần có lực lượng ngăn chặn nguyên tử độc lập và là thành viên của NATO. Một logic tương tự cũng áp dụng cho các nền dân chủ khác, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, New Zealand, Ukraine, và Gruzia, đang bị đe dọa từ các nhà độc tài vũ khí nguyên tử hùng mạnh. Tất cả các quốc gia này nên được khuyến khích gia nhập NATO và có được các biện pháp ngăn chặn nguyên tử độc lập với tàu chiến ngầm.
NATO cũng nên tự củng cố sức mạnh bằng cách khuyến khích các thành viên dân chủ và mạnh nhất của mình, bao gồm Đức, Ý, và Canada, có được các lực lượng ngăn chặn nguyên tử độc lập. Không quốc gia nào có thể hoàn toàn dựa vào một quốc gia khác để phòng thủ chống lại kẻ thù được trang bị vũ khí nguyên tử. Việc thường xuyên vi phạm hợp đồng giữa các đồng minh dân chủ, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Canada, Anh và Liên minh Âu Châu, Ý và Ireland, về vaccine và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) trong đại dịch COVID-19, chứng tỏ rằng ngay cả các nền dân chủ cũng vi phạm các thỏa thuận với nhau về các vấn đề ít gây hậu quả hơn nhiều so với xung đột quân sự trong thời đại nguyên tử.
Chỉ các nền dân chủ mới nên có vũ khí nguyên tử, bởi vì chỉ các nền dân chủ mới có tính hợp pháp chủ quyền mà sự tham gia chính trị tự do và rộng rãi đem lại, và điều đó có xu hướng (nhưng không may là không phải lúc nào cũng) hạn chế việc sử dụng các loại vũ khí đó chống lại các mục tiêu dân sự. Nhưng các nền dân chủ nên bảo vệ các đồng minh dưới chế độ chuyên quyền, ví dụ như Saudi Arabia, nước đang chịu áp lực quân sự từ Iran; và Việt Nam, nước đang chịu sự đe dọa từ Trung Quốc. Việc duy trì sự đa dạng chính trị toàn cầu đòi hỏi phải bảo vệ các chế độ chuyên quyền kém quyền lực hơn, với những thất bại của họ trước lời đe dọa từ chế độ chuyên quyền mạnh hơn. Các đồng minh đó cuối cùng sẽ trải qua một tiến trình phát triển chính trị tự nhiên và hòa bình theo hướng dân chủ và cải thiện nhân quyền.
Các nền dân chủ không chỉ phải tự vệ, mà còn phải có hệ thống quốc tế đa dạng quốc gia, để ngăn Trung Quốc và Nga tạo ra một liên minh đủ mạnh để đưa các quốc gia kém quyền lực hơn trên thế giới vào kế hoạch bá chủ khu vực, dẫn đến sự mất ổn định và bị Balkan hóa của hệ thống quốc tế dựa trên quy tắc sau năm 1945. Các quốc gia đang bị đe dọa bởi những kẻ bá quyền phi tự do đầy tham vọng này phải tập hợp lại với nhau trong một liên minh hùng mạnh, nhưng phải đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền của mình một cách độc lập.
Tác giả Anders Corr có bằng Cử nhân/Cao học về khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng Tiến sĩ về công quyền tại Đại học Harvard (2008). Ông là Hiệu trưởng trường Corr Analytics Inc., Nhà xuất bản Tạp chí Nguy cơ Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu, và Á Châu. Ông là tác giả của “The Concentration of Power” (sắp xuất bản năm 2021) và “No Trespassing,” đồng thời biên tập “Great Powers, Grand Strategies.”
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Anders Corr thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Xem thêm: