Tuyên truyền của Trung Cộng ở trong và ngoài nước: Truyền thông Trung Quốc tấn công Hoa Kỳ
Phần 3/3: Bộ máy tuyên truyền trong nước của Bắc Kinh tán dương Trung Cộng, kiểm soát người dân trong nước, và chế nhạo Hoa Kỳ.
Tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm 2021, công cuộc tuyên truyền này đã được đẩy mạnh, trong đó tán dương cả Đảng này và ông Tập Cận Bình.
Ở một đất nước Trung Quốc vốn đã trở nên thịnh vượng và là nơi mà sự cạnh tranh trong nền kinh tế mới này rất khốc liệt, thì những người dân thường sẽ dễ dàng quay lưng lại với cái Đảng đã từng phỉ báng giới thượng lưu. Thế nhưng thông qua các nỗ lực tuyên truyền không ngừng và định kỳ viết lại thông điệp mà giờ đây lại cho rằng việc trở nên giàu có là một hành động thể hiện lòng yêu nước, Trung Cộng không chỉ thành công trong việc luôn thích ứng, mà còn giữ vững được vị trí tối cao. Phương châm của năm nay là “luôn đi theo Đảng.”
Đối với một thế hệ trước, trẻ em đi học ở Trung Quốc phải đọc một chuyên mục có nhan đề là “Chủ nghĩa Xã hội là Tốt. Chủ nghĩa Tư bản là Xấu.” Điều này đã giúp thúc đẩy tư tưởng cho rằng Trung Cộng chăm lo cho người dân của mình trong khi phương Tây lại bỏ mặc cho người dân của họ chịu khổ, đơn độc trong cảnh đói ăn cho đến chết. Những người thực sự tin vào điều này rốt cuộc sẽ thấy xót thương cho những người Mỹ, những người mà trung bình giàu gấp sáu lần so với người dân Trung Quốc. Ngày nay, thật khó để thuyết phục người dân Trung Quốc tin rằng mọi người Mỹ đều nghèo khó, nhưng giới truyền thông nhà nước đã làm rất tốt việc bóp méo sự bất bình đẳng giàu nghèo và vấn đề vô gia cư ở Hoa Kỳ.
Ông Tập đã tuyên bố rằng nhiệm vụ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và các cơ quan tuyên truyền khác là thể hiện tính ưu việt của hệ thống Trung Quốc, thông qua sự thịnh vượng. Các bài báo Hoa ngữ thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền thông nhà nước mô tả rằng hệ thống kinh tế Hoa Kỳ bất công như thế nào và “sự bất bình đẳng tai hại” ra sao.
Trong kinh tế học, thước đo bất bình đẳng giàu nghèo của một quốc gia được gọi là hệ số Gini. Năm 2016, hệ số Gini của Trung Quốc là 38.6, trong khi Hoa Kỳ có hệ số Gini là 41.5. Điều đó có nghĩa là bất bình đẳng giàu nghèo ở Hoa Kỳ chỉ cao hơn một chút so với Trung Quốc. Nhưng 29% người làm công ăn lương thấp nhất ở Hoa Kỳ kiếm được hơn 25,000 USD mỗi năm, trong khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc kiếm được khoảng 10,000 USD mỗi năm. Đồng thời, Trung Quốc có số tỷ phú gần bằng Hoa Kỳ. Đáng lo ngại hơn nữa, là 600 triệu người Trung Quốc vẫn đang sống ở mức thu nhập 140 USD/tháng. Vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo ở Trung Quốc ít nhất cũng tồi tệ, nếu không muốn nói là tồi tệ hơn nhiều [so với Hoa Kỳ].
Bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng ở trong nước khai thác mỗi bước đi sai lầm của các quốc gia phương Tây trong quá trình ngăn chặn sự bùng phát của COVID-19, kể cả một số lượng lớn người tử vong ở Hoa Kỳ. Mỗi sai lầm ở một quốc gia dân chủ đều trở thành một mẩu chuyện thêm nữa mà Bắc Kinh khai thác để tăng thêm lợi ích cho chính họ. Những quan điểm này lại được tán dương bằng Hoa ngữ trên các kênh truyền thông nhà nước, sau đó được đăng lại bằng Anh ngữ trên tờ Global Times để toàn bộ thế giới, bên ngoài Trung Quốc đọc được.
Giới truyền thông Trung Quốc đã khai thác vụ xâm nhập Điện Capitol hôm 06/01 để chứng tỏ sự chia rẽ bên trong nội bộ Hoa Kỳ. Các bài báo, bên trong Trung Quốc, đã đi xa đến mức còn gọi Hoa Kỳ là một quốc gia thất bại. Bắc Kinh tận dụng những câu chuyện tiêu cực về Hoa Kỳ để làm bằng chứng cho thấy nền dân chủ hoặc không tồn tại ở Hoa Kỳ, hoặc nền dân chủ đang sụp đổ, và do đó, công dân Trung Quốc nên vui mừng vì họ đang sống dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Trung Cộng.
Truyền hình do nhà nước kiểm soát bao gồm cả việc dẫn tin bài của các kênh truyền thông Hoa Kỳ như một phần của chiến dịch tuyên truyền trong nước. Các hãng thông tấn Trung Quốc thường xuyên dẫn ra cho các công dân Trung Quốc những bài báo nào của truyền thông Hoa Kỳ ủng hộ các câu chuyện chính thức của Trung Cộng. Một bài viết bằng Hoa ngữ trên cổng thông tin Sina có nhan đề dịch ra là “Hoa Kỳ đang trải qua một cuộc sụp đổ lớn.” Bài viết này có dẫn chứng tham chiếu đến một bài báo của tờ Washington Post, có nhan đề Hoa ngữ được dịch ra là “Một sự sụp đổ lớn ở Hoa Kỳ.”
Bắc Kinh cũng sử dụng những tin bài này của Mỹ để tạo dựng Trung Quốc như là một chuyên gia có thể giúp đỡ các quốc gia khác, hoặc như một nạn nhân của chủ nghĩa sô-vanh phương Tây, hoặc như một người hùng/vị cứu tinh của thế giới. Trung Quốc được khắc họa như là một chuyên gia trong các bài viết về vai trò người hùng mà Trung Cộng đã đảm nhận trong việc kiểm soát virus corona, ca ngợi những người ứng phó và những y tá tuyến đầu của họ, hoặc khoe khoang về việc viện trợ cho Ý trong giai đoạn đầu của đại dịch. Không chỉ hầu hết các quốc gia không biết ơn Trung Quốc, mà nhiều quốc gia còn muốn buộc Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về cách giải quyết sai lầm và những lời xảo ngôn về COVID-19, cũng như sự mất tích của một số người tố giác ở Trung Quốc.
Đôi khi, các kênh truyền thông nhà nước có thể minh họa Trung Quốc như một nạn nhân không may. Một bài báo trên trang webe Hoàn Cầu (Huangqiu) tuyên bố rằng “Các đặc vụ FBI thừa nhận họ đã đổ oan cho vị giáo sư Trung Quốc.” Bài báo này đề cập đến ông Hồ An Minh (Anming Hu), một giáo sư phụ tá kỹ thuật tại Đại học Tennessee, Knoxville (UTK), người bị bắt vào năm ngoái (2020) với cáo buộc đã nói dối về mối liên hệ của mình với một trường đại học Trung Quốc trong khi đang nhận tiền tài trợ từ NASA. Cuối cùng, một thẩm phán liên bang đã tuyên bố đó là một vụ xử án sai sau khi bồi thẩm đoàn không đưa ra được một phán quyết.
Nhưng vô số các trường hợp khác cho thấy Trung Cộng đã sử dụng các học giả làm gián điệp. Tiến sĩ Charles Lieber, chủ nhiệm Khoa Hóa học và Sinh hóa học của Đại học Harvard, đã bị FBI bắt giữ vì không tiết lộ mối liên hệ của ông với Trung Cộng. Ông Lieber đã nhận được khoản thanh toán 50,000 USD hàng tháng, cũng như 1.5 triệu USD, từ Bắc Kinh với vai trò là một “khoa học gia chiến lược” tại Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) và cho việc tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của Trung Quốc. Các học giả khác đã bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Cộng hoặc không tiết lộ mối liên hệ của họ với Bắc Kinh bao gồm cả những người sau: cô Diệp Diên Khánh (Yanqing Ye), một trung úy trong Quân đội Giải phóng Nhân dân, cô đang theo học tại Khoa Vật lý, Hóa học và Kỹ thuật Y sinh của Đại học Boston (BU); và anh Trịnh Táo Tùng (Zaosong Zheng), người đang thực hiện nghiên cứu ung thư tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston. Anh Trịnh bị bắt khi đang cố tuồn lậu các lọ vật liệu hữu cơ mà anh ta đã lấy cắp từ phòng thí nghiệm, để mang về Trung Quốc.
Việc truyền thông nhà nước thể hiện Trung Cộng như một anh hùng hay một nạn nhân vào một ngày nào đó phụ thuộc vào hình ảnh nào phù hợp nhất với nhu cầu tức thời lúc đó của chính quyền Trung Quốc.
Khi nhà cầm quyền này bất hòa với một quốc gia ngoại bang, việc tuyên truyền được lên kế hoạch để hướng dư luận chống lại quốc gia đó. Năm 2019, Trung Quốc trừng phạt Na Uy vì đã trao giải Nobel cho nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Lưu Hiểu Ba. Tương tự, việc tuyên truyền của Trung Cộng đã kích động sự tức giận của công dân Trung Quốc đối với Úc vì nước này kêu gọi cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.
Năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) đã viết trên Twitter rằng nếu Hoa Kỳ quá lo ngại về tính minh bạch và về việc phát hiện ra nguồn gốc thực sự của COVID-19, thì Hoa Kỳ phải mở cửa phòng thí nghiệm phòng thủ sinh học của chính mình, tại Fort Detrick ở Maryland, cho các thanh tra quốc tế. Dòng tweet này ngay lập tức được các kênh truyền thông nhà nước săn đón, trở thành cơ sở cho các bài báo được xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập và các ngôn ngữ khác. Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu của Trung Quốc và Thời báo Hoàn cầu do nhà nước điều hành đã đăng tải các phiên bản của bài báo, mà theo chỉ thị của ông Tập, nói rằng truyền thông nhà nước cần phải quảng bá “những tuyên truyền tích cực” để “dẫn hướng dư luận một cách đúng đắn.”
Trung Cộng có toàn quyền kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông tin tức và kiểm duyệt hoàn toàn các phương tiện truyền thông xã hội, trong khi họ có thể ngăn chặn những thông tin không mong muốn bằng Tường Lửa Vĩ Đại (Great Firewall). Người dân ở Trung Quốc đại lục chỉ có thể xem những gì mà Trung Cộng muốn cho họ xem.
Những người dân thường Trung Quốc không biết rằng ở Tân Cương, có hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị bức hại, tra tấn, giam giữ hoặc bị cưỡng bức lao động và thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Họ cũng không biết có vô số người Tây Tạng đã bị sát hại hay hàng triệu người đã bị tước đoạt tôn giáo và ngôn ngữ của họ. Họ không biết về nạn diệt chủng văn hóa đang diễn ra ở Tây Tạng, Đông Turkestan (Tân Cương) và Nam Mông Cổ (Nội Mông). Tuy nhiên, họ biết về trường hợp tử vong của George Floyd và các cuộc bạo loạn ngay sau đó đã nhấn chìm Hoa Kỳ.
Trong khi Trung Cộng đang tiến hành cuộc diệt chủng chống lại cộng đồng người Hồi giáo ở ngay tại Trung Quốc, thì Thời báo Hoàn cầu, một cơ quan ngôn luận của Đảng, đang đăng tải những câu chuyện về sự ngược đãi của Hoa Kỳ đối với những người Mỹ gốc Hồi giáo. Tờ báo này đã đi xa đến mức gọi Hoa Kỳ là “một quốc gia của những kẻ khai hoang diệt chủng theo chủ nghĩa bành trướng và thực dân.” Chính những độc giả Trung Quốc này sẽ không biết được rằng Đông Turkestan và Tây Tạng đã từng có độc lập cho đến khi bị Trung Cộng cưỡng bức sáp nhập [vào Trung Quốc] bằng một cuộc xâm lược quân sự.
Nhiều chuyên gia coi tuyên truyền là cơ chế kiểm soát quyền lực nhất của Bắc Kinh. Các cơ quan tuyên truyền của Trung Cộng tuyển dụng hàng triệu người, có ngân sách đồ sộ và công nghệ phức tạp để họ có thể sử dụng tùy ý. Bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền này hoạt động dựa trên niềm tin rằng tuyên truyền không phải là dối trá hay lừa gạt, mà đúng hơn, là một phần thiết yếu và đầy tính nhân văn để xây dựng và duy trì quốc gia này.
Ghi chú của người biên tập: Phần 1 nói về cách ĐCSTQ sử dụng phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ để tiến hành cuộc chiến tuyên truyền ở ngoại quốc. Phần 2 thảo luận về việc làm thế nào mà chiến dịch tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh lại được các công dân và công ty Hoa Kỳ hậu thuẫn, tùy thuộc vào nguồn tiền của Trung Cộng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: