Tự lực: Một phẩm chất tốt đẹp của người dân Hoa Kỳ
Vào một buổi chiều se lạnh ngay sau Lễ Tạ ơn, tôi đứng giữa đám đông trước cửa hàng sửa chữa xe hơi tự động ở Front Royal, Virginia, nhìn người thợ sửa xe cố gắng tháo các nắp kim loại khỏi van áp suất trên lốp xe.
Anh ấy giải thích rằng không nên đặt những chiếc nắp như vậy vào những vòi phun này vì chúng sẽ bị kẹt, và việc dùng lực để tháo nó ra có thể làm hỏng lốp xe. Đầu tiên, anh ấy dùng nước xịt chống rỉ WD-40 và đem ra một chiếc cờ lê. Sau đó anh đi vào trong, quay lại với một cái đèn hàn, thận trọng đốt nóng một cái nắp và van, rồi thử tháo lại bằng cờ lê.
“Thật là ấn tượng,” Tôi nói khi chiếc nắp bật ra.
Anh ngước nhìn tôi và nói. “Tôi lớn lên ở một trang trại gần đây vào những năm 70. Thời đó chúng tôi không có nhiều thứ, và cũng không có gì nhiều để mà mua dùng. Chúng tôi đã quen với việc tự làm, và đó là cách mà tôi học được những điều này.”
Người thợ lành nghề này đã tháo thành công cả bốn chiếc nắp kim loại, thay thế chúng bằng những chiếc nắp nhựa và nói: “Chà, điều đó đã giúp ông tiết kiệm được khoảng 400 USD đấy.”
Tôi cảm ơn anh và hỏi xem phải trả bao nhiêu tiền.
“Không tính phí”, anh ấy nói, và khi tôi không chịu, anh ấy vẫy tôi đi đi.
Tuần sau, tôi mang cho anh ấy và các nhân viên của anh ba thùng bánh quy lớn tôi mua từ cửa hàng tạp hóa.
Và tôi ngẫm nghĩ những gì anh ấy nói về việc lớn lên ở trang trại đó.
Bài học từ quá khứ
Từ lịch sử sơ khai của Hoa Kỳ, tự lực là một đức tính được đánh giá cao.
Người Hoa Kỳ chúng ta đã rèn luyện đức tính đó bởi vì từ những ngày đầu tiên, những người thuộc địa chỉ có thể trông chờ vào bản thân và nguồn lực của mình để tồn tại. Trong vài thế kỷ sau đó, những người đàn ông và phụ nữ đến định cư vùng đất này, đặc biệt là những người tiên phong và những người ở ngoài thuộc địa, họ sử dụng kỹ năng tự cung tự cấp, trí thông minh và những kiến thức thông thường cùng những người hàng xóm sửa chữa xe cộ, trồng trọt, bày biện thức ăn trên bàn, hộ sinh, và chăm sóc người bệnh. Khi tuyệt vọng và cần giúp đỡ, họ sẽ tìm đến gia đình và bạn bè, hoặc nhà thờ địa phương để được hỗ trợ.
Hãy nghĩ về người cha và người mẹ nhà Ingalls trong loạt sách và phim truyền hình nổi tiếng “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Từ dãy Appalachians đến Đại Bình Nguyên Bắc Hoa Kỳ (Great Plains), hàng triệu người Hoa Kỳ là tổ tiên của chúng ta đã sống với tất cả những gì họ có, giống như nhà Ingalls.
Phong cách Hoa Kỳ
Các nhà văn như Ralph Waldo Emerson, James Fenimore Cooper, và Henry David Thoreau đã đưa ra ý tưởng về sự độc lập tự chủ này. Trong bài luận “Tự lực cánh sinh” (Self-Reliance), Emerson đã đề cập đến một trường hợp về sự không khuất phục và tính cá nhân, và ông khuyên độc giả hãy đi theo những ngôi sao dẫn đường của chính mình. Trong cuốn “Người Mohican cuối cùng” (The Last of the Mohicans) của Cooper, Natty Bumppo là một người dân bản địa vùng biên thuần tuý, anh sống một mình và tồn tại nhờ trí thông minh và hiểu biết về khu rừng với khẩu súng dài. Trong “Walden”, Thoreau viết về cuộc sống một năm của mình trong khu rừng, anh cố gắng làm nhiều việc nhất có thể chỉ bằng đôi tay.
Từ đó, nền văn học của chúng ta đề cao tính độc lập và sự kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh. Chúng ta tìm thấy một ví dụ kinh điển về sự kiên cường như vậy trong cuốn tiểu thuyết “Sự gan góc chân chính” (True Grit) của Charles Portis, tác phẩm mà Hollywood đã hai lần chuyển thể thành phim. Với ý định trả thù kẻ giết cha của mình, Mattie thuê Nguyên soái Hoa Kỳ là “Gà Trống” Cogburn để truy tìm kẻ giết người và nhất quyết đồng hành cùng ông ta trong cuộc truy lùng. Mattie chứng tỏ mình là một phụ nữ trẻ mạnh mẽ có thể tự bảo vệ bản thân trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Ý thức độc lập tự cường của người Hoa Kỳ cũng trở thành chủ đề chính trong các bộ phim. Gary Cooper trong “Trưa hè nắng gắt” (High Noon), Jimmy Stewart trong “Ông Smith tới Hoa Thịnh Đốn” (Mr. Smith Goes to Washington), Dorothy McGuire trong “Cái cây mọc ở Brooklyn” (A Tree Grows in Brooklyn), John Wayne trong rất nhiều phim Miền Tây: Những bộ phim này và hàng ngàn bộ phim khác miêu tả người Hoa Kỳ là những người có thể thành công với sự kiên trì gan góc.
Dạy tính tự lực
Nếu suy xét kỹ, chúng ta nhận ra rằng tự lực là mục tiêu chính của giáo dục. Chúng ta dạy Johnny thắt dây giày, tự mặc quần áo, đọc sách, ăn bằng muỗng nĩa chứ không phải bằng ngón tay. Khi lớn hơn, cậu ta phải học lái xe hơi, thay lốp, cân đối sổ sách, và hàng ngàn công việc lớn nhỏ khác sẽ khiến cậu ta trưởng thành.
Họ khuyến khích cậu ấy làm việc bên ngoài trong suốt mùa hè hoặc thậm chí sau giờ học, để dành tiền học đại học hoặc mua chiếc xe mà cậu yêu thích; do đó, cậu không chỉ học được tính tự lực mà còn biết ước chế bản thân. Bằng cách khuyên nhủ và tự làm gương, họ giúp cậu làm quen với các công cụ logic và lý trí để tự giải quyết những vấn đề của mình khi bước ra thế giới.
Cái giá phải trả khi không chú trọng tính tự lực
Không phải tất cả các bậc cha mẹ đều lựa chọn con đường này, đặc biệt khi con của họ đã khôn lớn. Họ mang biệt danh mà một số người gọi là “cha mẹ trực thăng”, luôn bay lượn trên đầu con ngay cả sau khi con họ vào đại học. Họ tháo gỡ các khó khăn và mở đường cho chúng, ví dụ như gọi cho giáo sư sau khi con gái họ nhận được điểm B thay vì điểm A cho bài luận tiếng Anh hoặc gặp chủ công ty của con trai về vấn đề của chúng nơi công sở.
Trớ trêu thay, những nỗ lực giúp đỡ con cái của chúng ta lại trở thành những điều cản đường chúng trở nên tự lực và trưởng thành.
Thế hệ của chúng ta cũng vậy, sự suy giảm ý thức tự lực mang lại những nguy hiểm cho một chính phủ lớn. Xưa kia chúng ta tự đối mặt với những vấn đề khó khăn hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của những người xung quanh, thì giờ đây nhiều người tự động tìm đến chính phủ để được hỗ trợ. Chúng ta muốn chính phủ giáo dục con cái chúng ta, chăm sóc chúng ta khi bị ốm, cho chúng ta tiền khi không làm việc, tịch thu tiền của người này và đưa cho người khác.
Trong một thời gian dài, ngày càng xa rời tính tự lực tự cường khiến chúng ta quỳ gối dưới các quan chức và chính trị gia và trao nhiều quyền lực hơn cho họ. Đại dịch xảy ra là một ví dụ hoàn hảo cho xu hướng này. Thay vì đối xử với cử tri như những người trưởng thành, đề nghị họ làm thế nào đó để giữ cho bản thân an toàn, thì một số thị trưởng và thống đốc đã ban hành một loạt các sắc lệnh và đối xử với những công dân như thể đó là trẻ em. Cách làm này khiến rất nhiều người tức giận, nhưng một phần là do chúng ta đã từ bỏ tính tự lực và tự kiểm soát.
Những giới hạn
Tất nhiên, không ai trong chúng ta có thể đóng vai Robinson Crusoe mọi lúc mọi nơi, và tính tự lập không có nghĩa là không nhận giúp đỡ của người khác. Giống như tôi vẫn cần thợ sửa xe, những người khác có thể giúp chúng ta gánh vác những trách nhiệm nặng nề.
Ví dụ, sau khi vợ tôi qua đời, bạn bè và cha mẹ của những học sinh tôi đang dạy đã giúp tôi trong nhiều tháng ròng. Họ mang thức ăn cho gia đình tôi, chăm sóc cậu con trai 9 tuổi khi tôi đang dạy học, đóng tiền vào quỹ học đại học cho các con tôi, họ đã giúp tôi làm những việc mà vợ tôi đã làm. Tôi có thể nào sống bình thường mà không cần sự giúp đỡ đó không? Có lẽ có. Nhưng tôi luôn có lòng biết ơn vô bờ bến với họ và những gì họ đã làm cho tôi.
Vào một dịp khác, một nhóm phụ huynh quyên góp được một khoản tiền lớn để đưa tôi đến Âu Châu. Khi tôi nói với con gái tôi rằng tôi không thoải mái khi nhận món quà này và có lẽ tôi sẽ từ chối, nó đã nói thế này: “Đó là một điều tội lỗi. Cha đang từ chối cho họ quyền được làm điều thiện. Cha hãy nhận tiền và đi Âu Châu đi cha ạ.”
Con bé nói đúng và tôi đã sai. Được tự do giữ dây cương, sự tự lực có thể trở thành một niềm tự hào lớn lao.
Bảo vệ phẩm giá
Được xuất bản năm 1898, cuốn “Tự chủ: Vương quyền và Uy nghiêm” (Self-Control: Its Kingship and Majesty) của William George Jordan là một cuốn sách cổ xưa về tính tự lực. Trong Chương 13, “Phẩm giá của sự tự lực”, Jordan viết: “Người đàn ông tự lực nói rằng: ‘Không ai có thể biết được khả năng của tôi ngoài tôi, không ai có thể khiến tôi trở nên tốt hay xấu ngoài tôi.’ Anh ấy đã tự tìm ra sự cứu rỗi cho chính mình – vấn đề tài chính, xã hội, tinh thần, thể chất và đạo đức.”
Đó là một lời khuyên hữu ích từ xưa tới nay, đặc biệt là trong thời khắc năm mới.
Nói một cách đơn giản, chúng ta phải chịu trách nhiệm lớn lao về việc chúng ta là ai. Khi chúng ta phủ nhận điều đó, có nghĩa là chúng ta đang phủ nhận nhân tính của chính mình. Tất cả chúng ta hãy quyết tâm trở nên tự lực hơn, vì lợi ích của chúng ta và của đất nước.
Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang tuổi vị thành niên. Trong 20 năm, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, NC. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết, “Amanda Bell” và “Dust on their Wings” và hai tác phẩm phi hư cấu, “Learning as I Go” và “Movies Make the Man.” Hiện ông đang sống và viết ở Front Royal, Va. Truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Jeff Minick
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: