Tỷ lệ lạm phát hàng năm giảm xuống còn 8.3% nhưng vẫn ở gần mức cao trong 40 năm
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 8.3%, cao hơn mức dự báo của thị trường là 8.1%. Đây là lần đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm so với cùng thời kỳ năm ngoái kể từ tháng 08/2021.
Trong khi lạm phát đã chậm lại từ mức đỉnh tháng Ba là 8.5%, nó vẫn ở gần mức cao nhất trong 40 năm.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động (BLS), tỷ lệ lạm phát lõi, tức lạm phát trừ ra các lĩnh vực thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 6.2%, cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế là mức 6%.
So với tháng trước, lạm phát tăng 0.3% và lạm phát lõi tăng 0.6%.
Đó vẫn là một báo cáo lạm phát về tổng thể, với các chỉ số chính đều tăng so với cùng thời kỳ một năm trước.
Giá thực phẩm tăng 9.4%, trong khi giá năng lượng tăng 30.3%. Xe mới tăng 13.2%, xe hơi và xe tải đã qua sử dụng tăng 22.7%, và hàng may mặc tăng 5.4%.
Chi phí nhà ở chiếm gần ⅓ chỉ số CPI, tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng Năm năm 1991.
Dịch vụ vận tải tăng 8.5%. Giá vé phi cơ tiếp tục tăng đáng kể trong tháng Tư, tăng 18.6%, mức tăng cao nhất trong một tháng kể từ khi chuỗi dữ liệu bắt đầu vào năm 1963. So với năm ngoái, giá vé hàng không tăng 33.3%, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 12/1980.
Trong chỉ số lương thực, giá thịt tăng vọt 13.9% hàng năm, bao gồm thịt bò và thịt bê (14.3%), thịt lợn (13.7%), giăm bông (8.8%) và thịt gà (16.4%). Giá trứng tăng 22.6%, trong khi giá sữa tăng 14.7%.
Giá cà phê tăng 13.5%, trong đó cà phê rang xay tăng 14.7%.
Về mặt năng lượng, dầu nhiên liệu tăng 80.5%, xăng tăng 43.6%, và chi phí điện tăng 11%.
Và giá khách sạn tăng 22.6% hàng năm.
Các chỉ số chuẩn hàng đầu trở nên tiêu cực trong giao dịch trước giờ mở cửa. Thị trường Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ đã đi lên, với lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm tăng 3.5 điểm cơ bản (0.035%) lên 3.028%. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ tăng 0.16% lên 104.08, góp phần cho mức tăng gần 8.5% của chỉ số này tính từ đầu năm đến nay.
Dự báo lạm phát
Mặc dù lạm phát gia tăng và các số liệu cao hơn dự kiến, nhiều nhà phân tích thị trường dự đoán rằng áp lực lạm phát sẽ giảm bớt vào cuối năm nay và đầu năm 2023, bao gồm cả CPI và thước đo ưu tiên của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).
Theo ông Mark Gardner, chủ tịch của Retire Well Dallas, một công ty quản lý tài sản, thước đo lạm phát ưa thích của Fed được dự báo sẽ giảm xuống 4.3% vào cuối năm nay và sau đó giảm xuống 2.8% vào cuối năm 2023.
Ông Peter Tanous, người sáng lập và Chủ tịch của Lynx Investment Advisory, cho biết với việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất và có khả năng làm cạn kiệt nhu cầu bị dồn nén, việc điều tiết có thể sẽ sớm xảy ra.
Ông Tanous nói với The Epoch Times: “Một điều đáng bàn bạc mà không được nói đến nhiều là thực tế rằng phần lớn nhu cầu tăng vọt của người tiêu dùng là kết quả của nhu cầu bị dồn nén bởi những người Mỹ bị nhốt trong thời kỳ virus corona không có nơi để đi và có rất ít nơi để tiêu tiền của họ. Sự gia tăng chi tiêu đang góp phần vào lạm phát cao, nhưng nó có thể không kéo dài.”
“Sự gia tăng nhu cầu bị dồn nén được cho là tạm thời và lãi suất cao hơn cũng sẽ góp phần làm giảm nhu cầu khi việc mua sắm ngày càng trở nên đắt đỏ hơn để trang trải. Nếu vậy, việc kiểm soát lạm phát bùng nổ có thể sẽ nằm trong tầm ngắm.”
Nếu nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh giảm trong bối cảnh lạm phát cao ngất ngưởng và lãi suất tăng, một số nhà kinh tế dự đoán rằng rủi ro suy thoái có thể tăng lên vào năm 2023.
Deutsche Bank cho biết trong một lưu ý gần đây rằng trong thời gian tới, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể trải qua một “thời kỳ chuyển đổi” do những nỗ lực phi toàn cầu hóa và một cú sốc tiêu cực từ phía cung.
“Bản chất không chắc chắn cao của quá trình chuyển đổi như vậy chắc chắn sẽ khiến phần bù rủi ro lạm phát tăng cao trong tương lai gần,” tổ chức tài chính này nêu rõ.
Báo cáo kinh tế lớn tiếp theo sẽ là chỉ số giá sản xuất (PPI). PPI, sẽ được công bố vào thứ Năm (12/05), dự báo sẽ ở mức 10.7%, giảm so với mức tăng 11.2% trong tháng Ba.
Trong báo cáo ổn định tài chính sáu tháng một lần mới nhất, ngân hàng trung ương cảnh báo rằng việc tăng lãi suất để chống lạm phát sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế hậu khủng hoảng, đồng thời cho biết thêm rằng các điều kiện trên thị trường tài chính có thể xấu đi nhanh chóng.
Fed cảnh báo rằng người tiêu dùng có thể chịu mức lãi suất cao hơn, giá bất động sản giảm, và mất việc làm. Nhưng khu vực tư nhân có thể sẽ nếm trải những vụ phá sản, mất khả năng thanh toán, và “các hình thức khó khăn tài chính khác”.
“Những bất ngờ bất lợi hơn nữa về lạm phát và lãi suất, đặc biệt nếu đi kèm với sự suy giảm hoạt động kinh tế, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính,” ngân hàng trung ương tuyên bố. “Lãi suất tăng mạnh có thể dẫn đến biến động mạnh hơn, gây căng thẳng cho tính thanh khoản của thị trường và điều chỉnh giá lớn đối với các tài sản rủi ro, có khả năng gây thua lỗ cho hàng loạt trung gian tài chính.”
‘Ưu tiên hàng đầu trong nước’ của Tổng thống Biden
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh các chính sách của chính phủ ông nhằm giải quyết lạm phát đang tăng vọt, nói với các phóng viên rằng giá cao hơn là “ưu tiên hàng đầu trong nước” của ông. Ông đề cập đến một số nỗ lực mới nhất của Tòa Bạch Ốc, chẳng hạn như xuất một triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược trong sáu tháng tới và giải phóng hàng hóa tồn đọng tại các cảng của quốc gia.
“Tôi biết rằng tất cả các gia đình trên khắp nước Mỹ đang bị tổn thương vì lạm phát,” ông Biden nói hôm 10/05. “Tôi muốn mọi người Mỹ biết rằng tôi đang rất coi trọng lạm phát, và đó là ưu tiên hàng đầu trong nước của tôi.”
“Kế hoạch của tôi đang được tiến hành rồi,” tổng thống nói thêm.
Ông Biden cũng chỉ trích “các thành viên Đảng Cộng Hòa cực đoan theo MAGA” (Make America Great Again, hay Đưa Hoa Kỳ Vĩ Đại Trở Lại) tại Quốc hội, cáo buộc GOP đang cố gắng giải quyết lạm phát “bằng cách tăng thuế và giảm thu nhập của quý vị.” Ông chỉ ra Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida), người đã đề nghị tất cả người Mỹ đóng một số loại thuế để có “rủi ro trong cuộc chơi” và gia hạn luật liên bang mỗi năm năm một lần.
Các nhà lãnh đạo GOP, bao gồm cả Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), đã tách mình khỏi ý tưởng này. Các nhóm theo phái bảo tồn truyền thống khác cũng đã chỉ trích kế hoạch “Giải cứu Hoa Kỳ” của thượng nghị sĩ.
Tổ chức Người Mỹ vì Cải cách Thuế (ATR) gọi kế hoạch đó là “thiếu sót” và làm suy yếu Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế (TCJA) của cựu Tổng thống Donald Trump và các nỗ lực khác nhằm cắt giảm thuế của các tiểu bang.
Sau cuộc họp báo từ Tòa Bạch Ốc, Thượng nghị sĩ Scott đã kêu gọi Tổng thống Biden từ chức để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lạm phát.
Thượng nghị sĩ cho biết trong một tuyên bố: “Hãy thành thật ở đây. Ông Joe Biden không khỏe. Ông ấy không thích hợp cho chức vụ. Ông ấy không mạch lạc, bất tài, và bối rối. Ông ấy không biết mình đang ở đâu trong phân nửa thời gian. Ông ấy không có khả năng lãnh đạo và ông ấy không có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình. Chấm hết.”
“Mọi người đều biết điều đó. Không ai sẵn sàng nói ra điều đó. Nhưng chúng ta phải nói ra vì lợi ích của đất nước. Ông Joe Biden không thể làm được việc.”
Ông Biden đã và đang đánh mất sự ủng hộ của công chúng, với cuộc khảo sát mới nhất của Economist/YouGov cho thấy chỉ 43% người Mỹ tán thành cách ông xử lý nền kinh tế (pdf).
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: