U sầu không vui? Trung Y có cách giúp bạn duy trì tâm trạng tốt
Trung Y luôn coi trọng sự tương tác giữa cảm xúc và cơ thể, nếu tạng phủ có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, mặt khác, cảm xúc không tốt cũng có thể ảnh hưởng đến tạng phủ.
Bài viết này sẽ chia sẻ sâu hơn về cách Trung Y điều trị chứng trầm cảm, giúp chúng ta tạm biệt tâm trạng tồi tệ.
Tâm trạng không tốt cũng có thể đến khám Trung y?
Tâm trạng không tốt là một thuật ngữ rất rộng, vì vậy Trung Y cũng sẽ xem xét liệu bệnh nhân có các vấn đề sinh lý khác hay không, và phán đoán một cách toàn diện là hội chứng nào gây ra chứng trầm cảm. Các loại hội chứng có thể dẫn đến trầm cảm bao gồm:
Can khí ngưng trệ: Ngoài tâm trạng không tốt, những người này còn hay cáu gắt, đau đầu và mất ngủ. Đối với loại hội chứng này, Trung y thường sử dụng các bài thuốc thông gan giải cảm, chẳng hạn như Sài Hồ Sơ Can Thang.
Tâm tỳ (tim lách) suy nhược: Ngoài chứng trầm cảm, người bệnh về đêm còn có thể có triệu chứng mất ngủ, tinh thần kém. Lúc này có thể dùng các bài thuốc giúp bổ tỳ dưỡng tim, chẳng hạn như Quy Tỳ Thang và Cam Mạch Đại Táo Thang.
Thận tinh suy nhược: Một số người mắc hội chứng này do thể chất bẩm sinh suy nhược hoặc mất nhiều khí huyết sau khi sinh nở. Họ dễ gặp các vấn đề như buồn bã, chậm chạp, sợ lạnh, hay quên hoặc đau lưng v.v. Về mặt trị liệu có thể dùng các phương thuốc bổ thận, ví dụ như Lục Vị Địa Hoàng Hoàn là một bài thuốc rất phổ biến.
Phế khí hư: Những người bị phế khí hư (công năng của tạng Phế giảm sút) thường có biểu hiện yếu ớt khi nói, do khí ở phổi luôn quá yếu và không thể lưu thông trơn tru trong cơ thể, lâu dần có thể khiến người ta cảm thấy ngột ngạt, và khó có thể cười ngay cả khi có chuyện vui. Lúc này, Trung y sẽ dùng cách dưỡng phế để điều hòa.
Có thể mọi người đều biết nhân vật Lâm Đại Ngọc đa sầu đa cảm trong “Hồng Lâu Mộng”. Cô ấy yếu ớt, thường xuyên bị mất ngủ và ho, những triệu chứng này cũng rất giống với các triệu chứng của bệnh phế khí hư.
Trung y chữa tâm trạng không vui như thế nào?
Rối loạn cảm xúc không chỉ ảnh hưởng đến tạng phủ mà còn ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn và giấc ngủ, nếu không có biện pháp can thiệp sớm sẽ có thể dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc là thiếu ngủ trầm trọng, rơi vào một vòng luẩn quẩn của bệnh tật. Tuy nhiên, nếu có thể nắm vững một vài nguyên tắc về thói quen sinh hoạt trước khi gặp bác sĩ, bạn không chỉ có thể cải thiện được tâm trạng mà còn giúp quá trình điều trị tiếp theo hiệu quả hơn.
Những lời khuyên nhỏ giúp xoa dịu cảm xúc
Thói quen sống lành mạnh là điều cơ bản nhất và cũng là quan trọng nhất (mặc dù có thể là khó đạt được nhất) để duy trì sự ổn định về cảm xúc. Vì vậy, trước khi chia sẻ các phương pháp chăm sóc sức khỏe khác, xin chia sẻ với mọi người 3 nguyên tắc quan trọng để có tâm trạng tốt:
Duy trì thói quen làm việc và nghỉ ngơi có quy củ
Làm việc và nghỉ ngơi có quy củ có thể duy trì hoạt động bình thường của tạng phủ. Ngược lại, nếu làm việc và nghỉ ngơi thường xuyên bị đảo lộn ngày đêm, hoặc bạn thường xuyên thức khuya để bù đắp cho ban ngày đi làm, nếu cơ thể hoạt động quá sức trong thời gian nghỉ ngơi, về lâu dài, chức năng của các cơ quan nội tạng có thể bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến tâm trạng.
Tập thể dục vừa phải
Ngoài việc cải thiện chất lượng giấc ngủ, Trung y cũng cho rằng tập thể dục vừa phải có thể tăng cường dương khí và cải thiện chứng trầm cảm. Tuy nhiên, lười vận động đang là vấn đề chung của con người hiện đại, vì vậy những người không có thói quen vận động có thể bắt đầu bằng những bài tập tương đối đơn giản, chẳng hạn như đi bộ sau bữa ăn hoặc yoga.
Thỉnh thoảng tắm nắng
Nhiều phụ nữ phương Đông không thích tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì sợ sạm da, nhưng việc tiếp xúc với ánh nắng vừa phải không chỉ giúp da tổng hợp vitamin D và duy trì sức khỏe, mà còn phù hợp với điều được đề cập trong Trung Y là “tất đãi nhật quang” (khi mặt trời ló dạng là có thể bắt đầu một ngày hoạt động). Nếu thực sự sợ rám nắng, bạn có thể thử chỉ phơi vùng đỉnh đầu và vùng lưng, hai bộ phận này vừa vặn nằm trên tuyến của kinh bàng quang và có rất nhiều huyệt đạo liên quan đến lục phủ ngũ tạng.
Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dưới sự giám sát của thầy thuốc, châm cứu tại các huyệt vị cụ thể để đả thông kinh mạch, đối với việc ổn định cảm xúc và giấc ngủ là vừa an toàn vừa hiệu quả. Nhưng để duy trì tâm trạng tốt mỗi ngày, bạn cũng có thể thử massage những huyệt vị dưới đây:
Huyệt Thần Đình
Vị trí: Nằm giữa hai lông mày, cách chân tóc một khoảng rộng bằng nửa đốt ngón tay.
Phương pháp massage: Bạn có thể giữ và ấn phần này khi chải tóc (tốt hơn là dùng lược massage có túi khí). Cũng không nhất thiết chỉ massage huyệt Thần Đình, vì trên da đầu có rất nhiều huyệt đạo mà bạn có thể cùng ấn. Nếu không có lược massage, bạn cũng có thể massage bằng các ngón tay trong khi gội đầu.
Huyệt Nhĩ Thần Môn
Vị trí: Ở trong vành tai, ở chỗ lõm thứ nhất từ trên xuống dưới.
Ngoài ra, các huyệt như huyệt Thần Môn và huyệt Thái Xung cũng có tác dụng làm dịu cảm xúc. Các huyệt trên có thể xoa bóp bất cứ lúc nào, cách làm là ấn trong 10 giây và thư giãn trong 3 giây, xoa bóp từ 2-3 phút.
Trà Thư tâm hán phương
Dược liệu và cách làm:
Hợp hoan bì, Bá tử nhân, Toan táo nhân, Hoa hồng mỗi loại 3~5 gam, pha với nước nóng là có thể dùng.
Tác dụng:
Hợp hoan bì có thể làm giảm can khí, Bá tử nhân giúp dưỡng tâm an thần, Toan táo nhân trợ ngủ, còn Hoa hồng có tác dụng làm thông gan giải cảm.
Loại trà này thích hợp để pha và uống trước khi đi ngủ 1~2 tiếng, nhưng không nên dùng cho phụ nữ có thai. Cách an toàn nhất là bạn nên hỏi thầy thuốc Trung y trước khi mua dược liệu để tìm hiểu xem có phù hợp với thể trạng của mình hay không.
Trước nay, chắc hẳn nhiều người không biết rằng Trung y cũng có thể cải thiện chứng trầm cảm. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân đã giảm bớt sự lệ thuộc vào các loại thuốc an thần đã sử dụng trước đó thông qua liệu pháp Trung y.
Sở dĩ phương pháp điều trị của Trung y có thể chạm đến phương diện tâm lý, là vì quan niệm của Trung y nhấn mạnh về “chỉnh thể” và “trong ngoài tương ứng”, vì vậy nó có thể điều trị các vấn đề về cảm xúc bằng cách phân tích sự mất cân bằng giữa các tạng phủ.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mặc dù chúng ta thường gặp phải những tình huống căng thẳng, nhưng chúng ta cũng nên học cách đối đãi tốt với thể chất và tinh thần của bản thân mình.
(Bài viết được trích từ cuốn “Trung y tứ vật sở” do Nhà xuất bản Faces (Đài Loan) cung cấp)