Tỷ lệ vàng trong kiến trúc cổ đại
“Sau khi quan sát tỷ lệ Vàng trong những sáng tạo của con người và trong tự nhiên, các kiến trúc sư thời nay đã hiểu được rằng đó là bản chất của sự sáng tạo. Họ rất tôn kính và nhận thức rõ về các vị thần vào thời đó”…
Các kiến trúc sư thời cổ đại thiết kế công trình để kết nối con người với Thần
Plato từng nói “Cái tốt chắc chắn luôn đẹp đẽ, và cái đẹp không bao giờ thiếu đi sự cân xứng”.
Lời nói của Plato vẫn có giá trị cho đến tận ngày nay. Các kiến trúc sư thường phác thảo những sáng tạo của mình theo trình tự một cách thận trọng. Mặc dù có vô số phương pháp thực hiện, nhưng các kiến trúc sư cổ đại đã biết về một mật mã ẩn: tỷ lệ Vàng, hay còn gọi là tỷ số Vàng hoặc tỷ lệ Thần thánh, có liên quan đến hình chữ nhật Vàng, tam giác Vàng, và các thuật ngữ tương tự khác.
Các kiến trúc sư đã áp dụng tỷ lệ này trong suốt chiều dài lịch sử, tạo ra những công trình kiến trúc vĩ đại nhất thế giới, chẳng hạn như các kim tự tháp ở Ai Cập và đền thờ Parthenon ở Athens.
“Tỷ lệ Vàng xuyên suốt sâu trong chất liệu của sự sáng tạo bởi nó hiển hiện rất rõ trong thế giới vật lý này”, nhiếp ảnh gia kiến trúc kiêm kiến trúc sư James H. Smith từng chia sẻ với tôi trong một cuộc phỏng vấn.
Tỷ lệ Vàng có thể được hiểu trực quan khi nghiên cứu một hình chữ nhật đặc biệt, hình chữ nhật Vàng. Tỷ lệ Vàng là tỷ lệ giữa chiều rộng và chiều dài tương đương 1: 1.618.
Khi bạn vẽ một hình vuông bên trong Hình chữ nhật Vàng, bạn sẽ được một hình chữ nhật Vàng mới nhỏ hơn (theo chiều dọc). Nếu bạn tiếp tục vẽ một hình vuông bên trong hình chữ nhật vàng mới đó, và bạn sẽ có một hình chữ nhật Vàng nữa nhỏ hơn. Quy luật này cứ lặp đi lặp lại như vậy không ngừng.
Như lời giảng của Doug Patt trong bài “Hình chữ nhật Vàng”, một phần trong khóa học trực tuyến“ Học viện kiến trúc” của ông. “Điều thú vị về hình chữ nhật Vàng là bạn sẽ vẽ được một hình xoắn ốc bên trong bằng cách kết nối các điểm quan trọng của các hình vuông lớn dần lên. Hình xoắn ốc này tương tự với cấu trúc được tìm thấy trong thiên nhiên”.
Bạn có thể nhìn thấy hình xoắn ốc có tỷ lệ tương tự trong dải ngân hà, trong cơn bão, vỏ ốc, hoa hướng dương và thậm chí ngay cả trong chuỗi ADN của chúng ta.
Smith nói: “Tỷ lệ tiếp tục trở thành nhỏ vô hạn (tiến về vi quan) và lớn hơn (tiến đến vĩ quan), như thể hiện trong hình chữ nhật khi nó xoay và xoắn ốc”. Smith cho rằng Plato sẽ mô tả nó như là một “cái bóng của một chân lý cao hơn.”
“Ở những cảnh giới cao hơn, mọi thứ đều được sắp xếp rất tỉ mỉ theo tỷ lệ. Tỷ lệ này, hay còn gọi là tỷ lệ Vàng, là nền móng của nhận thức về cái đẹp của chúng ta… Đó là lý do tại sao các kiến trúc sư theo trường phái cổ điển đã áp dụng tỷ lệ này vào những công trình của họ, để chúng ta có thể hòa hợp với thiên nhiên và các vị Thần.”.
Nhưng nó không chỉ là hệ thống khung để áp dụng cho bất kỳ thiết kế ngẫu nhiên nào. Đó là một tỷ lệ thiêng liêng. Smith nói: “Người xưa biết rằng nó được dành riêng cho những sáng tạo đặc biệt. Với tư cách là một nhà thiết kế và nhà sáng tạo, tôi vẫn chưa sử dụng đến nó vì tôi cảm thấy mình còn chưa đạt đến mức đó. Tôi cảm thấy như mình chưa đạt được tới cảnh giới đó.”
Smith nói rằng những người theo chủ nghĩa cổ điển cũng không phổ biến việc sử dụng tỷ lệ Vàng. “Đó là một bí mật, một bí mật của thiên thượng mà chỉ có những người có trí tuệ mới biết tới và biết cách sử dụng nó như thế nào và ở đâu”.
Nhưng với những bằng chứng về sự tồn tại của nó đã in sâu vào tất cả kết cấu của cuộc sống, tỷ lệ Vàng không thể mãi là một bí mật.
Ai Cập cổ đại
Được xây dựng ở Ai Cập vào khoảng năm 2560 TCN, đại kim tự tháp Giza là một trong những ví dụ về tỷ lệ Vàng lâu đời nhất trong kiến trúc. Trên thực tế, tỷ số Vàng xuất hiện trong toàn bộ cấu trúc hình học của công trình này.
Ví dụ, nếu lấy tổng diện tích của bốn mặt chia cho diện tích đáy, ta sẽ được 1,618. Một ví dụ khác: nếu lấy một mặt cắt ngang của kim tự tháp để thấy được hai tam giác vuông. Cạnh huyền của một tam giác, hay chiều dài từ đáy kim tự tháp đến đỉnh của nó sẽ là 186 m; khoảng cách từ tâm của mặt đáy tới đỉnh là 115 m. Và nếu lấy 186 m chia cho cho 115 m thì một lần nữa, kết quả lại là 1,618.
“Chúng ta bắt gặp tỉ lệ này thường xuyên đến mức xác suất của sự tình cờ là không. Nó là vô cùng nhỏ đối với tôi. Thành thật mà nói, nó giống như con số không”, nhà toán học kiêm kiến trúc sư Claude Genzling nói trong bộ phim tài liệu “Sự khải thị của các Kim tự tháp”. “Điều đó có lý, ngay cả đối với một nhà toán học, nghĩa là một người có thể đánh giá xác suất, thể tích của kim tự tháp đó với vô số tiềm năng của nó đã được chọn để tiết lộ con số Vàng.”
Hy Lạp cổ đại
Tỷ lệ thiêng liêng này được gọi là số Phi (hoặc Φ), được đặt theo tên của nhà điêu khắc, họa sĩ và kiến trúc sư thế kỷ thứ năm trước Công nguyên – Phidias. Phidias đã sử dụng nó để tạo ra đền thờ Parthenon và áp dụng trong tượng nữ thần Athena, vị thần được thờ trong đền.
Trong “Các yếu tố của đối xứng động”, Jay Hambridge ủng hộ tiền đề việc Phidias đã kết hợp tỷ lệ Vàng trong những thiết kế của ông. Ví dụ: Hambridge giải thích rằng độ cao của tòa nhà Parthenon là dựa trên tỷ lệ của hình chữ nhật Vàng.
“Kiến trúc là một lĩnh vực tuyệt vời để khám phá việc sử dụng hình chữ nhật Vàng vì các tòa nhà được cấu thành từ các cấu trúc hình chữ nhật như cửa sổ, cửa ra vào, các phòng và mặt tiền”, Patt nói trong khóa học trực tuyến “Hình chữ nhật vàng”.
Để kết nối những người sùng đạo với các vị thần, Phidias còn tạc bức tượng “Athena Parthenos” bên trong ngôi đền theo những tỷ lệ thần thánh này. Ví dụ, từ đầu tượng đến eo là 1, và từ thắt lưng đến chân là 1,618.
Nhiều thế kỷ sau, Leonardo da Vinci cũng đã minh họa mối liên hệ giữa cơ thể người và tỷ lệ Vàng trong các bản phác thảo của ông, chẳng hạn như bức “Vitruvian Man”. Ví dụ: Vòng xoắn vàng có thể được nhìn thấy trong tai của con người; hoặc bàn tay so với cánh tay cũng theo tỷ lệ 1: 1,618. Ngay cả các ngón tay cũng được tách ra theo một loạt các phần giảm dần, mỗi phần tương ứng với Phi.
Smith nói: “Sau khi quan sát tỷ lệ Vàng trong những sáng tạo của con người và trong tự nhiên, các kiến trúc sư thời nay đã hiểu được rằng đó là bản chất của sự sáng tạo. Họ rất tôn kính và nhận thức rõ về các vị thần vào thời đó. Họ sẽ sử dụng tỷ lệ đó vào hệ thống và tỉ lệ của công trình để có thể thiết kế hài hòa với thiên nhiên của tạo hóa, dành tỷ lệ thiêng liêng cho thiết kế của các công trình quan trọng, ví dụ như các đền thờ. Những nơi này trở nên linh thiêng, là nơi kết nối với các cảnh giới cao hơn, cảnh giới của các vị thần”.
Smith nói rằng cấu trúc tỉ lệ này không còn thịnh hành trong kiến trúc ngày nay, những chân lý vĩnh cửu này đang vắng mặt dần đi trong môi trường nhân tạo, và sau đó ông đặt một câu hỏi trước khi đưa ra một tuyên bố sâu sắc:
“Có thể nào sự trở lại của kiến trúc cổ điển duyên dáng chỉ là một trong những câu trả lời cho việc kết nối lại với những cõi cao hơn, một trật tự cao hơn? Với điều này, cái đẹp sẽ quay trở lại và kết nối chúng ta đến một chân lý cao hơn.”
Tác giả J.H. White là nhà báo chuyên viết về mảng nghệ thuật, văn hóa và thời trang nam, hiện đang sống tại New York.
J.H. White
Huệ Giao biên dịch
Xem thêm: