Từ nhỏ đến lớn: Cách sửa chữa lại nền văn hóa đã bị phá hủy của chúng ta
Vào đầu tháng 9/2019, Gail Contreras, một độc giả của The Epoch Times, đã gửi email cho biên tập viên của tôi trong chuyên mục tôi viết về những lời chửi thề.
“Tôi rất thích bài viết ngày 22/08. Tôi là một người không thích những lời tục tĩu. Tôi là một y tá trong phòng phẫu thuật và thỉnh thoảng làm công việc của một y tá bệnh phòng ban ngày. Tôi đã yêu cầu nơi làm việc của mình rằng khi trong tiền sảnh, nhân viên không được chửi thề. Chúng tôi đều là những chuyên gia có giáo dục và tôi cảm thấy những lời đó hạ thấp con người chúng ta và thực lòng mà nói là không cần thiết trong cuộc trò chuyện. Chúng ta không bao giờ nói chuyện kiểu như vậy trước mặt bệnh nhân, vậy tại sao chúng ta phải nói chuyện với nhau theo cách này. Điều tuyệt vời nhất là mọi người đã tuân thủ yêu cầu này, đến mức mà lễ tân sẽ nói gì đó khi nhân viên chửi thề tại nơi làm việc – những người có thể không biết đến đề nghị của tôi. Không khó để khiến người khác thay đổi thái độ về chủ đề này. Tôi nghĩ nếu ai đó nêu lên vấn đề này, thay đổi có thể xảy ra.”
Nghe thật thú vị, tôi đã gửi lại thư cho bà Contreras và hỏi liệu bà có sẵn sàng trò chuyện với tôi qua điện thoại sau những dòng thư của mình không.
Gail có một giọng nói dễ chịu và sống động, bà cũng rất nhanh trí. Bệnh viện nơi bà làm việc gần San Francisco – “Hãy nhớ đề cập đến điều này”, bà nói. “Chúng tôi tất cả không phải đều điên rồ ở đây, California.” Bà nói với tôi rằng bà đã chán ngấy những lời chửi rủa. “Chúng tôi không nói chuyện kiểu như vậy trước mặt những đứa trẻ”, và với tư cách là y tá phòng bệnh, bà yêu cầu mọi người không được sử dụng ngôn từ thô tục.
Việc các nhân viên tuân thủ theo yêu cầu của bà khiến bà rất ngạc nhiên. Không ai chống đối. Thực tế, yêu cầu của bà trở thành một lời nói đùa của các nhân viên: “Khi Gail ở đây, chúng ta đừng chửi thề.” Trong email bà viết cho tôi, sự thay đổi này đã giúp tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn tại văn phòng.
Trước khi kết thúc cuộc hội thoại, Gail đã cười và nói với tôi rằng: “Nói chuyện với anh là một trong những chuyện tình cờ mà tôi yêu thích. Tôi mới theo dõi The Epoch Times, và bài viết của anh về những lời tục tĩu là vấn đề đầu tiên tôi đọc được. Và giờ, tôi ở đây, hai tuần sau, nói chuyện với anh qua điện thoại.”
Trong tình huống này, tôi cảm thấy rất vinh dự. Gail là người thực hiện một ý tưởng mà từ lâu tôi đã ủng hộ, cho dù tôi cũng thường xuyên thất bại trong việc thực hành nó.
Đây là một phụ nữ đã mang đến thay đổi tích cực cho thế giới. Một thay đổi nhỏ nhưng khiến một góc nhỏ của thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Gail không đòi hỏi gì cả, bà cũng không đưa ra một mệnh lệnh nào; bà chỉ đơn giản đề nghị các đồng nghiệp thay đổi cách sử dụng ngôn từ của mình. Với tính cách đáng yêu của Gail, tôi có thể hiểu tại sao họ lại cảm thấy thoải mái tuân thủ điều đó.
Rất nhiều người trong chúng ta phàn nàn về nền văn hóa của đất nước mình: thiếu sót, thô lỗ, bất lịch sự và trong một số tình huống còn thật dã man. Nhưng phàn nàn sẽ chỉ tạo ra thay đổi rất nhỏ. Nếu chúng ta muốn một nền văn hóa tốt đẹp hơn, nếu chúng ta muốn mang trở về nền văn minh cho xã hội, nếu chúng ta muốn có một sự thay đổi lớn lao về những giá trị đã bị chìm nghỉm, tốt nhất là hãy hành động theo cách của Gail. Chúng ta có thể từ bỏ việc chờ ai đó làm gì và thay vào đó bắt đầu cải biến bản thân và những người xung quanh khi có thể.
Nhiều năm trước, một bác sĩ gây mê mà tôi biết phục vụ trong Hải quân và sau đó làm trong một bệnh viện dân sự đã mua một lá cờ Mỹ treo trước hiên nhà mình. Cậu con trai lớp ba của anh ấy và một số bạn bè của cậu cùng có mặt, và khi Eric cầm chắc lá cờ, anh nói, “Này các con, chúng ta hãy đọc lại Lời cam kết Trung thành.”
Không đứa trẻ nào biết những lời đó.
Một vài người trong chúng ta có thể bỏ qua sự thiếu hiểu biết đó. Một số có thể lắc đầu và bày tỏ sự thất vọng, hoặc tự hỏi trẻ em đang học những gì ở trường ngày nay.
Nhưng Eric không như vậy.
Anh đến trường học và đề nghị xin dạy về Lời cam kết không chỉ trong lớp học của con trai anh, mà cho tất cả các học sinh. Anh được nhà trường cho phép, vì vậy anh đã mua một vài lá cờ Mỹ, tìm một nơi để treo chúng trong lớp học, giải thích ngắn gọn với các học sinh tầm quan trọng của lá cờ và cách sử dụng nó, và sau đó dạy chúng Lời cam kết.
Một lần nữa, thay đổi đến từ thấp lên cao.
Dường như, chúng ta biết những người – có lẽ là một vài độc giả của chúng ta là những người đó – những người mà không đợi đến khi một cơ quan tổ chức hay người khác giải quyết vấn đề, vì vậy họ có thể cải thiện thế giới dù nhỏ.
Một lãnh đạo Hướng đạo sinh ở Asheville, Bắc Carolina, đã giúp nhiều cậu bé, bao gồm cả con trai út của tôi, đạt được cấp bậc Đại bàng. Nhiều phụ huynh tôn trọng anh vì sự kỷ luật trong việc hướng đạo. Một phụ nữ mà tôi biết ở Front Royal, Virginia tên là Mary Kay, vì không hài lòng với cả trường công lập và nhiều trường Công Giáo ở Hoa Kỳ nên đã thành lập một công ty giáo dục tại nhà theo Công Giáo, và công ty này có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của hàng ngàn thanh niên. Một người phụ nữ khác mà tôi quen biết, Jennifer, đã lập danh sách sinh nhật của anh chị em và con cháu của họ — chúng tôi đang nói chuyện với 50 người trở lên — và gửi cho họ một tấm thiệp chúc mừng vào ngày trọng đại của họ.
Và giờ là một ví dụ từ cuộc đời tôi: Vào năm 2004, vợ tôi lúc đó 52 tuổi qua đời vì chứng phình động mạch não, bỏ lại tôi và 4 đứa con trong nỗi đau buồn. Hai đứa con lớn nhất của tôi vẫn đang học đại học hoặc chỉ vừa mới tốt nghiệp, hai đứa con trai còn lại mới 15 và 9 tuổi khi mẹ chúng mất. Tôi cảm thấy cô đơn, đau lòng và choáng váng, không biết tôi có thể tiếp tục một mình như thế nào.
Và sau đó, những người biết cách tạo ra sự thay đổi xuất hiện. Những thành viên trong gia đình, bạn bè và cha mẹ của học sinh đã đến bên tôi. Họ đóng góp vào quỹ giáo dục cho những đứa con tôi mà mẹ vợ tôi lập ra. Trong gần một năm, họ đưa chúng tôi đi ăn tối hai hoặc ba lần một tuần; họ chơi đùa và giúp giáo dục con trai út của tôi trong khi tôi làm việc; họ đã gửi những dòng tin nhắn và email động viên, không chỉ sau tang lễ mà trong nhiều tuần kế tiếp.
Mỗi cá nhân đó đều giúp tôi có thêm dũng khí bước về phía trước. Mỗi người đều tạo ra một sự thay đổi.
Khổ thơ đầu tiên của bài thánh ca được xuất bản năm 1913 của Ina Ogden đề cập đến thái độ của những người mà hành động nhỏ của họ cũng có thể thắp lửa cho một thế giới tăm tối:
“Đừng đợi đến khi có ai đó làm điều vĩ đại mà bạn có thể,
Đừng đợi đến khi ai đó chiếu sáng cho bạn;
Để rất nhiều điều quanh bạn trở thành sự thật,
Hãy thắp sáng những góc nhỏ nơi bạn đến.”
“Hãy thắp sáng những góc nhỏ nơi bạn đến.” Điều này có lẽ nói lên tất cả.
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt đang phát triển. Trong 20 năm, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, Bắc Carolina. Hiện nay ông sống và viết ở Front Royal, Virginia. Xem JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Do Jeff Minick thực hiện
Thiên An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: