Tỷ lệ nghèo đói ở Hồng Kông cao kỷ lục
Nghèo đói và thất nghiệp ở Hồng Kông đã đạt mức cao kỷ lục, và mức lương tối thiểu quốc gia đã bị đóng băng trong ba năm qua. Một nhà bình luận chính trị đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về tình hình hiện tại.
Trái ngược với nhiều quốc gia đã tăng lương tối thiểu để chống lại tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, mức lương tối thiểu của Hồng Kông vẫn đứng yên ở mức 37.50 dollar Hồng Kông (khoảng 4.80 USD) kể từ ngày 01/05/2019 — mức thấp nhất trong nhóm các nước được mệnh danh là “Bốn Con hổ của Á Châu”: Hồng Kông, Đài Loan, Nam Hàn, và Singapore.
Theo Chương trình Giấy phép Lao động dành cho Kỹ thuật viên và Chuyên gia Ngoại quốc Tiềm năng, mức lương tối thiểu của Đài Loan là khoảng 5.70 USD, trong khi của Nam Hàn là 7.32 USD. Mặc dù Singapore không có mức lương tối thiểu, nhưng người lao động được trả ít nhất 10 USD/giờ dựa trên một tuần làm việc 44 giờ, và mức lương hàng tháng tối thiểu cho lao động có kỹ năng trung cấp là khoảng 1,800 USD.
Hệ thống đánh giá hai năm một lần của Hồng Kông cho thấy những người làm công ăn lương tối thiểu sẽ không được tăng lương cho đến tháng Năm năm sau.
Thảo luận về mức lương tối thiểu
Hôm 31/05, Ủy ban Tiền lương Tối thiểu của Hồng Kông đã kết thúc cuộc trưng cầu ý dân về việc xem xét lại mức lương tối thiểu theo luật định. Nhiều đại diện từ các nhóm công việc khác nhau đã kêu gọi tăng mức lương tối thiểu từ 40 đến 50 dollar Hồng Kông (khoảng từ 5.10 đến 6.40 USD).
Ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), một nhà lãnh đạo phong trào lao động bị kết án tù vì tham gia một cuộc biểu tình trái phép, đã kêu gọi tăng lương tối thiểu lên ít nhất 50 dollar Hồng Kông và rút ngắn thời gian xem xét điều chỉnh từ hai năm xuống một năm.
Tuy nhiên, ông La Trí Quang (Law Chi-kwong), Cục trưởng Cục Lao động và Phúc lợi, đã từ chối đề xuất của ông Lý. Trước khi hết thời gian xem xét, ông La đã viết trên một blog, “Việc xem xét lại mức lương tối thiểu mỗi năm một lần là không khả thi vì quá trình xem xét đòi hỏi nhiều nghiên cứu, phân tích, và trưng cầu ý dân.”
Ông Lý cũng chỉ trích ủy ban này, cho rằng dữ liệu chính thức không phản ánh tình hình kinh tế hiện tại và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, cũng như việc chính quyền nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu của người dân.
Cựu Đặc Khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) kiếm được mức lương hàng năm là 5.210,400 dollar Hồng Kông (khoảng 664,000 USD), đứng thứ hai trong số các nhà lãnh đạo toàn cầu và khu vực.
Hơn nữa, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), tân Đặc Khu trưởng Hồng Kông, đã đề xướng một sự tái cấu trúc chính quyền mà Hội đồng Hành pháp gần đây đã thông qua. Chính quyền sẽ có thêm 13 quan chức được bổ nhiệm về mặt chính trị và 57 chức vụ dân sự, bổ sung thêm 95 triệu dollar Hồng Kông (khoảng 12.18 triệu USD) chi phí tiền lương vào ngân sách này.
Trên một chương trình phát thanh của Hồng Kông, ông Quách Chấn Hoa (Jimmy Kwok Chun-wah), chủ tịch danh dự của Liên đoàn các Ngành công nghiệp Hồng Kông, cho rằng mức lương tối thiểu nên được giữ nguyên do sự bất ổn của nền kinh tế.
Ông nói: “Chúng ta nên cung cấp cho các chủ doanh nghiệp thêm thời gian để thở vì chúng ta vẫn chưa biết liệu sẽ có một đợt bùng phát dịch mới hay không.”
Khoảng cách giàu nghèo dưới quyền kiểm soát của ĐCSTQ đang gia tăng
Nhà bình luận chính trị và thời sự Quý Đạt (Ji Da) nói với The Epoch Times rằng kể từ khi ĐCSTQ mở rộng quyền kiểm soát đối với Hồng Kông, trung tâm tài chính này từng ở vị trí dẫn đầu trong Tứ Hổ Á Châu và là một trong những thành phố giàu có nhất trên thế giới, mà giờ đây lại chứng kiến mức chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng và mức lương tối thiểu thấp.
Trong nhóm Tứ Hổ Á Châu, Hồng Kông dẫn đầu vượt ngưỡng GDP bình quân đầu người 10,000 USD từ năm 1988, trước Singapore một năm, Đài Loan bốn năm và Nam Hàn sáu năm. Nhưng từ năm 2004, Singapore đã bắt kịp và vượt qua Hồng Kông.
Trong nhiều năm, Hồng Kông đã được xếp hạng trong số ba thành phố hàng đầu thế giới có nhiều tỷ phú cư trú nhất. Theo báo cáo của Forbes, Hồng Kông xếp thứ hai thế giới hồi năm 2019 và 2020, với lần lượt 79 và 71 tỷ phú. Thành phố này đứng ở vị trí thứ ba với 80 tỷ phú vào năm 2021. Nhưng số lượng tỷ phú đã giảm xuống còn 68 trong năm nay.
Hồi năm 2020, Báo cáo Tình hình Nghèo đói của Hồng Kông đã ghi nhận ít nhất 1.6 triệu người sống trong cảnh nghèo đói, với tỷ lệ nghèo đói là 23.6%. Tỷ lệ lao động nghèo là 13.6%. Tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất trong 17 năm là 5.4%.
Hồi tháng 08/2021, Cục trưởng Cục Lao động và Phúc lợi La Trí Quang thừa nhận rằng khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng của Hồng Kông là một thực tế không thể chối cãi.
Bà Winnie Han tường thuật về tin tức Trung Quốc cho The Epoch Times.