Tuyên truyền của Trung Cộng đã xâm nhập vào truyền thông ở Pháp như thế nào?
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính quyền Trung Cộng vẫn không ngừng thắt chặt kiểm soát thông tin. Chế độ này không ngần ngại gây áp lực lên các phương tiện truyền thông, đe dọa và sách nhiễu để áp đặt ý thức hệ của mình và thao túng thông tin trên phạm vi toàn cầu.
Thông điệp của nhà cầm quyền này là Trung Quốc đã trở thành một cường quốc hòa bình và sinh thái, đã xóa đói giảm nghèo. Không có gì rõ ràng hơn là sự thật. Ngày nay, Bắc Kinh đang muốn thôn tính Biển Đông bằng quân sự, đe dọa xâm lược Đài Loan và đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Đói nghèo vẫn chưa được xóa bỏ và mức độ ô nhiễm vượt quá mức của tất cả các nước phát triển. Nhưng bất chấp những điều đó, tuyên truyền của Trung Cộng kể cho quý vị những câu chuyện khác.
Tính đến năm 2021, Trung Quốc vẫn là nhà tù lớn nhất thế giới dành cho các ký giả và những người ủng hộ tự do báo chí. Bên ngoài biên giới, Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy mô hình đàn áp và thiết lập một “trật tự truyền thông thế giới mới” dưới ảnh hưởng của mình.
Dưới đây là các cách thức khác nhau mà chế độ Trung Cộng sử dụng để xâm nhập vào giới truyền thông ở Pháp và trên toàn thế giới.
Phụ trương quảng cáo và bài viết theo đặt hàng: Chính sách con ngựa thành Troy
“Truyền năng lượng tích cực vào sự phát triển của thế giới” là nhan đề một bài báo của China Daily xuất bản hồi tháng 03/2021. Tờ báo của nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi sự tuyên truyền thông tin của mình trên báo chí phương Tây. Thật vậy, vào năm 2020, hơn 750 chủ đề đã được xuất bản trên gần 200 phương tiện truyền thông ở 40 quốc gia.
Hồi tháng 03/2021, báo L’Opinion đã đăng hai bài báo từ China Daily. Không cần cảnh báo thêm, độc giả sẽ đọc một bài báo ca ngợi khả năng “giảm nghèo thông qua bảo tồn sinh thái” của Trung Quốc. Bài báo thứ hai ca ngợi khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, bảo đảm “trung bình mỗi ngày có khoảng 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc mới được thành lập”. Theo tờ Marianne, đối với loại bài đăng này, L’Opinion có thể nhận được từ 17,000 đến 30,000 euro cho mỗi bài, tùy thuộc biểu phí của họ.
Lưu ý rằng China Daily là một trong số các cơ quan truyền thông chính thức được Ủy ban Trung ương Trung Cộng tài trợ với mục đích quảng bá tuyên truyền về chế độ.
Theo L’Express, hồi tháng 03/2019, trong chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình tới Pháp, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã mua và đăng tải nhiều bài xã luận trên các tờ Le Parisien, Le Figaro, Les Échos hay Le Monde để quảng bá mô hình kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Theo tính toán của kênh France 2, chiến dịch này ở Pháp “có thể tiêu tốn hơn một triệu euro” của Tân Hoa Xã.
Theo báo cáo của Tổ chức Ký giả Không Biên giới (RSF) được công bố vào năm 2018, các hãng thông tấn lớn như Wall Street Journal, Daily Telegraph và Le Figaro thường xuyên đăng tải các trang bổ sung miễn phí từ tờ China Watch. Những trang thông tin này hoàn toàn được viết bởi China Daily – một tờ báo của Trung Cộng. Phần bổ sung này có tổng số lượng phát hành hơn 13 triệu bản hồi năm 2019, được phân phối dưới dạng phụ trương trong khoảng 30 tờ nhật báo lớn của phương Tây, nhắm mục tiêu đến độc giả bao gồm các giám đốc điều hành và những người có tầm ảnh hưởng.
Theo thông tin từ tờ Liberation, hồi tháng 06/2019, trong khi một triệu người [Hồng Kông] tuần hành để yêu cầu rút lại dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục, thì tờ China Daily đã đăng tải một số thông tin sai lệch thô thiển nhất: “800,000 người nói ‘đồng ý’ với dự luật này.” Tuần sau, sau khi văn bản bị đình chỉ, một phần tư trong số 7.4 triệu cư dân đã xuống đường yêu cầu đặc khu trưởng từ chức. Đối với China Daily, thì đây là “người Hồng Kông tuần hành chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ.” Theo The Guardian, được tờ Liberation trích dẫn, Daily Telegraph sẽ nhận được 860,000 euro mỗi năm cho loại ấn phẩm hàng tháng như vậy. Một món “mồi bánh” tài chính khó cưỡng lại đối với các tờ nhật báo lớn đang làm ăn sa sút.
Báo chí trong nước và quốc tế không phải là đối tượng duy nhất được nhắm đến. Cũng theo Liberation, kể từ tháng 11/2018, BFM Business đã phát sóng “Chine Eco” vào mỗi buổi tối, một chương trình do đài truyền thông nhà nước Radio Chine International (RCI) bảo trợ. Sau một số chủ đề do RCI cung cấp về Pháp và Trung Quốc, một vị khách là kinh tế gia nói về giá trị của việc đầu tư vào Trung Quốc. Ông Stéphane Soumier, một cựu chủ bút, giải thích với ký giả Laurence Defranoux của tờ Liberation rằng, “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng một chương trình nếu chúng tôi không có mối quan hệ đối tác. RCI đề nghị với chúng tôi rằng, nếu quý vị nói về kinh doanh ở Trung Quốc, thì chúng tôi tài trợ cho quý vị.”
Bằng cách chọn các hãng thông tấn như Le Figaro, L’Opinion, Le Parisien, Les Echos, Le Monde, BFM, v.v. Chính quyền Trung Quốc có ý định nhập cảng đơn đặt hàng truyền thông mới vào Pháp thông qua các hợp đồng quảng cáo và các bài xã luận, tận dụng sự nổi bật của các phương tiện truyền thông chính thống để xuyên tạc sự thật và đưa hàng loạt thông tin sai lệch.
Đe dọa thị thực
“Theo dõi, truy vết, trục xuất”, nhan đề của báo cáo thường niên năm 2021 do Câu lạc bộ Ký giả Hải ngoại tại Bắc Kinh (FCCC) công bố không để lại nhiều nghi ngờ. Năm 2021, chưa bao giờ Trung Quốc trục xuất nhiều ký giả hải ngoại “khỏi Thiên An Môn” như vậy. Báo cáo nhấn mạnh sự gia tăng liên tục của cuộc đàn áp các ký giả hải ngoại do cuộc khủng hoảng sức khỏe gây ra, quấy rối các ký giả hải ngoại và tiết lộ sự kiểm soát chưa từng có về công nghệ và con người đối với các ký giả hải ngoại và cộng tác viên người Trung Quốc của họ.
Theo báo cáo, chế độ đã phát triển một kho vũ khí đe dọa và quấy rối thực sự bao gồm nghe lén, đột nhập và giám sát thực tế. Và các mối đe dọa đối với các nguồn tin đến từ người Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng đến mức các ký giả giờ đây ngần ngại liên hệ với họ vì sợ đem lại nguy hiểm cho họ.
Theo bà Hannah Salberg, chủ tịch FCCC, “những gì chúng tôi đã trải qua […] cho thấy các nhà chức trách đã trở nên tinh vi hơn trong các phương tiện giám sát của họ, đến mức gây áp lực lên các nguồn tin của chúng tôi khiến chúng tôi thậm chí không thể xoay sở đối với chủ thể [nguồn tin].”
Theo một báo cáo của RSF, đe dọa về thị thực là một phương thức nổi tiếng hiệu quả ở hậu trường cho đến khi vụ việc của bà Ursula Gauthier xảy ra. Hồi năm 2015, ký giả Ursula Gauthier của tờ L’Obs đã bị từ chối gia hạn thị thực vì một bài báo viết về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Các ký giả “bị trừng phạt tạm thời” phải biết luật chơi: chỉ cần giữ im lặng trong một thời gian đối với các chủ đề được coi là nhạy cảm, chẳng hạn như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, đàn áp ở Tây Tạng, Pháp Luân Công, v.v. để được cấp lại thị thực và công nhận.
Những hình phạt như vậy là một ví dụ cho các ký giả muốn đến Trung Quốc một ngày nào đó.
Mua chuộc các ký giả hải ngoại đến Trung Quốc
Bắc Kinh cũng muốn sử dụng “quyền lực mềm” với các ký giả hải ngoại. Mục đích là để thuyết phục các biên tập viên và những người có ảnh hưởng trên khắp thế giới tin các báo cáo của Bắc Kinh về chế độ Trung Cộng, bao gồm cả việc chứng minh cho người dân Trung Quốc rằng cả thế giới tán thành các chính sách của Đảng Cộng sản. Do đó, các tiểu đoàn ký giả ngoại quốc được Bắc Kinh nuông chiều thông qua các chương trình đào tạo xa hoa, để đổi lấy sự bảo đảm truyền thông tích cực về Trung Cộng.
Theo RSF, hồi tháng 12/2018, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc đã mời một nhóm 22 ký giả người Zambia đến Trung Quốc (tổ chức này tự hào đã tiếp đón hơn 3,400 chuyên gia truyền thông từ 146 quốc gia trên năm châu lục trong những năm gần đây). Kỳ nghỉ bao gồm một chuyến đi đến khu nghỉ dưỡng và thành phố du lịch Trùng Khánh cũng như đến các kênh truyền hình và đài phát thanh với thiết bị công nghệ cao mới nhất. Khi trở về, các ký giả chuyên nghiệp này đã viết rằng “theo thời gian, xã hội Trung Quốc đã hiện đại hóa và các phương tiện truyền thông của họ cũng phát triển theo xu hướng hiện đại, nhưng mang những đặc điểm của Trung Quốc.” Họ còn viết thêm rằng “Hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bảo đảm cho công dân của mình quyền tự do ngôn luận và thông tin.”
Các khóa đào tạo này ở Trung Quốc cùng với tất cả các khoản chi phí đều được tài trợ, đã được đổi lại là hình ảnh tích cực về Đảng, và các ký giả tự kiểm duyệt bản thân trước các chủ đề bị Trung Cộng cấm, thậm chí dùng cách diễn đạt khuôn mẫu trong tuyên truyền của Trung Cộng.
Đây không phải là những cách duy nhất để Trung Cộng xâm nhập vào các phương tiện truyền thông.
Tân Hoa Xã: Xuất cảng mô hình truyền thông Trung Cộng
Hồi năm 2013, ông Lý Công Quân, cựu chủ tịch Tân Hoa Xã, trong một cuộc phỏng vấn với China Daily, đã ủng hộ việc tạo ra một “trật tự thế giới mới trên các phương tiện truyền thông” để thay đổi cán cân quyền lực với các phương tiện truyền thông phương Tây: “Nếu chúng ta không thể quản lý hiệu quả các phương tiện truyền thông mới, những người khác sẽ dẫn đầu thách thức vai trò thống trị của chúng ta trong việc định hướng dư luận.”
Hãng thông tấn Trung Quốc được thành lập vào tháng 11/1931 với tên gọi “Thông tấn xã Trung Quốc đỏ”. Với 4,000 ký giả trên khắp thế giới, Tân Hoa Xã (còn được gọi là Trung Quốc Mới) là một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới, hoạt động với 18 ngôn ngữ và đạt doanh thu 1.2 tỷ euro. “Đó là một cơ quan báo chí lớn của Trung Quốc, cũng là một bộ máy tuyên truyền”, ông Christophe Deloire, tổng thư ký RSF, giải thích trên kênh France 2 năm 2019 “vì nó chịu sự giám sát trực tiếp của Đảng Cộng sản.”
Mục tiêu của chế độ cộng sản này là xuất cảng mô hình truyền thông và tuyên truyền của Trung Cộng sang phương Tây. Với sự giúp đỡ của một cựu ký giả Pháp từ Tân Hoa xã, RSF đã “nêu bật sự thao túng sự thật, lòng căm thù kẻ thù (đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản) và sự thiên vị đối với các chế độ tồi tệ nhất trên thế giới trong cách đối xử với tin tức quốc tế”, RSF giải thích trong một báo cáo.
Theo một cựu giám đốc của một tập đoàn truyền thông Pháp được ký giả Laurence Defranoux của tờ Liberation phỏng vấn, “Lúc đầu, phụ trương dành cho người ngoại quốc có chất lượng kém. Để nâng cao trình độ, họ đã sử dụng đội ngũ các ký giả thất nghiệp. Ngày nay, các tòa soạn của CCTV [đài truyền hình nhà nước, còn được gọi là CGTN] hoặc Tân Hoa Xã đã chật kín những người phương Tây được trả lương cao. Chiến lược thương mại rất rầm rộ, với chi phí rất thấp.”
Hồi năm 2013, Tân Hoa Xã đã củng cố sự hiện diện của mình tại Pháp bằng cách mở một phòng trưng bày rộng 400 mét vuông trên đường Faubourg-Saint-Honoré, cách Cung điện Élysée một đoạn ngắn. Giám đốc điều hành Long Tùng Lâm (Long Songlin) đã giải thích rằng, phòng trưng bày Tân Hoa Xã được đặt mục tiêu trở thành một “nền tảng trao đổi văn hóa giữa Pháp và Trung Quốc” tại thủ đô của Pháp, “trung tâm văn hóa của Âu Châu”. Không có con số nào được đưa ra, nhưng sự đầu tư tốn kém cho không gian thương mại trên con phố nổi tiếng nhất Paris này mang tính biểu tượng cao.
Hồi tháng 12/2018, Tân Hoa Xã và Agence France-Presse (AFP) đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như video, nhiếp ảnh, điện thoại và các phương tiện truyền thông mới.
Tuyên truyền thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội
Theo Le Monde, mạng xã hội cũng đóng vai trò như một nền tảng phổ biến tuyên truyền của chế độ Trung Cộng. “Hồi đầu năm 2020, hoạt động quảng cáo của kênh CGTN (trước đây là CCTV, ndr) đã quảng bá rộng rãi các bài báo liên quan đến đại dịch,” nhà nghiên cứu Vanessa Molter của Stanford và chuyên gia thông tin Renee DiResta đã lưu ý trong nghiên cứu của họ. Trên Facebook, các quảng cáo của kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN đã tiếp cận một lượng lớn khán giả nói tiếng Anh vào đầu năm 2020, với hơn 80 triệu lượt xem.
Hồi tháng 04/2021, đối tác của Figaro đã đăng một chiến dịch quảng cáo trên Twitter như một phần của quan hệ đối tác trả phí với Tân Hoa xã. Bài báo có tiêu đề “Giảm nghèo: Lợi ích vượt ra ngoài Trung Quốc” do Tân Hoa Xã thiết kế và sản xuất và được xuất bản “dưới dạng” một bài báo trên Figaro.
Chúng ta có thể đọc một số đoạn như “Trung Quốc mang đến một tia hy vọng” cho thế giới trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 và “thành quả của những nỗ lực của họ đang có tác động đến việc xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu”. Một vài câu sau, chúng ta biết rằng trong 7 năm, “Trung Quốc đã cố gắng đưa 850 triệu người thoát khỏi đói nghèo”. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây của Financial Times, số liệu nghèo đói của Trung Quốc hoàn toàn bị làm sai lệch. Nhưng bài xã luận vẫn được đăng trên Le Figaro và được sử dụng để tuyên truyền cho chế độ trên mạng xã hội.
Đội quân 50 xu
Trung Cộng cũng sử dụng các nhà bình luận trực tuyến để thúc đẩy nghị trình tư tưởng trên Internet. Họ thường được gọi là “đội quân 50 xu” vì họ được trả 50 xu nhân dân tệ (hoặc khoảng 0.07 euro) cho mỗi bài đăng ca ngợi đảng. Nhiệm vụ của họ được mô tả chính thức là “lèo lái định hướng của dư luận.”
Theo Slate, chiến lược của chính quyền Trung Quốc là đăng tràn ngập Internet với những bình luận ủng hộ chế độ. Tuy nhiên, như các tác giả của một nghiên cứu ở Harvard đã viết vào năm 2017, “chính quyền Trung Cộng đang phát minh ra các thông điệp trên mạng xã hội để đánh lạc hướng mọi người.” Đây là một phần trong chiến lược kiểm soát thông tin mới của họ.
Theo các tài liệu chính thức do The Epoch Times thu được, đó là “sử dụng biệt ngữ điển hình của người dùng Internet để thể hiện quan điểm chính thức của Đảng” và dẫn hướng dư luận trên các trang tin tức, blog, diễn đàn trực tuyến và các nền tảng khác của mạng xã hội ở phương Tây và Trung Quốc.
Đe dọa từ các đại sứ quán Trung Quốc
Hồi tháng 03/2021, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye), Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, đã công kích nhà nghiên cứu Antoine Bondaz của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS). “Tên lưu manh nhãi ranh”, “linh cẩu điên”, “ý thức hệ troll”, đó là những bình luận của ông đại sứ Trung Quốc nhằm chỉ trích ông Antoine Bondaz về các quan điểm “chống Trung Cộng” của ông. Sau chuyến thăm theo kế hoạch của các nghị sĩ Pháp tới Đài Loan, vị đại sứ này đã đe dọa Pháp với các biện pháp trừng phạt. Vị chuyên gia về Trung Quốc, ông Antoine Bondaz sau đó đã chỉ trích “các lệnh” này của Trung Cộng đối với các nghị sĩ Pháp.
Hồi tháng 04/2020, sau một cuộc phỏng vấn trên L’Opinion, ông Lô Sa Dã đã tấn công các hãng thông tấn Pháp qua tài khoản của Đại sứ quán Trung Quốc, “Tôi nhận thấy rằng, các phương tiện truyền thông Pháp, tôi hy vọng họ sẽ độc lập, nhưng trên thực tế, trong giai đoạn này, cuộc chiến dịch bệnh, họ đã không thể hiện sự độc lập.”
Cuộc tranh cãi mới này là một phần của chiến dịch do các đại sứ Trung Quốc dẫn đầu nhằm bác bỏ các cáo buộc đặc biệt các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và việc làm lây lan đại dịch COVID-19.
Các ấn phẩm khoa học cũng bị đe dọa
Theo báo cáo mới nhất của RSF về việc kiểm soát thông tin ở Trung Quốc, sự kiểm duyệt của Trung Cộng gần đây đã lan sang các nhà xuất bản khoa học và học thuật quốc tế. Các nghiên cứu khoa học mà họ công bố, được viết và được bình duyệt một cách ẩn danh và độc lập, là mối đe dọa đối với Bắc Kinh. Kết luận của những nghiên cứu này, vốn có uy tín trên thế giới, rất khó bị phá bỏ bởi luận điệu tư tưởng của Trung Cộng, đó là lý do tại sao Trung Cộng tiến hành kiểm duyệt để cản trở việc xuất bản của những ấn phẩm khoa học này.
Trung Quốc, nhà tù lớn nhất thế giới dành cho các ký giả
Theo RSF, Trung Quốc đứng thứ 176/180 trong bảng xếp hạng tự do báo giới Hàng chục ký giả và blogger đã bị bỏ tù vì công bố thông tin bị chế độ cộng sản kiểm duyệt. Các công cụ đàn áp của Trung Cộng bao gồm bắt cóc, giam giữ bí mật và không cần xét xử, tra tấn và cưỡng bức thú tội.
Một hệ thống kiểm duyệt công nghệ cực kỳ tiên tiến hạn chế 800 triệu người dùng Internet của Trung Quốc có thể tiếp cận thông tin, và một bộ máy giám sát và tuyên truyền tinh vi đã hạn chế khả năng tự do tìm hiểu và bình luận của họ. Người dùng Internet Trung Quốc thường xuyên bị bỏ tù vì đăng các thông điệp ủng hộ dân chủ hoặc vì muốn vượt qua kiểm duyệt.
Vai trò của các ký giả ở Trung Quốc được nêu rõ trong sổ tay tuyên truyền được cung cấp cho các cán bộ của Trung Cộng. Trong cẩm nang này, các ký giả được mô tả như một công cụ phục vụ đảng, dìu dắt nhân dân nhằm “giúp tạo ra một mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
Cho dù là công hay tư, ở Trung Quốc hay ở ngoại quốc, các phương tiện truyền thông Trung Quốc có nghĩa vụ phải tuân theo các chỉ dẫn của Trung Cộng. Đặc biệt là đối với các chủ đề mà Bắc Kinh cho là nhạy cảm: Tây Tạng, Tân Cương, vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, v.v. Ban Tuyên giáo Trung Quốc kiểm soát công việc của 14 bộ và thông báo hằng ngày cho tất cả các phương tiện truyền thông một danh sách các chủ đề cần làm nổi bật, cũng như một danh sách các chủ đề bị cấm đưa tin kèm theo các lệnh trừng phạt.
Do Epoch Times Pháp ngữ thực hiện
Ngọc Quỳnh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Pháp ngữ
Xem thêm: