Twitter và Facebook tấn công tự do báo chí
Facebook và Twitter đã có những bước đi quá phận chống lại tờ New York Post vì một bài báo về con trai của cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Đây là lần đầu tiên các công ty truyền thông xã hội này có hành động trực tiếp chống lại một bài báo của một nhà xuất bản lớn ở Hoa Kỳ (New York Post nằm trong số năm tờ báo hàng đầu theo lượng phát hành).
Đáng chú ý, các hành động của Facebook và Twitter có vẻ tùy tiện, không có sự nhất quán hoặc có lý do chính đáng.
Nhân viên truyền thông của Facebook, Andy Stone, cho biết trong một tuyên bố rằng nền tảng này đang “giảm việc phát tán” bài báo mà tờ Post đã đăng, lưu ý rằng phản ứng này có trước khi xác minh tính xác thực của bài báo (cho dù những người “kiểm tra thực tế” (fact-checkers) của họ có thể cũng rất mơ hồ). Điều này đặt ra nghi vấn về cơ sở hành xử của Facebook nhằm hạn chế phạm vi tiếp cận của bài báo và thậm chí là kiểm duyệt hiệu quả nó.
Twitter còn đi xa hơn Facebook khi dán nhãn cảnh báo vào các tweet và cấm người dùng đăng đường liên kết của bài viết trên tờ Post — dù công khai hay qua tin nhắn trực tiếp. Họ thậm chí còn khóa tài khoản của một số người dùng đã làm như vậy, bao gồm cả New York Post và thư ký báo chí của Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany.
Sau khi cố gắng đưa ra lý do kiểm duyệt, Twitter lập luận rằng bài viết của Post đã vi phạm các “Chính sách về thông tin cá nhân và riêng tư” cũng như vi phạm “Chính sách về tài liệu bị tấn công”.
Trong một tuyên bố riêng, Twitter nói rằng nền tảng này “nghiêm cấm việc sử dụng dịch vụ của chúng tôi để phát tán những nội dung thu thập được mà không được uỷ quyền”.
Liệu điều này có nghĩa là sau này tất cả các bài báo trên các phương tiện truyền thông có chứa tài liệu bị rò rỉ sẽ bị nền tảng này cấm? Và liệu tiêu chuẩn này có được áp dụng đồng đều cho tất cả các tổ chức truyền thông?
Theo tiêu chuẩn riêng của Twitter, một số bài báo từng được sản xuất dựa trên các tài liệu bị rò rỉ sẽ không có chỗ đứng trên nền tảng của nó.
Các quy định của Twitter và Facebook quá mơ hồ đến mức nguy hiểm vì các nền tảng này có thể chọn kiểm duyệt nội dung bất cứ khi nào họ thấy phù hợp.
Họ có thể có quyền làm như vậy nếu họ là nhà xuất bản. Nhưng thay vào đó, Twitter và Facebook đã kịch liệt phủ nhận bản thân là nhà xuất bản, mà ngược lại lý luận rằng họ là các nền tảng mở, được hưởng các biện pháp bảo vệ theo Điều 230 của Đạo luật về Khuôn phép Truyền thông.
Facebook và Twitter hiện đã vượt qua ranh giới đó một cách công khai và ngang nhiên đến mức, giống như các phương tiện truyền thông mà họ kiểm duyệt, họ trở thành nhà xuất bản một cách có hiệu lực. Vì vậy, họ cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn về trách nhiệm pháp lý tương tự.