Tỷ lệ thất nghiệp ở Âu Châu cho thấy chính phủ toàn quyền có nghĩa là tình hình việc làm kém
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro đã giảm xuống 7% trong tháng 12/2021 và 6.4% ( pdf ) ở Liên minh Âu Châu, so với Hoa Kỳ là 3.9%. Chúng ta không được quên rằng những tỷ lệ thất nghiệp này không bao gồm các công việc tạm nghỉ bao gồm trong các chương trình duy trì tỷ lệ thất nghiệp, chiếm khoảng 5 triệu công nhân khác đang chờ đợi để trở lại hoạt động bình thường.
Sau kế hoạch kích thích tài khóa hơn 5% GDP vào năm 2020 và 4% khác vào năm 2021 và Ngân hàng Trung ương Âu Châu mua 100% các khoản phát hành ròng từ hầu hết các quốc gia có chủ quyền, sự phục hồi cho thấy một điểm yếu đáng lo ngại. Những việc làm tạm nghỉ đang tăng trở lại, giờ làm việc vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và lương thực tế đang giảm khi lạm phát bắt đầu hồi phục.
Vào tháng 12/2021, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 14.9% ở cả EU và khu vực đồng euro.
Mức thất nghiệp này cao, nhưng một số quốc gia thành viên có tỷ lệ thất nghiệp thậm chí còn cao hơn. Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 13% với 220,000 việc làm tạm thời, và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 30%.
Những con số này cho thấy chi tiêu chính phủ cao và các kế hoạch duy trì việc làm to lớn đã không giúp nền kinh tế Âu Châu phục hồi nhanh hơn hoặc cải thiện tạo việc làm so với các khu kinh tế tương tự.
Kinh tế phục hồi chậm và việc làm được tạo ra thậm chí còn chậm hơn. Hơn nữa, một phần lớn phục hồi việc làm là từ khu vực công. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, vẫn còn ít hơn 95,000 việc làm trong khu vực tư nhân so với trước đại dịch và hơn 220,000 việc làm trong khu vực công.
EU phải đối mặt với những thách thức đặc biệt do nhân khẩu học, mức chi tiêu chính phủ tăng cao và vị thế năng lượng yếu, nơi các doanh nghiệp và hộ gia đình phải trả hóa đơn điện và khí đốt tự nhiên cao hơn nhiều so với các đối tác Mỹ.
Đối mặt với tất cả những thách thức này, EU đã đưa ra một kế hoạch phục hồi lớn (Thế hệ tiếp theo EU), nhằm thúc đẩy tăng trưởng và khả năng cạnh tranh. Vấn đề là rất khó để thấy được những kế hoạch chi tiêu to lớn này sẽ mang lại sự chuyển đổi và tăng trưởng như mong đợi như thế nào.
Vấn đề lớn nhất mà EU phải đối mặt là công nghệ. EU thậm chí đã không thể hiện mình là một đối thủ nặng ký trong cuộc đua công nghệ. Dưới 4% vốn hóa thị trường Stoxx 600 đến từ công nghệ, so với 25% trong S&P 500. Thật khó để tin rằng sự thay đổi căn bản về tốc độ tăng trưởng và tốc độ tạo việc làm sẽ đến từ một kế hoạch kích thích lớn do chính phủ chỉ đạo và tập trung vào biến đổi khí hậu và tính bền vững từ góc độ chính trị chứ không phải từ quan điểm kinh doanh.
EU đang đặt cược toàn bộ tương lai của mình vào khái niệm lỏng lẻo về “nhà nước kinh doanh” do nhà kinh tế người Ý Mariana Mazzucato ủng hộ. Các chính phủ và các đảng xã hội chủ nghĩa yêu thích ý tưởng này khiến họ tin rằng các công ty công nghệ lớn như Apple hay Amazon đều mắc nợ chi tiêu của chính phủ và khu vực công. Vấn đề là những điều tưởng tượng như vậy đã hoàn toàn bị lật tẩy bởi thực tế – Liên minh Âu Châu tụt hậu trong phạm vi tiếp cận công nghệ toàn cầu. Trong cuốn “Sự huyền bí của nhà nước kinh doanh” (“The Myth of the Entrepreneurial State”), bà Deirdre McCloskey và ông Alberto Mingardi đã kể về câu chuyện cổ tích rằng khu vực công đứng đầu trong sự đổi mới và tiến bộ công nghệ.
Thật không may, kế hoạch Thế hệ Tiếp theo của Liên minh Âu Châu có khả năng tạo ra ít tác động như Kế hoạch Juncker hoặc Kế hoạch tăng trưởng và việc làm năm 2009. Vấn đề chính là nó nhằm mục đích chi một số tiền lớn nhanh chóng vào các lĩnh vực được các chính trị gia ưa chuộng trong khi nền kinh tế Âu Châu phải chịu đựng chi phí đầu vào, năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao. Nền kinh tế Âu Châu đang mất khả năng cạnh tranh do giá sản xuất tăng và tỷ suất lợi nhuận yếu hơn, và một phần của nó đến từ việc cấm khí đá phiến và áp đặt chính sách năng lượng không mang tính cạnh tranh và có định hướng chính trị. Tất cả những điều đó có thể thay đổi nhanh chóng với các chính sách nghiêm túc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và gia đình với mức thuế thấp hơn, nhưng sự miễn cưỡng của các nhà hoạch định chính sách là rất lớn.
Trong năm 2009, một số quốc gia đã quyết định sử dụng Kế hoạch Tăng trưởng và Việc làm để tài trợ cho việc giảm thuế và giảm thủ tục hành chính. Lần này, thật không may, kế hoạch Thế hệ Tiếp theo của EU lại tập trung vào chi tiêu theo hướng dẫn của một tầm nhìn chính trị.
Đây có thể là một cơ hội đặc biệt để giảm giá năng lượng và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành những đại công ty công nghệ mới. Thật không may, có nhiều rủi ro là chương trình mới này sẽ trở thành một đợt chi tiêu to lớn khác đối với những dự án kém hiệu quả theo trường phái Keynes mà không mang lại lợi nhuận kinh tế thực sự. Tiềm năng của EU là rất lớn, nhưng chính sách nhà nước kiểm soát kinh tế và xã hội kiểu “chỉ huy” đang ngăn cản nhiều quốc gia phát triển gần hơn với tiềm năng của họ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: