Tuổi xế chiều: Những niềm vui, nỗi buồn, những món quà và di sản cho thế hệ sau
Người của thế hệ đi trước là một kho tàng lớn lao, một bảo tàng sống chứa đầy những giá trị hữu ích, mang ý nghĩa như những ngọn đuốc soi đường cho thế hệ kế cận.
“Tuổi già không có chỗ cho sự mềm yếu.”
Trước đây, với tôi, câu ngạn ngữ này không mang quá nhiều ý nghĩa.
Chương trình huấn luyện của biệt đội SEAL thuộc hải quân Hoa Kỳ không có chỗ cho sự mềm yếu. Tất nhiên, không có anh chàng “ẻo lả” nào có thể hoàn thành những quãng chạy việt dã, những hành trình leo đỉnh Mount Whitney của tiểu bang California, và những giờ vắt kiệt sức khi chơi ở giải college rugby. Dĩ nhiên, một cá nhân thiếu tính rắn rỏi và thiếu sự quyết đoán (từ lóng tiếng Mỹ gọi là “milksop hay “snowflake”) không thể nào nuôi dạy đến sáu người con, không thể tham gia xây dựng những tòa cao ốc, và không thể làm việc 70 giờ một tuần để vận hành một nhà hàng.
Sự khác biệt duy nhất giữa những hoạt động kể trên và tuổi già gói gọn trong một từ: Lựa chọn. Vận động viên chạy chắc hẳn sẽ lựa chọn một chặng đua khốc liệt, còn những bậc phụ huynh đương nhiên sẽ lựa chọn con cái làm ưu tiên hàng đầu.
Nhưng không ai chọn tuổi già.
Vì đó là điều hiển nhiên. Dù bạn có yếu mềm hay rắn rỏi, bạn cũng sẽ già đi. Tuổi già là lẽ tất nhiên, dù bạn ta thán, phủ nhận, nguyền rủa, hay chấp nhận. Dù là người quả cảm hay một kẻ yếu mềm, tuổi già cũng sẽ đến với tất cả chúng ta.
Rốt cuộc, chúng ta phải để tâm đến điều gì.
Độ tuổi nào được xem là đã già?
Tại Hoa Kỳ (2020), tuổi thọ bình đối với nam giới là 77, trong khi đối với nữ giới là 82. Vậy dựa trên số liệu này, độ tuổi nào được cho là già? Có phải đó là khi một người đã bước sang tuổi 65, độ tuổi nghỉ hưu tại Hoa Kỳ. Hay phải chăng đó là khi ta 70 – “three score and ten”,một câu nổi tiếng trong Thánh kinh ám chỉ độ tuổi 70. Tôi cho rằng nhiều người cũng biết đến những người đã ngoài 80, nhưng phải trải qua những khó khăn liên quan đến tuổi tác từ khi họ bước qua ngưỡng 60. Vậy theo bạn ở độ tuổi bao nhiêu được xem là già?
Rõ ràng, định nghĩa về tuổi già là ý kiến chủ quan và phụ thuộc vào quan điểm cá nhân. Vậy nên tôi sẽ đứng trên cơ điểm của Thánh kinh – “three score and ten” để làm thước đo.
Những cơn đau nhức và những nỗi buồn
Nếu bạn đã bước sang ngưỡng 70 và vẫn duy trì một sức khỏe khá ổn, nghĩa là bạn không bệnh liệt giường nhưng cũng không quá khỏe để có thể tham gia đường chạy 5K (5k là tên một cuộc thi chạy đường dài với quãng đường 5km) và dĩ nhiên cũng không còn đủ khỏe tới phòng tập hàng ngày.
Đương nhiên, những cơn đau nhức âm ỉ của tuổi già là thứ mà bạn phải thường xuyên đối mặt. Buổi sáng, bạn thức dậy với một cái vai trái bị tê bì. Bạn phải mua một tấm thảm nhà tắm sau một lần suýt trượt ngã. Tiết trời mùa đông bây giờ không còn là thứ dễ chịu đối với bạn. Cái lạnh 30 độ F cũng khiến bạn ớn lạnh đến tận xương tủy dù đã khoác nhiều lớp áo.
Phần đông chúng ta thích ứng khá nhanh với những thay đổi về mặt thể chất khi về già. Bằng cách ăn ngủ và luyện tập hợp lý, chúng ta đang đương đầu với những thay đổi này, dù biết rằng rốt cuộc phần thắng luôn nghiêng về thời gian.
Nỗi buồn cũng là gánh nặng mà những người có tuổi đều phải trải qua. Có những người cùng thời, trong đó có những người có ý nghĩa trong cuộc đời bạn, thậm chí có những người trẻ hơn chúng ta đã qua đời. Với mỗi người mất đi, dường như thế giới thu hẹp đi một chút.
Thêm vào đó, chúng ta sẽ nhìn về những năm đã trôi qua với lòng trĩu nặng với bao nuối tiếc: Những tổn thương mà ta đã trót mang đến cho người phối ngẫu hoặc mang đến với con cái, những thất bại về tài chính, những lối rẽ trong đời mà chúng ta đáng ra phải thực hiện. Và dù bằng cách tự giảng hòa hoặc học cách chấp nhận, người khôn ngoan sẽ để những nỗi niềm ân hận ngủ yên để có được sự bình an trong tâm hồn.
Và đi kèm với cảm giác đau buồn là sự cô đơn. Những báo cáo được thực hiện bởi Viện quốc gia về các vấn đề lão hóa – The National Institute on Aging cho thấy khi người già (cảm thấy) cô đơn, họ phải đối mặt với những nguy cơ cao hơn về mặt sức khỏe như chứng cao huyết áp và suy giảm nhận thức. Đặc biệt, cảm giác cô đơn càng bị phóng đại bởi đại dịch COVID, khi các chuyến thăm tại các viện dưỡng lão đã bị hạn chế hoặc bị tạm ngưng. Nhiều người cao niên, vì sự lo ngại đến từ chủng virus này, phải làm quen với chính sách lưu trú bắt buộc tại tư gia.
Niềm vui và niềm hứng khởi
Cho dù có nhiều thách thức, tuổi già cũng mang đến nhiều niềm vui.
Đó là niềm vui khi được chơi golf vào một sáng trong tuần thay vì phải làm việc. Đó là một ly rượu uống cùng bạn bè trước bữa tối. Và đó cũng là khi chúng ta biết rằng ngày hôm sau chúng ta sẽ được tự do theo đuổi bất kỳ lịch trình nào mà ta mong muốn.
Năm tháng trôi qua, chúng ta, những người lớn tuổi nhận ra rằng mình có nhiều thời gian hơn để thưởng thức những thú vui nhỏ nhỏ thường nhật: tách cà phê đầu ngày, một bữa ăn đặc biệt hoặc một cuốn sách hay. Tôi biết một đàn ông lớn tuổi đã tìm thấy niềm vui lớn với việc ngồi trong khu vườn mà bản thân đã xây từ những phiến đá và ngắm nhìn những con chim tranh nhau ở máng ăn. Tôi cũng biết một người phụ nữ trẻ hơn tôi vài tuổi, một bác sĩ thú y đã nghỉ hưu, đã tìm được niềm vui với việc trông nom các cháu.
Khi về già, tâm tình của người ta thường trôi về như thuở còn thơ ấu, đặc biệt với những người không còn phải làm việc hoặc không phải nuôi dạy con. Ở tuổi này, ta sẽ tìm thấy cảm giác mới mẻ với các thú vui tưởng chừng đã quá quen thuộc vì việc giải trí không còn bị chi phối bởi công việc. Ví dụ: khi tuổi tác không còn cho phép ta leo lên máng trượt để trượt xuống một dốc phủ đầy tuyết; tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể nhìn ngắm các cháu nô đùa với máng trượt, cùng cười to và cùng kêu gào khi lũ nhóc trượt xuống dốc. Điều này giúp bạn nhân đôi niềm vui khi bạn vừa quan sát lũ nhỏ, vừa hồi tưởng về thời thơ ấu của mình.
Dỗ dành quá khứ
Chúng ta, những người tuy nhiều tuổi nhưng ít ra vẫn sở hữu một sức khỏe tốt, coi như đã nhận được một món quà là sự trường thọ. Và cách mà chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn vì món quà này, đó là việc chia sẻ ký ức với thế hệ kế cận.
Những người lớn tuổi tựa như những ngôi nhà đầy ắp những trải nghiệm quý như châu báu. Họ là những bảo tàng sống chứa đầy những tàn tích của quá khứ. Hầu hết chúng ta đều nhớ về ông bà và những người thân từ thuở ấu thơ, những người đã chia sẻ với chúng ta về những câu chuyện mà họ trải qua, như cách họ lớn lên trong những cuộc đại khủng hoảng hoặc việc họ phục vụ quân ngũ trong Đệ Nhị Thế Chiến, hoặc đơn giản như cảm nhận khi lần đầu họ được tận mắt trông thấy đại dương.
Vậy nên, nếu xung quanh bạn có trẻ nhỏ và những người trẻ, với lòng tốt, hãy làm như cách mà thế hệ đi trước chia sẻ cho chúng ta, hãy chia sẻ những trải nghiệm và kiến thức quý giá của bạn với chúng.
Bằng cách kể lại những ký ức của chúng ta, lưu chúng trên các thiết bị điện tử, hoặc viết chúng xuống, chúng ta đang trao lại ngọn đuốc trí huệ của thế hệ chúng ta cho thế hệ kế cận. Hãy để tâm đến những vấn đề mà thế hệ trẻ đang đối mặt và mang đến cho các em giải pháp chân thành nhất mà bạn có thể đưa ra.
Hãy kể cho thế hệ kế cận những trải nghiệm của chính bạn. Trải nghiệm của ta sẽ giúp ích cho họ, để đời sống của chúng ta vẫn còn hữu dụng ngay cả khi ta qua đời.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: