Tướng Lực lượng Không gian: Vệ tinh GPS của quân đội Hoa Kỳ bị tia laze của Trung Quốc đe dọa
Tham mưu trưởng Lực lượng Không gian Hoa Kỳ (USSF) Tướng John W. Raymond nói trước Quốc hội rằng các vệ tinh của Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng đang bị đe dọa bởi tia laser và thiết bị gây nhiễu điện tử do Trung Quốc và Nga lập nên.
Diễn thuyết trước các nhà lập pháp tại Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện hôm 07/05, ông Raymond cùng các quan chức Lực lượng Không quân đã làm chứng rằng quân đội Hoa Kỳ phải hành động nhanh chóng và gấp rút để chống lại sự gia tăng quân sự của Trung Quốc, mà họ nói [điều này] đang đặt ra một thách thức lớn cho Lực lượng Không gian.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang sản xuất nhanh chóng các vũ khí không gian có khả năng gây “nhiễu mạnh các vệ tinh GPS và thông tin liên lạc.” Các vũ khí này cũng được thiết kế để điều hướng các hệ thống năng lượng có thể “làm mù, làm gián đoạn hoặc làm hỏng các vệ tinh của chúng ta,” ông Raymond nói.
Ông nói thêm rằng mối đe dọa do các tia laser mặt đất của Trung Quốc gây ra vốn có thể phá hủy các vệ tinh quay quanh địa cầu trong quỹ đạo thấp của Trái đất “hiện giờ là xác thực và đáng lo ngại.”
“Với tốc độ phát triển vũ khí theo cấp số nhân của Trung Quốc cùng sự điều phối rộng rãi của chính quyền và cả ngành công nghiệp, chúng ta không còn thời gian để duy trì cách tiếp cận hiện tại của mình,” ông Raymond, quyền Bộ trưởng Không quân John Roth và Tham mưu trưởng Không quân Charles Brown cho biết trong một tuyên bố.
“Trung Quốc đang trên đà vượt quá khả năng của chúng ta, thế nên chúng ta có nghĩa vụ phải hành động với tinh thần gấp rút,” họ tuyên bố. “Trung Quốc đặt ra những thách thức chưa từng thấy trong lịch sử của quốc gia chúng ta. Chúng ta phải hiểu rõ ràng về những mối đe dọa này và phản ứng của chúng ta đối với chúng.”
USSF chính thức gia nhập Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ (IC) với tư cách là thành viên thứ 18. Trước đó, không có tổ chức nào khác gia nhập IC kể từ năm 2006.
Ông Brown lưu ý rằng mối lo ngại chính của các quan chức hiện nay là khả năng gây nhiễu các vệ tinh GPS — một hình thức tấn công điện tử chống lại vệ tinh gây nhiễu loạn thông tin liên lạc đến và đi từ vệ tinh bằng cách phát ra tiếng ồn có cùng tần số vô tuyến trong phạm vi quan sát của ăng-ten vệ tinh.
Ông Brown cho biết một cuộc tấn công như vậy có thể gây gián đoạn các hoạt động quân sự tại Hoa Kỳ.
Ông Raymond cũng nêu ra các quan ngại rằng các vũ khí không gian do Trung Quốc chế tạo có thể đánh lừa các tín hiệu GPS của Hoa Kỳ, khiến các tín hiệu này bị trượt mục tiêu.
“GPS tuyệt đối quan trọng không chỉ đối với quân đội mà còn rất trọng yếu đối với xã hội của chúng ta,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng Cục Không quân đang nghiên cứu để xây dựng một hệ thống có thể che chắn tốt hơn khỏi sự gây nhiễu và các cuộc tấn công mạng khác.
Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) John Ratcliffe hồi tháng Tư cho biết chế độ Trung Cộng là “đối thủ lớn nhất” của Hoa Kỳ, có khả năng thế chỗ trở thành bá chủ toàn cầu.
“Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của chúng ta theo nghĩa là quốc gia-nhà nước duy nhất có khả năng thách thức và thậm chí thế chỗ Hoa Kỳ trở thành siêu cường thế giới về kinh tế, quân sự và công nghệ,” ông Ratcliffe, từng là Giám đốc Tình báo Quốc gia trong chính phủ cựu TT Trump, cho biết trong một sự kiện hôm 19/04 do viện nghiên cứu chính sách Heritage Foundation có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tổ chức.
Ông mô tả Bắc Kinh vừa là kẻ thù vừa là đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ, lưu ý rằng “họ nên là đối thủ cạnh tranh nhiều hơn là kẻ thù, còn hiện tại thì ngược lại.”
Trước đó vào tháng Tư, Văn phòng DNI đã công bố bản đánh giá mối đe dọa thường niên trong đó mô tả việc Trung cộng đẩy mạnh quyền lực toàn cầu là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Bà Avril Haines của DNI, trong phiên điều trần tại thượng viện một ngày sau đó cho biết Bắc Kinh đang trên đường trở thành “đối thủ cạnh tranh ngang hàng” với Hoa Kỳ và đóng vai trò là “ưu tiên hàng đầu” đối với cộng đồng tình báo quốc gia.
Do Isabel Van Brugen thực hiện
Với sự đóng góp của Cathy He
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: