Tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành sẽ đầu tư địa ốc tại Việt Nam
CK Asset Holdings, do tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành sáng lập, sẽ đầu tư vào lĩnh vực địa ốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Hành động này diễn ra khi Việt Nam đã trở thành quốc gia phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và tốc độ tăng trưởng GDP của nước này vượt xa Trung Quốc.
Ông Lý, người đứng đầu trong “Danh sách Người giàu trong lĩnh vực Địa ốc Toàn cầu năm 2022 của Hurun” với giá trị tài sản 33 tỷ USD, luôn là niềm tin đối với các nhà đầu tư Á Châu.
Thời báo Sài Gòn mới đây đưa tin CK Asset Holdings Ltd. (01113.HK), Tập đoàn ORIX của Nhật Bản, và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Việt Nam đã thảo luận về các vấn đề đầu tư tại địa phương với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13/04.
Ông Justin Chiu, Giám đốc Điều hành CK Asset Holdings, cho biết tại buổi làm việc, những chuyến thăm gần đây đã giúp ông hoàn toàn tin tưởng vào việc đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.
CK Asset Holdings, trước đây được gọi là Cheung Kong Property Holdings Ltd., là một trong những nhà phát triển địa ốc lớn nhất tại Hong Kong, nắm giữ tài sản trị giá hơn 80 tỷ USD và hơn 50 tỷ USD vốn chủ sở hữu. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là công ty địa ốc tư nhân lớn nhất Việt Nam và đóng vai trò thiết yếu trong việc khuyến khích CK Asset Holdings và ORIX đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lý Gia Thành được biết đến là một trong những doanh nhân sắc sảo nhất thế giới. Các nhà quan sát nói rằng ông có thể đánh giá một cách nhạy bén những thay đổi trên thị trường toàn cầu, sau đó di chuyển tài sản toàn cầu đồ sộ của mình cho phù hợp. Những ngày đầu, ông đầu tư mạnh vào thị trường Trung Quốc. Nhưng vào năm 2013, ông bắt đầu bán tài sản Hồng Kông và Trung Quốc trên quy mô lớn. Đồng thời, ông bắt đầu đầu tư vào bất động sản ở Anh và Âu Châu.
Truyền thông nhà nước Tân Hoa xã đã chú ý và đăng một bài báo, có nhan đề “Đừng để ông Lý Gia Thành rời đi,” vào năm 2015. Bài báo cho biết, “Ở Trung Quốc, các chu kỳ kinh tế và chính trị có liên quan mật thiết với nhau,” và việc ông Lý bán tài sản là một cách tẩu thoát mà không bị chú ý.
Năm 2020, ông Lý bắt đầu bán tài sản ở Anh và Âu Châu.
Vào năm 2021, sau khi CK Asset Holdings mua đất ở Hồng Kông, truyền thông Trung Quốc nói rằng ông Lý “làm ăn trở lại”, có nghĩa là ông quay trở lại Hồng Kông và Trung Quốc để đầu tư. Nhưng cùng năm đó, công ty này đã bán Century Plaza ở Thượng Hải, bao gồm các trung tâm mua sắm và một tòa nhà văn phòng.
Hôm 11/03 năm nay, CK Asset Holdings thông báo rằng họ đã bán tài sản ở London, số 5 Broadgate, trong một thỏa thuận tiền mặt trị giá 729 triệu bảng Anh (khoảng 927 triệu USD).
Nền kinh tế Việt Nam bùng nổ mang lại cơ hội đầu tư
Một số chuyên gia lưu ý, thông tin CK Asset Holdings hợp tác với ORIX của Nhật Bản và một tập đoàn địa ốc Việt Nam đầu tư vào địa ốc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy ông Lý đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư tiếp theo của mình.
Hôm 30/04, ông Albert Song, một nhà nghiên cứu tại Tianjun, một tổ chức tư vấn chính trị và kinh tế, nói với The Epoch Times: “ ông Lý Gia Thành vội vàng chuyển tài sản của mình một lần nữa và quan tâm khám phá Việt Nam như một lãnh thổ đầu tư mới vì nền kinh tế Việt Nam đang tăng nhanh. Ngay cả trong năm 2020, năm tồi tệ nhất của đại dịch, tốc độ tăng trưởng GDP của nước này vẫn vượt Trung Quốc và đứng trong hàng đầu thế giới.”
Ông Song có 27 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính của Trung Quốc.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vào năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập cảng của Việt Nam vẫn đạt gần 670 tỷ USD; con số này tăng gần 23% so với cùng thời kỳ năm ngoái, một mức cao kỷ lục. Đồng thời, Việt Nam xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp trên 4 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập kỷ lục mới vào năm ngoái, với Chỉ số Việt Nam (VN-Index) đạt kỷ lục giao dịch 1,500.8 điểm hôm 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020.
Ông Song nói: “Ngoại thương đang bùng nổ, nhu cầu trong nước tăng, giá tài sản tăng và Việt Nam đã cho thấy sự năng động kinh tế đáng kinh ngạc.”
Xuất cảng của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2022 tăng 15.9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất cảng của Trung Quốc tại Thâm Quyến giảm 14% trong quý đầu tiên của năm nay. Thâm Quyến là thành phố có giá trị xuất cảng cao nhất Trung Quốc trong 29 năm liên tiếp.
Ông Song tin rằng việc Việt Nam thực hiện “chung sống với virus” đã củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi công nghiệp toàn cầu.
“Đối với nền kinh tế Việt Nam vốn dựa vào ngoại thương, sự phục hồi nhanh chóng của thương mại xuất nhập cảng đã trực tiếp thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Kể từ năm nay, nhiều công ty công nghệ Nhật Bản, Nam Hàn, Âu Châu và Mỹ đã chuyển đơn đặt hàng sang Đông Nam Á.”
Khoản đầu tư của CK Asset Holdings tại Thành phố Hồ Chí Minh không phải là bước đầu tiên để ông Lý chuyển sang Việt Nam. Vào tháng Tư năm 2020, FWD Group Holdings Limited (FWD Group), một công ty con do ông Lý Trạch Giai, con trai của ông Lý, điều hành, đã được chấp thuận để mua lại Vietcombank-Cardif, một liên doanh bảo hiểm nhân thọ do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu.
Về vị trí của Trung Quốc trong chuỗi công nghiệp toàn cầu, ông Song tin rằng “nguy cơ tách rời giữa Trung Quốc và chuỗi công nghiệp toàn cầu đang gia tăng, và Âu Châu và Hoa Kỳ đang thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, và Việt Nam đang trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng mới.”
“Tổng kim ngạch thương mại trong năm dự kiến sẽ vượt mốc 800 tỷ USD. Nhiều nhà máy ở Việt Nam đã kín đơn đặt hàng trong năm nay, trong đó có nhiều đơn hàng do các công ty Trung Quốc tự nguyện chuyển sang Việt Nam. Tổng khối lượng thương mại trong năm dự kiến sẽ vượt mốc 800 tỷ USD ”.
Cô Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: