Tù nhân lương tâm kể lại việc bị tra tấn tình dục ở Trung Quốc
Ghi chú của biên tập viên: Bài viết này có chứa chi tiết kể về các hình thức tra tấn và tấn côn công tình dục.
Một tù nhân lương tâm gần đây vừa mãn hạn tù 7 năm tại một nhà tù khét tiếng ở thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc, đã mô tả về việc phải chịu nhiều hình thức tra tấn dã man, trong đó có tấn công tình dục.
Ông Chu Hướng Dương (Zhou Xiangyang), một học viên Pháp Luân Công 49 tuổi và từng là kỹ sư, đã được trả tự do vào ngày 01/03/2022 từ nhà tù Tân Hải Thiên Tân, theo Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi lại chiến dịch bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào môn tu luyện tinh thần này.
Trong khi bị giam giữ, ông Chu cho biết ông đã phải chịu đựng sự tra tấn dưới bàn tay của các tù nhân và quản ngục, bao gồm bị điện giật, bị bức thực, bị xịt hơi cay, và bị tấn công vào các bộ phận riêng tư trên cơ thể của mình.
Nhiều tuần sau khi được trả tự do, ông Chu đã đệ đơn khiếu nại những tổn thương về tinh thần của mình lên các cơ quan tư pháp của Trung Quốc, bao gồm Cục Tư pháp Thành phố Thiên Tân, Cục Quản lý Nhà tù Thành phố Thiên Tân, và Bộ Tư pháp Trung Quốc.
Những lời kể về hành vi tra tấn và đối xử vô nhân đạo như vậy là phổ biến trong các học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ giam giữ chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của họ.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần chiểu theo ba nguyên lý cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn, với năm bài tập chuyển động chậm rãi. Sau khi môn tu luyện này được truyền ra vào năm 1992, số người theo học môn này ở Trung Quốc đã tăng lên đến 100 triệu người vào năm 1999. Cho rằng sự phổ biến của Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài của mình, nhà cầm quyền cộng sản đã bắt đầu một chiến dịch đàn áp trên toàn quốc nhằm ‘xóa sổ’ pháp môn này.
Kể từ đó, hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và trung tâm giam giữ trên khắp cả nước.
Tra tấn và ngược đãi
Theo Minghui, hồi tháng 03/2015 ông Chu cùng vợ là bà Lý San San (Li Shanshan) cũng là một học viên, đã bị bắt vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Chính quyền Trung Quốc đã kết án họ lần lượt là 7 năm và 6 năm tù.
Ông đã chịu án tù tại nhà tù Tân Hải Thiên Tân.
Để phản đối việc bản thân bị giam cầm, ông Chu đã tuyệt thực trong suốt thời gian ngồi tù, khiến ông thường xuyên bị bức thực. Khi tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi, ông Chu đã buộc phải ngồi xe lăn.
Tháng 11/2020, tù nhân lương tâm này bị chuyển đến một khu vực khác của nhà tù, khu nhà số 10. Tại đây, ông bắt đầu phải chịu nhiều loại phương pháp tra tấn từ các tù nhân cũng như quản ngục.
“Vào buổi tối ngày thứ nhất ở khu 10, một quản ngục tên Tang Hải Húc (Zang Haixu) dẫn tôi đến bệnh viện của nhà tù để bức thực cùng với hai tù nhân Triệu Thạc Bằng (Zhao Shuopeng) và Bạch Tông Minh (Bai Zongming), người đã đẩy xe lăn của tôi,” ông Chu viết trong đơn khiếu nại chính thức của mình. “Trên đường trở về, viên quản ngục đã viện cớ, dùng dùi cui điện giật điện tôi và xịt hơi cay vào mắt tôi khi chúng tôi đang ở một chỗ khuất tầm nhìn của camera giám sát.”
Theo đơn khiếu nại, trong những tháng tiếp theo, quản ngục Tang đã thường xuyên giật điện, xịt hơi cay, và đánh đập ông Chu để đe dọa.
Vài ngày sau khi ông Chu chuyển đến khu nhà mới, một quản ngục khác là Lương Hãn Văn (Liang Hanwen) đã tổ chức một nhóm ba tù nhân và giao nhiệm vụ cho họ thay phiên nhau ngược đãi ông Chu, Minghui đưa tin.
Một trong những tù nhân nói trên, Phan Hâm (Pan Xin), đã thực hiện một loạt các phương pháp tra tấn tàn ác.
Theo Minghui, trong khi hai tù nhân khác giữ ông Chu, tù nhân Phan đã véo núm vú của ông Chu liên tục cho đến khi chỗ đó chảy dịch. Anh ta dùng lực cực mạnh để bóp mạnh bộ phận sinh dục của ông Chu trong thời gian dài cho đến khi các vùng bị bị tác động mưng mủ, sưng tấy, và biến dạng.
Các hình thức tra tấn và đối xử hèn hạ khác mà Phan gây ra bao gồm nhổ nước bọt vào mặt ông Chu, ấn mạnh vào vùng ngực của ông, và trộn thức ăn lỏng của anh ta với nước tiểu trong một cái chai trước khi ép đổ hỗn hợp đó xuống cổ họng ông Chu.
Theo Minghui, có bốn lần trước mặt các quản ngục Lương hoặc Tang, tù nhân Phan đã dùng bàn tay đeo găng của mình để ấn vào hậu môn của vị học viên này nhằm hành hạ ông. Hơn nữa, quản ngục Tang còn xịt hơi cay vào găng tay của Phan để tăng thêm sự khó chịu.
Theo đơn khiếu nại, nạn nhân cho biết ông đã hét lên cầu cứu trong những khoảnh khắc tra tấn như vậy nhưng không một ai đến giúp, mặc dù tiếng kêu của ông có thể được nghe thấy ở khắp hành lang. Một lần, ông bị khó thở nghiêm trọng đến nỗi những kẻ hành ác phải ngừng lạm dụng và đưa ông đến bệnh viện nội bộ của nhà tù để thở oxy.
Theo Minghui, ông Chu đã báo cáo những trải nghiệm bị tra tấn của mình cho trưởng trại giam Cao Bội Trị (Gao Peizhi) để tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng thường gặp phải sự trả thù bằng những hành vi lạm dụng nghiêm trọng hơn — đôi khi xảy ra vào cùng ngày ông tố cáo.
Trong một lần khác, quản ngục Tang đã dùng dùi cui điện để trả đũa ông. “Tôi nghe nói ông đã mách lẻo với trưởng trại giam của chúng tôi,” ông Tang cảnh báo ông Chu sau phiên tra tấn, đơn khiếu nại cho biết. Tôi làm vậy [sốc điện] là để ông ghi nhớ cho kỹ. Sau này đừng ăn nói lung tung nữa.”
“Có kêu cứu cũng vô dụng,” các tù nhân cũng nói với nạn nhân, nói rằng hành vi của họ đã bị trưởng trại giam trừng phạt.
Lần ở tù này không phải là lần đầu tiên ông Chu bị giam giữ. Trước đó, ông đã bị giam cầm 9 năm trong cùng một nhà tù và một năm trong các trại lao động.
Ông Chu từng là một kỹ sư đường sắt hàng đầu, làm việc tại một công ty quy hoạch đường sắt nhà nước ở Thiên Tân.
Sau khi được trả tự do, ông Chu đã chuyển đến sống với cha mẹ ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, mặc dù ông vẫn bị ĐCSTQ giám sát, Minghui cho biết.
Nhà tù khét tiếng
Trong những năm qua, nhà tù Tân Hải Thiên Tân đã nổi lên như một điểm nóng trong cuộc bức hại không ngừng nghỉ của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công, dựa trên những lời kể mà Minghui tổng hợp.
Minghui cho biết, tháng 03/2020 học viên Pháp Luân Công Lý Thiểu Thần (Li Shaochen) đã qua đời ở tuổi 77 trong thời gian chịu án bốn năm rưỡi tại nhà tù này. Vẫn chưa xác định được nguyên nhân tử vong của ông do sự thiếu minh bạch và trấn áp thông tin về các hành vi lạm dụng một cách có chủ đích của chính quyền Trung Quốc.
Tháng 07/2011, học viên mới đến Lý Hy Vọng (Li Xiwang) đã qua đời ở tuổi 49 vì bị tra tấn, 10 ngày sau khi ông bị đưa vào nhà tù này. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của ông là ông Lý phải chịu một hình thức tra tấn cực hình, trong đó nạn nhân bị buộc phải giữ ở tư thế cong lưng trong một thời gian dài. Theo Minghui.org, phương pháp này buộc nạn nhân phải ngồi trong tư thế hai chân vuông góc với nhau, cổ chân bị cùm xuống đất. Sau đó, cả hai tay bị cùm vào một trong hai mắt cá chân, có nghĩa là thân thể người bị hại bị buộc phải cong hình vòng cung ở trên cái chân [mà tay họ bị cùm vào].
Giới hạn chịu đựng của một người đối với loại tra tấn này được cho là hai giờ. Ông Lý được phát hiện đã qua đời sau khi bị buộc phải giữ nguyên tư thế đó trong hơn 10 giờ, Minghui cho biết. Theo các nhân chứng, nét mặt của ông cho thấy ông đã tử vong trong tình trạng đau đớn tột cùng, trán và đầu của ông nổi đầy mụn mủ và hai mắt ông thì bị lồi ra.
Một học viên khác bị giam tại nhà tù cùng lúc với ông Lý, ông Sander Lau, đã xác minh về sự qua đời của ông Lý trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times. Ông Lau cho biết cá nhân ông có quen biết tù nhân mới đến này.
“Nhiều câu chuyện nội bộ được đưa ra ánh sáng bởi vì một số tù nhân đang làm nhiệm vụ và chịu trách nhiệm giám sát ở các nhóm khác nhau hoặc trong bệnh viện có quan hệ tốt với chúng tôi [các học viên Pháp Luân Công],” học viên sống sót này nói và cho biết thêm rằng những người cung cấp thông tin này là những người đồng cảm với các học viên bị giam giữ.
Theo ông Lau, nhà tù đã biệt lập những tù nhân lương tâm không chịu từ bỏ đức tin của họ, và đối xử tàn nhẫn với họ bất kể tuổi tác. Họ không được phép tham gia cùng những tù nhân khác trừ khi họ đồng ý từ bỏ đức tin của mình.
Bản thân ông Lau từng bị bắt không cho ngủ, bị buộc phải dành hàng giờ ngồi hoặc đứng ở một vị trí cố định và bị bức thực trong thời gian bị giam giữ tại đó.
Theo Minghui, một học viên khác là ông Nhậm Đông Sinh (Ren Dongsheng) cũng bị buộc phải trải qua phương pháp tra tấn bị cùm cong lưng sáu lần trong thời gian bị giam giữ từ năm 2006 đến 2011.
Vào ngày được trả tự do, ban quản lý nhà tù đã không để ông Nhậm về với gia đình mà giao ông cho chính quyền địa phương. Họ đã chuyển ông đến một lớp tẩy não kéo dài bảy ngày để tiếp tục bức hại. Khi ông được thả lần cuối, gia đình ông phát hiện ông đã bị mất trí. Ông Nhậm vẫn bị bệnh tâm thần trong nhiều năm trước khi qua đời ở tuổi 53 vào tháng 09/2018.
Hôm 08/04, The Epoch Times đã liên hệ với nhà tù Tân Hải Thiên Tân qua điện thoại để yêu cầu bình luận, nhưng người bắt máy đã từ chối phúc đáp những nghi vấn báo chí mà anh này tuyên bố là “vượt quá” phận sự của mình.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: