Tỷ phú Elon Musk: Âu Châu nên khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động
Ông Elon Musk cho biết ông tin Âu Châu nên khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động và tăng cường sản xuất ở những nhà máy đang hoạt động, vì các chuyên gia lo ngại rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có thể gây ra tình trạng thiếu khí đốt trên khắp lục địa này.
Chia sẻ trên Twitter vào hôm Chủ Nhật (06/03), Giám đốc Điều hành Tesla nói rằng “hạt nhân tốt hơn rất nhiều” đối với sự nóng lên toàn cầu so với việc đốt cháy hydrocarbon, hay còn gọi là nhiên liệu hóa thạch, để làm năng lượng.
Theo Văn phòng Năng lượng Hạt nhân Hoa Kỳ, hạt nhân là nguồn năng lượng sạch không phát thải và là nguồn điện carbon thấp lớn thứ hai trên thế giới sau thủy điện.
“Hy vọng là hiện nay tình thế đã vô cùng hiển nhiên rằng Âu Châu nên khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động và tăng sản lượng điện của các nhà máy hiện có. Điều này là *quan trọng* đối với an ninh quốc gia và quốc tế,” ông Musk viết, đồng thời cho biết thêm rằng những lo lắng về bức xạ từ các nhà máy điện hạt nhân đang bị thổi phồng lên quá mức.
Ông Musk tiếp tục, “Đối với những người nghĩ (một cách sai lầm) rằng điều này sẽ gây ra một nguy cơ phóng xạ, thì hãy chọn nơi mà quý vị nghĩ là vị trí tồi tệ nhất. Tôi sẽ đi du lịch đến đó và ăn những món ăn được trồng tại địa phương trên TV. Tôi đã làm điều này ở Nhật Bản nhiều năm trước, ngay sau Fukushima. Rủi ro bức xạ thấp hơn rất, rất nhiều so với những gì mọi người nghĩ.”
Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến giá dầu tăng lên mức cao mới ở Anh và EU, đe dọa đẩy cao hơn nữa hóa đơn sưởi ấm cho hàng triệu gia đình.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Âu Châu và Anh đã tăng cường phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga trong thập niên qua, với việc quốc gia này cung cấp khoảng một phần ba nhu cầu khí đốt của Âu Châu.
Trong khi đó, các nhà máy điện hạt nhân trên khắp Âu Châu đang liên tục đóng cửa, bất chấp thực tế là EU phụ thuộc vào điện hạt nhân cho một phần tư sản lượng điện của mình, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.
Trích dẫn một bản tổng hợp dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Báo cáo Tình trạng Ngành công nghiệp Hạt nhân Thế giới, Bloomberg đưa tin cho biết rằng Âu Châu đang trên đà sở hữu hơn 100 lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động cho đến cuối năm nay.
Số lượng nhà máy điện sụt giảm diễn ra khi các quốc gia Âu Châu đánh giá lại mối quan hệ của họ với năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima và hướng tới các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn.
Theo ông Thierry Breton, ủy viên thị trường nội bộ của EU, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện và đạt được mục tiêu giảm lượng carbon, Âu Châu sẽ cần đầu tư 500 tỷ euro (568 tỷ USD) vào hạt nhân trong vòng 30 năm tới, các nhà máy hạt nhân sẽ cần 50 tỷ euro đầu tư cho đến năm 2030.
Ông Breton cũng nói rằng việc đưa năng lượng hạt nhân vào hệ thống phân loại là rất quan trọng để lĩnh vực này thu hút được nguồn vốn cần thiết.
Bình luận của ông được đưa ra khi hồi tháng 02/2022, EU đã công bố các kế hoạch cho phép một số dự án năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên có vị trí trong Hệ thống Phân loại của EU, một hệ thống phân loại gắn nhãn một số khoản đầu tư nhất định là bền vững với môi trường.
Bình luận mới nhất của ông Musk được đưa ra sau khi ông kêu gọi Hoa Kỳ tăng sản lượng dầu và khí đốt “ngay lập tức” trong bối cảnh Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine, để trở nên ít phụ thuộc hơn vào dầu Nga.
Vị doanh nhân này viết: “Tôi ghét phải nói ra điều này, nhưng chúng ta cần tăng sản lượng dầu khí ngay lập tức. Những thời điểm đặc biệt đòi hỏi phải có những biện pháp đặc biệt. Rõ ràng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Tesla, nhưng các giải pháp năng lượng bền vững không thể phản ứng tức thời để bù đắp cho xuất cảng dầu và khí đốt của Nga.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: