Tướng Mỹ: Hoa Kỳ đối mặt với mối đe dọa hạt nhân mang tính ‘lịch sử’ từ Trung Quốc và Nga
Theo Thiếu tướng Ferdinand Stoss, giám đốc kế hoạch và chính sách của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, lần đầu tiên Hoa Kỳ phải cạnh tranh đồng thời với hai cường quốc hạt nhân ngang hàng khi Trung Quốc và Nga tiếp tục phát triển và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta có một mối tương quan đồng đẳng hạt nhân ba bên,” ông Stoss cho biết, theo Air Force Magazine. “Và trong lịch sử chúng ta chưa từng có việc này. Điều này thực sự mang tính lịch sử.”
Các bình luận này được đưa ra trong cuộc nói chuyện về hiện đại hóa khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ tại một hội nghị thượng đỉnh hàng năm về răn đe hạt nhân ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Các nhận xét này nhấn mạnh sự hoang mang ngày càng tăng về chính quyền Trung Quốc và những nỗ lực không ngừng của họ để trở thành một đối thủ ngang hàng về hạt nhân của Hoa Kỳ và Nga.
Chế độ cộng sản cai trị của Trung Quốc đang thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân sự có hệ thống, và việc nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân quốc gia được cho là một phần trong đó.
Các hình ảnh vệ tinh vào mùa hè năm ngoái cho thấy Bắc Kinh đang xây dựng hơn 100 hầm chứa mới cho hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa ở tây bắc nước này, và Ngũ Giác Đài đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể có hơn 1,000 vũ khí hạt nhân vào năm 2030.
Ông Stoss, người chịu trách nhiệm phát triển các kế hoạch chiến tranh chiến lược và các phương án dự phòng của Ngũ Giác Đài, nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đã không giải quyết toàn diện các hệ quả của cán cân quyền lực mới và việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động trong tương lai.
Hơn nữa, ông cho biết mối đe dọa tổng hợp của Nga và Trung Quốc là do Hoa Kỳ liên tục đầu tư không đủ vào các nỗ lực hiện đại hóa hạt nhân của mình.
Liên quan đến các nỗ lực hiện đại hóa của Hoa Kỳ, ông Stoss nói rằng nước này đã “thừa nhận” và “chấp nhận những rủi ro này”.
Nhận xét của ông Stoss lặp lại những nhận xét trước đây của bà Patty-Jane Geller, một nhà phân tích chính sách của Heritage Foundation.
“Người Mỹ nên hiểu rằng các mối đe dọa hạt nhân không phải là di tích của Chiến Tranh Lạnh,” bà Geller nói hồi tháng 11/2021. “Khi Trung Quốc mở rộng kho vũ khí để trở thành một đối thủ ngang hàng về hạt nhân với Hoa Kỳ và Nga, thì Hoa Kỳ sẽ phải tìm ra cách để ngăn chặn hai nước đồng cấp về hạt nhân cùng một lúc, điều mà chúng ta chưa từng phải làm trong lịch sử của mình.”
Trong hai mối đe dọa đó, ông Stoss nói rằng mối đe dọa từ Nga mang tính tức thời hơn, nhưng chế độ Trung Quốc đang phát triển theo cách có thể cho phép họ vượt ra khỏi các giới hạn chiến lược theo một cách chưa từng có.
“Chắc chắn, để có được loại hình đột phá này và các khả năng mà họ đưa vào hoạt động sẽ khiến họ mất nhiều năm để lập kế hoạch, phát triển, và sau đó thực sự xây dựng,” ông Stoss nói.
“Tại sao họ lại thực hiện bước đột phá chiến lược này? Chúng ta không biết chính xác… Nhưng, quý vị biết đấy, có lẽ đây chỉ là thêm một viên gạch nữa được đặt vào bức tường nhằm củng cố khả năng của họ để đóng một vai trò mạnh mẽ hơn nhiều, chắc chắn là trong khu vực và trên toàn thế giới, và họ nghĩ rằng họ cần nền tảng hạt nhân này.”
Ông Stoss cũng nói rằng sự trỗi dậy của một thế giới đa cực với hơn hai cường quốc hạt nhân lớn sẽ chấm dứt hiệu quả khả năng của Hoa Kỳ trong việc kiểm soát mức độ bạo lực hiện có trong các khu vực xung đột riêng lẻ, do đó làm tăng nguy cơ xung đột nói chung.
“Ngày nay, cả Nga và Trung Quốc đều có khả năng đơn phương leo thang bạo lực ở bất kỳ cấp độ nào, trên bất kỳ lãnh thổ nào, ở bất kỳ vị trí địa lý nào,… và làm như vậy tại một thời điểm mà họ lựa chọn,” ông Stoss cho hay.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: