Từ “tự do” đã mất đi ý nghĩa. Và tại sao ở đây tôi đang lấy lại ý nghĩa của nó
Đối với người hiện đại, từ “tự do” hầu như đồng nghĩa với Đảng Dân Chủ, phe cấp tiến hoặc khuynh tả. Nhưng sự liên hệ này là kết quả của việc thay đổi định nghĩa ngôn từ qua nhiều thập kỷ và thậm chí nhiều thế kỷ. Các phạm trù chính trị đã thay đổi đáng kể, và vì vậy, từ “tự do” đã mất đi hoàn toàn ý nghĩa của nó.
Chủ nghĩa tự do, trong lần xuất hiện cổ điển ban đầu của nó, đại diện cho một triết lý hoàn toàn khác với chủ nghĩa tân tự do mà chúng ta nghĩ đến ngày nay. Chủ nghĩa tự do cổ điển có thể được định nghĩa là một hệ tư tưởng chính trị ủng hộ cho tự do cá nhân bằng cách hạn chế quyền lực của chính phủ. Dòng suy nghĩ này nảy sinh vào thế kỷ 17 và 18 từ ngòi bút của các nhà tư tưởng như John Locke, Adam Smith và John Stuart Mill, cùng với những người khác.
Họ ưu tiên bảo vệ các quyền cá nhân bằng mọi giá, chẳng hạn như quyền tự do kinh tế và tự do ngôn luận, đồng thời coi sự can thiệp của chính phủ vào các việc cá nhân là mối đe dọa lớn nhất cho sự tự do. Như vậy, chủ nghĩa tự do cổ điển là nền tảng của các quyền được sống, được tự do và được mưu cầu hạnh phúc của người Hoa Kỳ. Đó là cội rễ triết lý của một quốc gia tự do.
Nhưng triết lý trên lại giống với chủ nghĩa tự do cá nhân hiện đại và một số dạng thức của chủ nghĩa bảo tồn truyền thống hiện đại, hơn cái gọi là hệ tư tưởng “tự do” ngày nay. Khi các nhà triết học tự do cổ điển xuất sắc đã lui ra khỏi nền văn hóa và trường học của chúng ta, chủ nghĩa tân tự do đã phản bội bản chất của hệ tư tưởng tiền thân của nó.
Phe khuynh tả hiện đại, vốn có xu hướng nằm trong nhóm “tự do,” trên thực tế thường là hoàn toàn trái ngược. Thay vì thúc đẩy tự do kinh tế, phe khuynh tả ủng hộ các chính sách can thiệp, do đó ngụ ý rằng chính phủ nắm giữ chìa khóa của công bằng kinh tế chứ không phải cá nhân.
Thay vì thúc đẩy tự do ngôn luận, phe khuynh tả khuyến khích các chính sách hạn chế tranh luận và đối thoại lành mạnh. Là những người ủng hộ không gian an toàn và văn hóa loại bỏ, phe khuynh tả đặt ra những điều cấm kỵ xã hội hoặc thậm chí cấm đoán một số ngôn luận nhất định. Khi làm như vậy, họ phản bội lại lý tưởng tự do cổ điển về tự do ngôn luận bằng cách khăng khăng rằng chỉ những ý tưởng được bảo vệ mới là những ý tưởng “đúng đắn.”
Như vậy, những người theo chủ nghĩa tân tự do thậm chí không còn giống chút gì với những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển. Trên thực tế, chủ nghĩa tự do cổ điển đã được thay thế bằng chủ nghĩa phi tự do khuynh tả. Và những nỗ lực ngày càng tăng của phe khuynh tả nhằm hạn chế tự do chỉ có thể bị đẩy lui bằng việc khôi phục các nguyên lý cổ điển của chủ nghĩa tự do.
Bất cứ ai trung thành với quyền tự do cá nhân chính là một người theo chủ nghĩa tự do cổ điển. Và, mặc dù phe phi tự do khuynh tả đang giành được quyền lực và ảnh hưởng, những người ủng hộ tự do ngôn luận, tự do kinh tế và sự tôn nghiêm của cá nhân vẫn còn rất nhiều.
Bởi vì những người theo chủ nghĩa tự do đích thực như vậy rất đa dạng, và chủ nghĩa tự do cổ điển có sức mạnh đoàn kết ở khắp các hệ tư tưởng chính trị. Có rất nhiều người thực sự theo chủ nghĩa tự do cổ điển ở cả cánh tả lẫn cánh hữu. Mặc dù điều này có thể đòi hỏi chúng ta phải bỏ qua những khác biệt đảng phái, nhưng chúng ta chắc chắn nên làm điều đó khi quyền tự do cá nhân bị đe dọa.
Có lẽ điều quan trọng hơn hết trong lúc này là chúng ta cùng đoàn kết để lấy lại những lý tưởng tự do cổ điển. Chúng ta phải chống trả một cách khéo léo hơn để bảo vệ quyền tự do. Như theo lời của [nhà kinh tế học và chính trị học] Ludwig von Mises: “Chống lại những gì ngu ngốc, vô nghĩa, sai lầm và xấu xa, chủ nghĩa tự do [cổ điển] chiến đấu bằng vũ khí của trí tuệ.”
Tác giả Rikki Schlott là một nhà văn và sinh viên sống tại thành phố New York. Là một nhà hoạt động tự do ngôn luận trẻ tuổi, các bài viết của cô ghi lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa phi tự do theo quan điểm của Thế hệ Z. Cô Schlott cũng làm việc cho The Megyn Kelly Show và đã được đăng bài trên The Daily Wire và The Conservative Review.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Rikki Schlott thực hiện
Joe Nguyễn biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: