Tỷ lệ Thần thánh: Mật mã không thể lý giải
Tờ báo, màn hình máy vi tính, thẻ tín dụng, các cánh hoa, lá cây, tòa nhà bên kia đường – mọi thứ đều chịu sự chi phối của một quy luật, một tỷ lệ, một giá trị cân đối hài hoà. Dường như vũ trụ đang thì thầm với chúng ta một mật mã ở mọi ngóc ngách trong thế giới tự nhiên, một mật mã độc đáo, hài hòa trên phương diện thẩm mỹ: Tỷ lệ Vàng hay Tỷ lệ Thần thánh.
Mỗi sự kiện và khuôn khổ trong vũ trụ này dường như đều đi theo một số phận vô định của riêng chúng. Đằng sau vẻ ngoài tưởng chừng như hỗn loạn đó, lại ẩn giấu một trật tự nhất định. Kể từ thời Pythagoras, chiếc chìa khóa mở ra trật tự này – vốn đã thu hút rất nhiều nhà toán học và học giả ở các lĩnh vực khác nhau – cho đến nay vẫn chưa được nhận thức một cách thấu đáo.
Một thí nghiệm được thực hiện với sự tham gia của một số người từ các dân tộc khác nhau đã cho thấy rằng khi được yêu cầu chọn một hình chữ nhật trong vài hình chữ nhật khác nhau, gần như mọi người đều chọn ra hình chữ nhật được xem là cân đối nhất. Hình chữ nhật này có tỷ lệ giữa cạnh dài với cạnh ngắn xấp xỉ bằng 1.618 – con số mà trong toán học được xem là “Tỷ lệ Vàng” hoặc “Vàng”.
Tỷ lệ này có thể được tìm thấy trong hàng nghìn công trình kiến trúc trên thế giới, trong hộp diêm, danh thiếp, cuốn sách, và hàng trăm vật dụng hàng ngày khác. Đại kim tự tháp Giza, kim tự tháp Cheops, trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, và nhà thờ Đức Bà đều cho thấy tỷ lệ vàng này. Trên thực tế, đền thờ Parthenon ở Hy Lạp dường như là một công trình được xây dựng để ca tụng tỷ lệ này. Trong nhiều thế kỷ, để thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật và trí tuệ con người một cách tuyệt đối, người ta không thể bỏ qua việc vận dụng Tỷ lệ Vàng (ngoại trừ một số xu hướng đương đại).
Một số hoạ sĩ thời kỳ Phục Hưng đã ứng dụng Tỷ lệ Vàng trong các tác phẩm của mình, đặc biệt là Leonardo da Vinci, khi ông sử dụng tỷ lệ này trong các bức tranh nổi tiếng như “Bữa tiệc cuối cùng của Chúa” (the Last Supper) và “Người đàn ông xứ Vitruvian” (The Vitruvian Man).
Trong âm nhạc cũng không thiếu vắng tỷ lệ bí ẩn này. Nhà soạn nhạc người Mexico Silvestre Revueltas đã sử dụng tỷ lệ này để sắp xếp các đoạn nhạc trong tác phẩm “Alcancías” của mình. Hai nhà soạn nhạc Béla Bartók và Olivier Messiaen cũng đã sử dụng dãy số Fibonacci (dãy số tuân theo Tỷ lệ Vàng) trong một số tác phẩm để quyết định xem nốt nhạc nên ngân dài trong bao lâu.
Vì kiến trúc, nghệ thuật thị giác, âm nhạc và một số sáng tạo khác đều là những tác phẩm đặc thù của con người, nên một số người có thể kết luận rằng Tỷ lệ Vàng chỉ là một ý kiến bộc phát mang tính tập thể của nhân loại. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể giải thích được tại sao vô số những thực thể hữu cơ lẫn vô cơ được tìm thấy trong tự nhiên đều lặp đi lặp lại một cách vô tận tỷ lệ đặc biệt này.
Các ví dụ từ hình chữ nhật cho đến hình xoắn ốc tuân theo Tỷ lệ Vàng (hình tạo thành bằng cách nối các đỉnh của các hình chữ nhật vẽ theo Tỷ lệ Vàng xếp chồng lên nhau) có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi: trong sừng của một con cừu, những tinh thể khoáng chất, xoáy nước, một cơn lốc, các dấu vân tay, những cánh hoa hồng, những đài hoa đồng tâm của cây bông cải hay hoa hướng dương, chim muông, côn trùng, cá, dải Ngân Hà, hay một số dải thiên hà khác như dải M51 ngay cạnh dải Ngân Hà của chúng ta… thậm chí đến cả con ốc sên.
Một con ốc sên đẹp và hoàn hảo như ốc Nautilus là một tuyệt tác của Tỷ lệ Vàng trên thực tế. Rất nhiều loại cây cũng cho thấy mối liên hệ với Tỷ lệ Vàng trong độ dày giữa các cành, giữa cành thấp với cành cao. Vẻ đẹp của cơ thể con người cũng ẩn chứa số Phi (con số vàng). Thương số của phép chia giữa chiều cao từ đầu tới chân và khoảng cách từ rốn tới chân gần bằng 1.618, thể hiện một cơ thể cân đối và hoàn hảo. Chúng ta cũng có thể tìm thấy kết quả tương tự trong tỷ lệ của chiều dài toàn bộ đầu với khoảng cách từ mắt tới cằm; hay tỷ lệ của khoảng cách từ mũi tới cằm trên khoảng cách từ môi tới cằm. Khuôn mặt càng tiến gần tới mức tỷ lệ này thì càng hài hòa, cân đối.
Mặc dù sở thích thường được nhìn nhận như điều gì đó mang tính ngẫu nhiên, nhưng dường như chúng đã được định sẵn theo một cách thức nào đó. Giống như người anh em họ của mình là Pi (tỷ lệ giữa chu vi và đường kính của một đường tròn), số Phi (Φ) có độ phức tạp phi thường. Ngày nay, số Phi đã được tính toán chính xác tới hơn một nghìn tỷ chữ số thập phân sau dấu phẩy (1.618….), nhưng dãy số này vẫn tiếp tục kéo dài mãi về sau. Nguyên nhân ẩn giấu đằng sau con số chi phối sự cân đối hài hoà và vẻ đẹp này là gì đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học trong hàng thế kỷ qua. Cho đến ngày nay, nó vẫn tiếp tục là một ẩn đố.
Làm thế nào mà một hình xoắn ốc cố định lại có thể đồng thời xuất hiện trong hàng nghìn cơ thể sinh vật, vốn được nhìn nhận là đã tiến hoá theo một cách thức hoàn toàn không thể dự đoán hay xác định trước? Phải chăng hiện tượng này có liên quan như thế nào đó với chuỗi ADN, khi trong một chu kỳ hoàn chỉnh của chuỗi xoắn kép, tỷ lệ liên hệ giữa hai chuỗi đơn này chính là số Phi? Đây dường như là một mật mã chung xuyên suốt trong mọi dạng thức sống – giống như một nốt nhạc hài hòa đang vang lên trong bản hòa tấu vũ trụ. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên khi Tỷ lệ Thần thánh này dường như cũng đồng điệu cùng với chúng ta – bởi vì chúng ta cũng được sinh ra từ vũ trụ.
Leonardo Vintini
Ánh Sao biên dịch
Xem thêm: