Tướng cấp cao của Hoa Kỳ tuyên bố bộ máy quan liêu ‘nghiệt ngã’ đang ngăn cản quân đội chống lại Trung Quốc
Theo quan chức cấp cao thứ hai của Ngũ Giác Đài, thì khả năng phát triển các công nghệ quân sự của Hoa Kỳ đang bị kiềm chế bởi một bộ máy quan liêu “nghiệt ngã” với thứ văn hóa bài xích rủi ro đang ngăn cản đất nước đối phó thích đáng với sự phát triển vũ khí của Trung Quốc.
“Tốc độ [mà Trung Quốc đang] di chuyển và quỹ đạo mà họ đang theo sẽ vượt qua Nga và Hoa Kỳ nếu chúng ta không làm gì đó để thay đổi điều này,” Tướng John Hyten, Phó Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho biết tại một cuộc họp của Nhóm Thông tín viên Quốc phòng vào hôm 28/10.
“Điều đó sẽ xảy ra.”
Bộ máy hành chính quan liêu làm còi cọc sự phát triển của quân đội
Ông Hyten, người sắp nghỉ hưu, than thở về thời gian quay vòng chậm chạp đối với việc nghiên cứu và phát triển trong quân đội Hoa Kỳ. Ông lưu ý rằng thời gian trung bình mà ông dự tính các dự án mới sẽ tiêu tốn là 10-15 năm. Ông cho biết quá trình đó thậm chí còn kéo dài hơn nếu có lý do để giám sát trực tiếp.
Phân trần về vấn đề tốc độ, ông Hyten đã so sánh các nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong Chiến Tranh Lạnh với những nỗ lực tương tự ngày nay.
Ông Hyten cho biết trong những năm 1960 Hoa Kỳ đã nghiên cứu, phát triển, và cho ra đời khoảng 800 hoả tiễn chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm với động lực đáp trả sự phát triển tương tự của Liên Xô.
Mặt khác, những nỗ lực hiện tại của Hoa Kỳ nhằm phát triển thế hệ tiếp theo của các ICBM đã bắt đầu vào năm 2015, và đến năm 2035 những vũ khí này mới dự kiến sẽ có thể hoạt động hoàn toàn.
“Chúng ta có thể đi nhanh nếu chúng ta muốn,” ông Hyten nói. “Nhưng bộ máy hành chính quan liêu mà chúng ta đang áp dụng thật nghiệt ngã.”
Ông Hyten nhấn mạnh rằng những nguy hiểm gây ra bởi bộ máy quan liêu như vậy đang ngày càng trở nên rõ ràng và cận kề hơn. Ông nói với các phóng viên rằng trong 5 năm qua Hoa Kỳ đã tiến hành 9 cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh. Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành hàng trăm cuộc.
“Các con số hàng đơn vị so với các con số hàng trăm thì không phải là một điểm tốt,” ông Hyten nói.
Các hỏa tiễn siêu thanh là một loại vũ khí mới vừa nhanh vừa cơ động. Với quỹ đạo cơ động không bị giới hạn trong một vòng cung parabol cố định của hỏa tiễn đạn đạo, chúng có thể né tránh các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn hiện tại.
Vị tướng này đặc biệt thừa nhận rằng chính quyền Trung Quốc gần đây đã thử nghiệm bí mật một phương tiện lướt siêu thanh có năng lực hạt nhân, sự tồn tại của nó chỉ được báo chí biết đến sau khi sự việc xảy ra vài tháng.
Loại năng lực như vậy có thể đã được đối phó từ lâu, nếu bộ máy quan liêu không cản trở, ông Hyten cho biết.
Vị tướng này cho biết đấy là do Hoa Kỳ đã tìm cách loại bỏ hầu như mọi rủi ro khỏi quá trình phát triển trong hai thập niên qua, điều này đã làm hạn chế đáng kể việc nghiên cứu phát triển các năng lực quốc phòng mới. Đứng đầu trong số các năng lực đó là các loại vũ khí siêu thanh của Mỹ.
Ông đưa ra ví dụ về hệ thống HTV-1 và HTV-2, các phương tiện lướt siêu thanh của Mỹ không khác với hệ thống được Trung Quốc thử nghiệm gần đây. Các hệ thống này được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2010 và, sau một lần thử nghiệm thất bại, phải trải qua nhiều năm điều tra nghiên cứu. Sau lần thử nghiệm thất bại thứ hai, chương trình này đã bị loại bỏ.
Ông Hyten cho biết, “Chúng tôi đã phát triển các [vũ khí] siêu thanh đi trước tất cả mọi người trên thế giới và thử nghiệm đầu tiên đã thất bại. Thử nghiệm đầu tiên của mọi thứ đều thất bại.”
“Vì vậy, thử nghiệm đầu tiên không thành công và chúng tôi có hai năm để điều tra nghiên cứu lý do tại sao nó không thành công. Hai năm. Sau đó, chúng tôi khởi chạy lại và nó không thành công, và chúng tôi đã thất bại. Lần này là hai lần thất bại và chúng tôi đã hủy bỏ chương trình đó và chúng tôi đã dừng lại.”
Ông Hyten đối chiếu cách tiếp cận này với những nỗ lực thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, mà trong đó Hoa Kỳ đã nhanh chóng phát triển các hệ thống vũ khí thông qua phương pháp thử và sai: thất bại, nghiên cứu những thất bại đó, và thực hiện các bản sửa lỗi cho đến khi các hệ thống hoạt động được. Ông đã chỉ ra sự phát triển của Discoverer 14, vệ tinh do thám đầu tiên, như một đối trọng với các quy trình hiện tại.
“Discoverer 1 đến 13 đã thất bại trong khoảng 18 tháng, và Discoverer 14 đã xuất hiện và nó hoạt động,” ông Hyten cho biết. “Nếu quý vị muốn đi nhanh, đó là những gì quý vị làm.”
Một loại văn hóa bài xích rủi ro
Theo ông Hyten, việc không sẵn sàng trải qua thất bại trong quá trình phát triển đang ngăn cản quân đội Hoa Kỳ cạnh tranh tương xứng, và chống lại Trung Quốc. Để khắc phục điều đó, ông Hyten nhấn mạnh rằng cần phải loại bỏ văn hóa bài xích rủi ro hiện nay.
“Chúng ta phải hiểu rủi ro và phát triển,” ông Hyten nói.
“Thất bại chỉ là một phần của quá trình học hỏi và nếu quý vị muốn có lại sự thành công thì quý vị nên tìm ra cách để đem tốc độ trở lại với mọi thứ một lần nữa, và điều đó có nghĩa là chấp nhận rủi ro, và điều đó có nghĩa là học hỏi từ thất bại, và điều đó có nghĩa là thất bại và hành động nhanh.”
“Nhưng chúng ta đã không làm điều đó,” ông Hyten cho biết thêm. “Đất nước này tốt hơn là nên làm điều đó hay là cuối cùng Trung Quốc, mặc dù họ đi sau, sẽ vượt qua chúng ta.”
Ông Hyten lưu ý rằng, do sự kết hợp giữa bộ máy quan liêu và [văn hoá] bài xích rủi ro ở Ngũ Giác Đài, bộ phận này đã phải chật vật để tạo ra các công nghệ khi chúng được cần đến. Ông Hyten nói những gì mất nhiều năm ở Ngũ Giác Đài, thì mất sáu tháng ở khu vực tư nhân.
Ông Hyten nhận thấy một hệ quả kỳ lạ của hiện trạng này là việc bảo mật quá mức các công nghệ quân sự.
Ông Hyten cho biết, vì cảnh giác với tình trạng quan liêu quá mức và sự can thiệp chính trị, các lãnh đạo quân đội đã tiến hành bảo mật dự án của họ càng nhiều càng tốt vì càng ít người tiếp cận dự án đồng nghĩa với việc càng ít người có thể làm chậm nó.
“Chúng tôi bị bảo mật quá mức về những gì chúng tôi làm,” ông Hyten nói. “Bảo mật quá mức đến như thế.”
Trớ trêu thay, việc thúc đẩy bảo mật như là một phương tiện làm tăng tốc độ phát triển có thể sẽ khởi tác dụng làm suy yếu an ninh quốc gia trong dài hạn, ông cho biết. Điều này là do việc giữ kín các công nghệ quân sự ngăn cản Hoa Kỳ thể hiện đầy đủ sức mạnh của mình trước các đối thủ tiềm tàng, do đó làm suy yếu khả năng thành công ngăn chặn xung đột.
“Làm thế nào quý vị hy vọng ngăn chặn tất cả mọi người nếu quý vị giữ kín mọi thứ?” ông Hyten nói. “Yếu tố răn đe cuối cùng, mà chúng ta không làm, là truyền đạt điều đó một cách đáng tin cậy cho các đối thủ của chúng ta.”
“Quý vị không thể thực sự ngăn cản đối thủ của mình nếu mọi thứ đều được giữ kín, quý vị biết không?” ông nói thêm.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: