Tuyệt thế ‘Thần kiếm’ ngủ say dưới lòng đất 2,500 năm, giới khoa học hiện đại kinh ngạc
Nền khoa học kỹ thuật đặc biệt của Trung Quốc cổ đại đã bị lãng quên trong sau năm tháng dài đằng đẵng của lịch sử mấy ngàn năm. Tuy nhiên, những kỳ quan đã được khai quật, khiến người ta không khỏi kinh ngạc tán thán. Thần kiếm chính là một trong số đó. Thần kiếm chôn ở ngôi mộ cổ hơn 2,000 năm, ánh quang từng chói lọi thời xưa vẫn lấp lánh cho đến ngày nay, vượt trên nhận thức của con người hiện đại về khoa học kỹ thuật của Trung Quốc cổ đại.
Tuyệt kiếm của Việt Vương Câu Tiễn ngủ say 2,500 năm thấy lại ánh mặt trời
Thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn vào cuối thời Xuân Thu (năm 465 TCN) đã ngủ say dưới lòng đất 2,500 năm, mãi đến năm 1965 mới được khai quật từ ngôi mộ Sở tại số 1 Vọng Sơn thuộc huyện Giang Lăng tỉnh Hồ Bắc (tức thành phố Kinh Châu ngày nay). Nó một lần nữa lại được nhìn thấy ánh mặt trời.
Điều gây chấn động là khi khi thanh kiếm được đào lên, nó không hề bị hoen gỉ, ánh sáng sắc lạnh chiếu ra bốn phía, nước thép như mới, vô cùng sắc bén, hơn 20 lớp giấy vạch một cái là rách, điều này cũng phá vỡ quan niệm lạc hậu của người hiện đại đối với khoa học kỹ thuật Trung Quốc cổ đại – Thì ra kỹ thuật cổ đại cao siêu tới mức hậu nhân chạy theo không kịp!
“Kiếm Việt Vương Câu Tiễn” dài 55.7 cm; rộng 4.6 cm; chuôi kiếm dài 8.4 cm; nặng 875 gram. Phần chính diện hộ thủ trên chuôi kiếm (chia cách thân kiếm và chuôi kiếm) khảm lưu ly màu lam, mặt sau khảm thạch màu xanh ngọc. Chỗ thân kiếm gần hộ thủ, có khắc 8 chữ dạng điểu trùng thư rất bay bướm và trang nhã “Việt Vương cưu thiển tự sạ dụng kiếm”. Điểu trùng thư là một loại văn tự rất thịnh hành ở nước Việt vào thời kỳ giữa Xuân Thu đến thời Chiến quốc. Trong tiếng Quảng đông, âm điệu của hai từ “Cưu thiển” (鸠浅) và “Câu Tiễn” (句践) giống nhau như đúc. Sau khi nghiên cứu khảo chứng, giới học giả kết luận hàng chữ trên kiếm này tức “Việt Vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm” .
Hai điểm đặc sắc của “Kiếm Việt Vương Câu Tiễn”
“Kiếm Việt Vương Câu Tiễn” đồng thời thể hiện ra thành tựu về hai phương diện: Kỹ thuật đúc kiếm tinh xảo huyền bí và kỹ thuật trang trí tinh tế đẹp đẽ sống động. Có 5 điểm nổi bật của thanh kiếm thách thức trình độ khoa học kỹ thuật đương đại của chúng ta.
1. Sự kết hợp của hợp kim và kim loại – tỷ lệ hợp kim khác nhau được đúc trên cùng một thanh kiếm như thế nào?
Các chuyên gia đã sử dụng phương pháp phân tích phi chân không huỳnh quang tia X để trắc định [1], phát hiện thành phần chính của thanh kiếm này là đồng, ngoài ra còn có các thành phần như thiếc, chì, sắt, lưu huỳnh v.v,, và tỷ lệ hợp kim của các bộ phận khác nhau của thanh kiếm cũng khác nhau. Ví dụ như sống lưng của thanh kiếm có hàm lượng đồng lên tới hơn 80%, phần lưỡi kiếm có hàm lượng thiếc cao. Hàm lượng đồng ở thân kiếm nhiều, có thể khiến thanh kiếm có tính bền dẻo tốt, không dễ bẻ gãy, phần lưỡi kiếm có lượng thiếc cao khiến nó sắc bén hơn. Đây là kỹ thuật tổng hợp kim loại mà thời đại hiện nay cũng khó đạt được, vậy mà nó đã được sử dụng trên thanh kiếm cổ hơn 2,500 năm trước. Vậy, loại công cụ và quy trình nào đã được sử dụng vào thời điểm đó?
2. Thanh kiếm cổ trong quan tài chôn sâu dưới lòng đất ngủ say 2,500 năm, vì sao không bị gỉ, không bị ăn mòn, vẫn sắc bén như mới?
Kiếm Câu Tiễn không bị gỉ, không bị ăn mòn, đây là điều khiến cho hậu nhân tkinh ngạc thán phục và khó hiểu nhất, loại hiện tượng này về sau cũng xuất hiện rất nhiều trên khí cụ bằng đồng thau khai quật được. Vậy người Trung Quốc cổ đại rốt cuộc đã dùng công nghệ khoa học kỹ thuật nào để chống gỉ? Mãi cho đến ngày nay vẫn khiến giới khoa học kỹ thuật phương Tây phải tìm tòi khám phá.
Thành phần chủ yếu của kiếm đồng là đồng và thiếc. Độ dẻo của thiếc rất tốt, không dễ bị oxy hoá, nếu như toàn bộ bề ngoài của thanh kiếm đồng được tráng một lớp màng mỏng bằng thiếc, có thể sinh ra hiệu quả chống gỉ, chống mục rất tốt; nếu như chế tác tốt, hiệu quả có thể đạt đến trên 2,000 năm.
Một phương pháp chống gỉ khác là tráng một lớp crom. Năm 1970, khi hầm mộ chôn Tượng Binh Mã (chiến binh đất nung) thời Tần Thủy Hoàng được phát hiện, rất nhiều kiếm đồng và kiếm vẫn sáng bóng như mới giống như Kiếm Câu Tiễn vậy. Các khoa học gia Trung Quốc đã xác định được một lớp crom trên một nhóm nhỏ binh khí bằng đồng. Vào thời điểm đó, giới học thuật trên toàn thế giới đều chấp nhận rằng công nghệ chống gỉ bằng cách ngâm trong dung dịch crom oxit là cách bảo quản vũ khí bằng đồng hoàn hảo cách đây hơn 2,000 năm.
Một bài báo được xuất bản trên Tạp chí Scientific Reports xuất bản vào tháng 4/2019 [2] đã đưa ra những kiến giải mới, chỉ ra rằng trạng thái bảo quản tốt nhất của đồ đồng có thể là do trên bề mặt có nhiều hàm lượng thiếc, dẫn đến một lớp thiếc dày có tác dụng chống ăn mòn. Đồng thời, bài báo này cũng phủ định luận chứng cho rằng ngâm trong dung dịch Crom oxit có thể chống gỉ được phổ biến chấp nhận trong nửa thế kỷ qua, và chỉ ra nguồn gốc của nguyên tố Crom đo được trên thanh kiếm trong các nghiên cứu trước đó thực ra là từ sơn sống. Có nghĩa là, công đoạn quét lên một lớp sơn sống là kỹ thuật quan trọng để chống gỉ.
Cho đến hiện tại, tất cả nghiên cứu phát hiện đều chưa thể hoàn toàn giải khai được bí ẩn trong kỹ thuật chống gỉ thời Trung Quốc cổ đại. Trái lại, càng làm nổi bật hơn trình độ tiên tiến trong kỹ thuật chống gỉ trên kiếm đồng và các đồ đồng thau của người Trung Quốc cổ đại.
3. Ô hoa văn hình thoi với các đường song song đã được làm ra như thế nào?
Toàn bộ kiếm được trang trí bằng hoa văn hình thoi, hơn nữa tại chỗ đường hoa văn giao nhau còn tạo ra hoa văn đám mây hình tia chớp, nhìn bề mặt đều đặn như một thể thống nhất. Nhìn những ô hoa văn có quy luật được trang trí giống như được khắc vào, giới kỹ thuật hiện đại không thể hiểu được kỹ thuật khắc trang trí trên kiếm đã được làm như thế nào.
Dùng phương pháp phân tích huỳnh quang tia X phi chân không để trắc đinh, thì phát hiện thấy ở chỗ ô hoa văn có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn những bộ phận khác. Lưu hóa (luyện với lưu huỳnh) có thể giữ cho hoa văn sáng và bền, đồng thời sunfua đồng cũng có tác dụng chống gỉ.
4. Chữ trên thân kiếm được khắc như thế nào?
Trên thân kiếm có khắc 8 chữ dạng điểu trùng thư “Việt Vương cưu thiển tự sạ dụng kiếm” vẫn hoàn hảo như mới. Rốt cuộc nó đã được khắc lên đó như thế nào?
Người thời nay bắt chước tạo ra thanh kiếm giống kiếm cổ bằng cách sử dụng một trong những phương pháp đúc đồng thời cổ là đúc mẫu chảy để làm ra thanh kiếm mẫu, sau đó lại dùng phương pháp thủ công khảm sợi tơ vàng vào để hoàn thành chữ khắc. Tiếp theo đó, lại dùng sơn trắng quét lên, mô phỏng theo kỹ thuật công nghệ mỹ thuật của 2,500 năm trước. Tuy nhiên, đây không nhất định là cách mà người xưa đã sử dụng để tạo ra thanh kiếm.
5. Đế chuôi kiếm có 11 hình tròn đồng tâm nằm sát cạnh nhau, đã được chế tạo như thế nào?
Mặt đế chuôi kiếm hình tròn, trên mặt hình tròn có 11 vòng tròn đồng tâm, khoảng cách giữa mỗi vòng tròn chỉ có 0.2 mm. Chi tiết này ngay cả kỹ thuật và máy tiện hiện đại ngày nay cũng khó có thể thực hiện được. Qua đó có thể thấy rằng, sự tinh tế và trình độ kỹ thuật thủ công của người xưa quả là vượt trên trình độ máy móc ngày nay.
Thiên hạ đệ nhất kiếm – Hội tụ tinh hoa của Trời và Đất
Biểu hiện xuất sắc của những thanh kiếm được coi là “thiên hạ đệ nhất kiếm” trên đây đã đạt tới trình độ khiến con người hiện đại sau 2,500 năm phải kinh ngạc. Trong những ghi chép còn lại của “Ngô Việt Xuân Thu”, chúng ta có thể tìm được một số tư liệu về sự kỳ diệu huyền bí của Thần Kiếm. Tuy nhiên, thời hiện đại ngày nay rất ít người đi tìm tòi nghiên cứu, có lẽ là do lòng người thay đổi, trời đất cũng thay đổi, cho nên nghiên cứu tìm tòi cũng không thể được nữa.
“Ngô Việt Xuân Thu” nói, Khu Dã Tử (còn gọi là Âu Dã Tử) đã tạo nên những thanh kiếm nổi tiếng trong thiên hạ, chính là biết lợi dụng “tinh hoa của Trời Đất”. Ông đã thu nhặt thiếc ở núi Xích Cận, đồng ở suối Gia. Những thành phần được tìm thấy bằng phương pháp phân tích trắc định hiện đại, ăn khớp với những ghi chép về lịch sử cổ đại. Thiếc ở núi Xích Cận, đồng ở suối Gia trong cổ sử ghi chép là thuộc về đồ quý báu hiếm thấy khó gặp, chắc chắn nguyên liệu ở chỗ này chứa thành phần kim loại tốt và bí ẩn. Hơn nữa, khoáng vật quý hiếm dường như chỉ vì danh tiếng của người thợ mà được khai mở ra. Sau khi Âu Dã Tử chết, miệng mỏ thiếc núi Xích Cận khép kín lại, nước suối Gia lại dâng cao, mỏ đồng cũng không khai thác được nữa.
Kỳ thực, sự huyền bí của Thần Kiếm cổ đại không chỉ dừng ở vật liệu, trên thân thanh kiếm tụ hợp “tinh hoa của Trời Đất”, đó là điều mấu chốt. “Tinh hoa của Trời Đất” lại chỉ điều gì? Đây chính là chỗ mà khoa học phương Đông và khoa học thực chứng của phương Tây có sự khác biệt, khiến hậu thế chúng ta phải tiếp tục tìm tòi.
Sự kỳ diệu của văn hóa Thần truyền
Văn hóa Trung Quốc coi trọng Thiên nhân hợp nhất. “Thiên” không chỉ là Trời của vật chất và tự nhiên, mà còn là Thần ở cảnh giới cao, là Chủ tạo ra vạn vật. Văn hóa Trung Hoa là văn hóa Thần truyền, Thần truyền cho người Thần Châu Trung Quốc đủ loại thần vật, hun đúc ra được văn hóa ưu việt bất hủ. “Ngô Việt Xuân Thu” ghi chép, sau khi luyện được các nguyên liệu như đồng và thiếc để đúc kiếm, nhất định phải “chọn ngày tốt giờ lành” [3], từ trên Thiên thượng có Vũ Sư tưới nước, Lôi Công đánh trống, Giao Long bưng lò, Thiên Đế thêm than, đồng thời Thần Thái Nhất hạ phàm giám sát trông coi, kiếm Thần mới được tạo ra.
Lịch sử đã đi đến thời hiện đại ngày nay, đạo đức của con người đa số là đang trượt dốc, người bất kính với Thần càng ngày càng nhiều, thậm chí chống lại Thần. Vậy nên, họ không còn nhận được ân điển của Thần, từ lâu rồi không còn được Thần chỉ dẫn, Thần tích cũng không xuất hiện nữa. Rất nhiều người hoặc coi Thần tích là những chuyện vô căn cứ.Tuy nhiên, đối diện với kiếm Thần cổ đại được khai quật, người hiện đại không cách nào lý giải được sự ảo diệu tinh vi ở trong đó. Chúng ta nếu như không từ gốc rễ của văn hóa mà đi tìm về nguồn gốc chính thống, thì sẽ vĩnh viễn không thể lý giải được
Sự phát triển của văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây là đi theo hai con đường khác nhau, là hai bộ hệ thống khác biệt. Khoa học Trung Quốc cổ đại là đặt cuộc sống của con người và vũ trụ trong một hệ thống tương ứng, và đi thẳng vào những bí ẩn của vũ trụ để khám phá con đường của sinh mệnh, bởi vậy, có nhiều biểu hiện kết nối với thế giới thần linh. Điều này được thể hiện trong tín ngưỡng tâm linh, biểu hiện trong tu dưỡng đạo đức, và cũng triển hiện ở sự phát triển và thành tựu của nền văn minh vật chất. Thanh kiếm thiên hạ đệ nhất này, cũng là một minh chứng trong số đó.
Nghề đúc kiếm thủ công trong văn hóa Trung Hoa đã đánh dấu vị thế thành tựu khoa học kỹ thuật cổ đại trong vũ trụ. Vị thế này đã phản ánh mức độ tương thông giữa con người và Thiên đạo.
Chú thích
[1] Vào tháng 12 năm 1977, Phòng thí nghiệm Máy gia tốc tĩnh điện của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Tổ nghiên cứu hoạt hóa của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Thượng Hải, Viện Khoa học Trung Quốc, và nhóm viết cuốn “Lịch sử Luyện kim ở Trung Quốc” thuộc Học viện gang thép Bắc Kinh, đã cùng nhau nghiên cứu, áp dụng phương pháp phân tích trắc định huỳnh quang tia X phi chân không đối với thanh kiếm Việt Vương Câu Tiễn, để kiểm tra một cách khoa học thành phần không bị phá hủy của thanh kiếm, và thu được kết quả số liệu về tỷ lệ hợp kim đồng thau trên từng bộ phận của thanh kiếm.
[2] Luận văn: Surface chromium on Terracotta Army bronze weapons is neither an ancient anti-rust treatment nor the reason for their good preservation.
Trang web:https://www.nature.com/articles/s41598-019-40613-7
[3] Hầu tước Nam Triều, thi nhân Tiêu Tử Phạm đã nói trong bài thơ “Thất Dụ” rằng giờ lành ngày tốt để đúc kiếm cũng gọi “Thiên trung”. “Thiên trung” cũng gọi là “Thiên trung tiết”, chính là ngày 5/5 Hoàng lịch, lợi dụng “Dương cực thủy” của ngày 5/5 để tạo kiếm, loại kiếm này đặc biệt rất sắc bén và rất bền qua năm tháng.
Tác giả: Doãn Gia Huy
Vương Du Duyệt biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: