Tương lai mờ mịt của nền kinh tế Afghanistan dưới thời Taliban nắm quyền
Người dân Afghanistan cho biết kể từ ngày chính phủ sụp đổ và Taliban nắm quyền cai trị, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Theo Fox Business đưa tin, anh Mohammad Akbar Ishaqzadeh đang đứng bên bờ sông Kabul và chờ người đến mua những đồ đạc trong nhà anh. Anh đã mất việc vào tháng trước vì công ty vận tải hàng hoá Hoa Kỳ nơi anh ấy làm việc đã bị phá sản. Giờ đây, anh phải bán hết tài sản của gia đình mình mới có tiền trang trải cuộc sống.
Sau khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan vào ngày 15/8, gia đình anh hoàn toàn lâm vào đường cùng. Do Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã đóng băng hơn 9 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, đình chỉ phần lớn viện trợ, v.v. khiến nền kinh tế Afghanistan rơi vào bờ vực sụp đổ.
Giờ nhà anh Ishaqzadeh không còn gì ngoài vài chiếc chăn để ngủ. Đây là phương thức cuối cùng giúp anh có đủ tiền nuôi vợ và sáu đứa con. Anh đã lái xe máy chở các vật dụng gia đình, gồm gối, quạt, rèm cửa, bát đĩa v.v đến khu chợ này.
Anh hy vọng người ta sẽ trả cho anh 360 USD để mua tất cả những thứ này, như vậy sẽ trang trải được thêm sáu tháng tiền thuê nhà. Tuy nhiên, mức giá cao nhất mà người ta trả cho anh chỉ là 85 USD.
Anh Ishaqzadeh chỉ vào những món đồ gia dụng chất đống trên xe và nói: “Kể từ ngày chính phủ sụp đổ, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Để có thể mua được thực phẩm, tôi không thể không bán những thứ trong nhà.”
Dưới sự cai trị khắc nghiệt của Taliban, người dân Afghanistan sống trong nghèo khổ và luôn nơm nớp lo sợ. Cả những người phản đối và ủng hộ Taliban đều đồng loạt cho rằng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là nguy cơ về cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cuộc khủng hoảng này có thể sẽ phá huỷ mọi thành quả mà Hoa Kỳ đã tài trợ cho Afghanistan trong 20 năm xây dựng đất nước.
Việc dừng hoạt động viện trợ cho Afghanistan có thể khiến hàng triệu người Afghanistan rơi vào cảnh nghèo đói trầm trọng và khiến dòng người tị nạn vào Âu Châu càng ngày càng đông.
Nếu tiếp tục duy trì các khoản viện trợ, thì có thể giảm bớt được gánh nặng kinh tế lên người dân Afghanistan, nhưng cuối cùng nó lại có thể dùng để hỗ trợ chế độ Taliban. Nhiều thủ lĩnh Taliban đã bị buộc tội khủng bố và vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế.
Đầu tháng này, Liên Hiệp Quốc đã cam kết viện trợ nhân đạo 1 tỷ USD cho Afghanistan, vượt xa so với mục tiêu ban đầu là 600 triệu USD. Phần lớn các khoản viện trợ này đều đến từ các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và không viện trợ thông qua chính phủ Taliban. Tuy nhiên, số tiền này chỉ là một phần nhỏ trong khoản dự trữ của Afghanistan, trong khi phần lớn dự trữ ngoại hối của Afghanistan đã bị Hoa Kỳ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đóng băng.
Sau khi Taliban nắm quyền cai trị đất nước, giá thực phẩm tăng vọt, đồng USD cạn kiệt, số người tị nạn ngày càng gia tăng. Sau vài tuần đóng cửa, các ngân hàng đã được phép hoạt động trở lại, nhưng Taliban hạn chế nghiêm ngặt việc rút tiền để bảo vệ nguồn dự trữ tiền mặt đang ngày càng cạn kiệt của đất nước. Những lô tiền USD trong tháng trước đã ngừng hoạt động. Cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn khi hàng nghìn các chuyên gia trẻ tuổi và những người Afghanistan có học vấn cao đã chạy trốn khỏi đất nước trong cuộc di tản vào tháng trước tại sân bay Kabul do Hoa Kỳ đứng đầu.
Nhân viên chính phủ đã không được trả lương trong nhiều tháng, và rất ít người trong số họ quay trở lại làm việc. Đặc biệt là các cựu cảnh sát và các quan chức an ninh khác, không ai tin tưởng vào lời hứa ân xá của Taliban, và trong khi nhiều người vẫn đang lẩn trốn.
Đối mặt với nguy cơ chết đói, một số người dân bất chấp mọi thứ để kiếm sống. Tại vòng xuyến trong một khu vực đông đúc ở Kabul, cựu cảnh sát Pesale đang bận rộn rao bán lá cờ trắng của Taliban – từng là kẻ thù trước kia của ông. Ông Pasale nói: “Trước mắt không có công việc tốt nào cả.” Bằng việc bán cờ Taliban, ông có thể kiếm được khoảng 3-4 USD một ngày, cũng xấp xỉ mức lương 150 USD trước kia của công. “Tôi phải bán cờ để kiếm tiền mua thức ăn”, ông nói.
Lý Duyên, Cao Sam
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: