Tỷ lệ tiết kiệm của các gia đình Hoa Kỳ tiêu tan, nợ thẻ tín dụng tăng vọt
Con số về tiêu dùng của Hoa Kỳ có vẻ cao. Chi tiêu cá nhân tăng 0.9% trong tháng Tư có vẻ tốt trên giấy tờ, đặc biệt là khi xem xét những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt.
Con số tiêu dùng này rõ ràng là mạnh mẽ này đang hỗ trợ ước tính đồng thuận trung bình cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 là 3%, theo Blue Chip Financial Forecasts. Tuy nhiên, dự báo GDP của Fed Atlanta cho quý 2 hiện ở mức rất thấp là 1.9%. Nếu mức dự báo này được xác nhận, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể không có tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022 sau sự suy giảm trong quý đầu tiên, tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật một cách sít sao.
Bằng chứng của nền kinh tế chậm lại không chỉ đến từ các yếu tố tạm thời và bên ngoài. Các chỉ số niềm tin của người Tiêu dùng và doanh nghiệp cho thấy một môi trường kém thuận lợi hơn so với kỳ vọng về sự đồng thuận lạc quan của thị trường. Theo ước tính tổng hợp của Focus Economics, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng mạnh 3.6% trong năm 2022 nhờ vào quý 3 và quý 4 rất mạnh, với mức tăng trưởng lần lượt là 4.9% và 5.5%. Động lực chính của xu hướng phục hồi đáng ngạc nhiên này là những ước tính tiêu dùng không thể dừng. Tuy nhiên, có những đám mây quan trọng ở phía chân trời đối với người tiêu dùng Mỹ.
Chúng ta không thể quên rằng số liệu về người tiêu dùng tương đối vững, nhưng đồng thời tiết kiệm lại sụt giảm, với tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm từ 8.7% vào tháng 12 xuống mức thấp nhất trong 14 năm, chỉ có 4.4% vào tháng Tư.
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của Hoa Kỳ hiện thấp hơn 3.3% so với mức trước đại dịch và chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan đã giảm vào đầu tháng Năm xuống mức thấp nhất trong 11 năm là 59.1, từ 65.2, chìm sâu vào khu vực rủi ro suy thoái.
Một tỷ lệ tiết kiệm đang giảm mạnh là đáng lo ngại sâu sắc. Điều đó chứng tỏ rằng người tiêu dùng đang phải chịu đựng lạm phát gia tăng do tiền lương thực tế vẫn ở mức âm. Theo Cục Thống kê Lao động: “Từ tháng Tư năm 2021 đến tháng Tư năm 2022, thu nhập trung bình hàng giờ thực tế giảm 2.3%, sau khi điều chỉnh theo mùa.”
Đặt hai con số này lại với nhau — thu nhập trung bình thực tế giảm 2.3% và tỷ lệ tiết kiệm của các gia đình gần như giảm một nửa — thì các gia đình đang gặp khó khăn, tiền lương bị giảm do lạm phát, còn tiền tiết kiệm đang bị xóa sổ. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, nợ thẻ tín dụng tiêu dùng gần như ở mức cao nhất mọi thời đại. Số dư đã tăng lên 841 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2022.
Nợ thẻ tín dụng ở mức rất lớn xảy ra ngay khi lãi suất bắt đầu tăng tác động đáng kể đến khả năng thanh toán các cam kết tài chính của các gia đình.
Bất chấp nhận thức về một nền kinh tế vững chắc với thị trường lao động thiếu lao động và mức lương danh nghĩa tăng, thực tế của Hoa Kỳ là thâm hụt chi tiêu rất lớn và các chính sách lạm phát đang làm tổn thương tầng lớp trung lưu và lao động. Tỷ lệ thất nghiệp có thể là thấp, nhưng tỷ lệ đi làm trên tổng dân số và tỷ lệ tham gia [thị trường] lao động cũng vẫn tồi tệ, và cái gọi là “đợt đại khủng hoảng lao động” đang bắt đầu đảo ngược lại khi người dân gặp khó khăn về tài chính.
Có vẻ như rất khó để tin rằng người tiêu dùng sẽ kết thúc năm tài chính 2022 với mức tăng trưởng tiêu dùng như hiện nay, nhưng thách thức thực sự sẽ xuất hiện vào năm 2023. Những vùng đệm mà các gia đình và doanh nghiệp xây dựng vào năm 2020 đã biến mất.
Ở các nền kinh tế G-4 khác, tình hình không khác nhiều. Theo JP Morgan, với dữ liệu mới nhất hiện có, tỷ lệ tiết kiệm của các gia đình ở khu vực đồng euro, Nhật Bản, và Anh đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch.
Mấu chốt ở đây là lạm phát. Nếu giá tiêu dùng tiếp tục tăng trong quý 3, rất khó để tin rằng người dân có thể thoải mái rút sạch tiền tiết kiệm để tiếp tục tiêu dùng với tốc độ như nửa đầu năm 2022. Các gia đình tại nền kinh tế phát triển không quen với lạm phát cao và dường như chấp nhận ý kiến chủ đạo rằng chuyện tăng giá sẽ giảm trong vài tháng tới. Tuy nhiên, niềm tin này có thể là một ý tưởng tồi. Giá lương thực luôn ở mức cao nhất mọi thời đại, giá dầu mỏ và khí đốt bị thúc đẩy bởi rủi ro địa chính trị và mức tồn kho kém, và chi tiêu thâm hụt của chính phủ có nghĩa là chi tiêu từ dự trữ tiền tệ sẽ tiếp tục ở mức bất thường.
Các gia đình Hoa Kỳ có thể đã kiên nhẫn trong những tháng qua, nhưng họ không thể làm nên điều kỳ diệu. Nếu lạm phát tiếp tục kéo dài, thì xu hướng tiền lương thực tế và tiết kiệm sụt giảm hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu và nguy cơ suy thoái cao hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của các cuốn sách “Freedom or Equality” (“Tự Do hoặc Bình Đẳng”), “Escape from the Central Bank Trap” (“Thoát khỏi Bẫy Ngân Hàng Trung Ương”) và “Life in the Financial Markets” (“Cuộc Sống trong Thị Trường Tài Chính”).